KTNN báo cáo Chủ tịch Quốc hội kết quả 05 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020

18/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 16/1/2015, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN đã tổ chức hội nghị báo cáo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về kết quả 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn. Về phía KTNN có Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn và các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN, thường vụ Đảng ủy KTNN, lãnh đạo các Vụ tham mưu, các KTNN chuyên ngành và các đơn vị sự nghiệp.


Những kết quả quan trọng theo Chiến lược

Thay mặt KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày trước Hội nghị báo cáo kết quả 5 năm (2010-2014)thực hiện Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020 (Chiến lược). Kết quả 5 năm thực hiện chiến lược được tổng kết đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán; Tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán và giá trị của báo cáo kiểm toán; Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; Hoạt động đối ngoại; Công tác xây dựng cơ sở vật chất; Hoạt động của Ban cán sự, Đảng ủy và tổ chức đoàn thể.
 
Đánh giá chung về kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Chiến lược, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, 5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song KTNN đã đạt được những kết quả quan trọng theo yêu cầu của Chiến lược. Địa vị pháp lý của KTNN được Hiến định; năng lực của KTNN ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; Chất lượng và hiệu lực hoạt động kiểm toán ngày càng tiến bộ.Bình quân hàng năm, KTNN thực hiện khoảng 170 đến 190 cuộc kiểm toán với quy mô tăng khoảng 10% hàng năm, số cuộc kiểm toán chuyên đề ngày càng tăng.

          
 
Tính riêng 04 năm gần đây (2010-2013), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 76.400 tỷ đồng, chiếm 52% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm. Năm 2014, tổng số kiến nghị xử lý tài chính của 143/189 cuộc kiểm toán là hơn 20.000 tỷ đồng. KTNN ngày càng cung cấp nhiều kiến nghị có giá trị trong thực tiễn; từ năm 2010 đến nay, đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 329 văn bản. KTNN cũng đã tích cực tham gia phòng, chống, tham nhũng, lãng phí. Kết quả hoạt động của KTNN cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với hoạt động kiểm toán và cơ quan KTNN. Các đơn vị được kiểm toán, các cấp, các ngành thấy rõ tác dụng, vai trò của KTNN để phối hợp tốt hơn, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật tài chính, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn tổng kết một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của KTNN thời gian qua. Về mặt pháp chế, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, việc cải tiến các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, xây dựng hồ sơ mẫu biểu về kế hoạch, báo cáo kiểm toán chưa theo kịp đổi mới hoạt động kiểm toán. Đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ máy và cán bộ chưa hoàn chỉnh; số lượng biên chế chưa được giao theo lộ trình Chiến lược; đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên không đồng đều, ý thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức chưa cao, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; khả năng phân tích, tư duy tổng hợp còn yếu...

Những tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan như: Luật KTNN còn có điều quy định chưa phù hợp nên hành lang pháp lý chưa cao, chưa có chế tài yêu cầu các đơn vị kiểm toán thực hiện; Năng lực đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng cán bộ còn thiếu; Cơ chế chính sách kinh tế - xã hội chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến việc đánh giá và thực hiện kiến nghị kiểm toán; Cơ chế phối hợp công tác chưa đồng bộ nên còn chồng chéo giữa các cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra...; Hệ thống kiểm toán nội bộ chưa hình thành nên khó khăn trong việc nắm thông tin, đánh giá, thu thập phân tích thông tin để lập kế hoạch kiểm toán nên kế hoạch còn dàn trải, phối hợp với kiểm toán độc lập còn ít...

Tiếp tục tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực đội ngũ để thực hiện thành công Chiến lược, xứng đáng với vị thế của KTNN trong Hiến pháp
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội 03 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020.
 
Nhiệm vụ trước tiên, KTNN tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN bao gồm: Tiếp thu ý kiến hoàn thiện, chỉnh sửa Luật KTNN (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015) và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả; rà soát các văn bản có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung; Quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát sửa đổi các quy định, giảm các thủ tục rườm rà, hình thức; hoàn thiện Chuẩn mực KTNN để áp dụng vào thực tiễn.

           
 
KTNN tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp kiểm toán, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán và giá trị của báo cáo kiểm toán. Cụ thể, trong thời gian tới KTNN sẽ tập trung: Mở rộng đối tượng kiểm toán theo Luật KTNN và kiểm toán thường niên, đẩy mạnh hình thức tiền kiểm, đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp; Đẩy mạnh phương pháp lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, xác định quy mô cuộc kiểm toán phù hợp với năng lực, đi sâu kiểm toán các chuyên đề, các vấn đề Quốc hội và nhân dân quan tâm, rút ngắn thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán, phối hợp chặt chẽ trên cơ sở phân cấp rõ ràng nhiệm vụ kiểm soát, kiểm soát toàn diện tất cả các cuộc kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán trong kiểm soát chất lượng kiểm toán; Gia tăng giá trị của báo cáo kiểm toán thông qua việc nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và đổi mới việc xây dựng nội dung, cách trình bày kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 
KTNN tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa: Hoàn thiện bộ máy các phòng nghiệp vụ chuyên sâu theo lĩnh vực kiểm toán, tăng cường năng lực cho các vụ tham mưu và phòng tổng hợp của các đơn vị, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và đảm bảo chất lượng theo lộ trình Chiến lược; Nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; Xây dựng cơ sở vật chất; Xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao các nội dung của Báo cáo, đặc biệt là những kết quả đã đạt được của KTNN trong thời gian qua. “Nhìn lại quá trình phát triển 20 năm, đặc biệt 5 năm vừa qua của KTNN, tôi khẳng định rằng chủ trương thành lập KTNN của Đảng và Nhà nước là chính xác. Thời gian qua, KTNN đã có những phát triển vượt bậc: Từng bước hoàn thiện thể chế, khối lượng công việc đảm đương tăng nhanh về quy mô và hiệu quả, báo cáo kiểm toán ngày càng có giá trị cao và hiệu lực ngày càng nâng lên, tính công minh trong hoạt động KTNN càng ngày càng được xã hội thừa nhận”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh công tác quản lý tài chính, tài sản của đất nước vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng chưa hiệu quả tài chính và tài sản công vẫn còn phức tạp, vì vậy, KTNN với chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công cần tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

         
 
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, KTNN phối hợp chặt chẽ với các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Luật KTNN (sửa đổi), đảm bảo KTNN đảm đương được vị thế đã được hiến định trong Hiến pháp sửa đổi. Chủ tịch nhấn mạnh, dự thảo Luật phải cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, tránh phải tiếp tục hướng dẫn nhiều bằng các văn bản dưới luật.
 
Với đối tượng kiểm toán rộng là “tài chính và tài sản công” được quy định tại Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu KTNN cần lựa chọn đối tượng kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lực lượng để kiểm toán theo chiều sâu, tránh dàn trải. KTNN nên kết hợp 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động). KTNN cũng cần sử dụng tổng hợp các công cụ kiểm toán là kiểm toán nội bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp và kiểm toán độc lập để phát huy các nguồn lực nhằm đảm đương khối lượng công việc “khổng lồ” trong thời gian tới.
 
Một yêu cầu nữa đặt ra cho KTNN là cần chú trọng công tác củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực chuyên môn, bồi dưỡng đạo đức, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên. “Kiểm toán được cho là cơ quan “cầm cân nảy mực”, đi xem xét người khác, vì vậy, đội ngũ của kiểm toán cần phải rất trong sáng, chuyên nghiệp và hiện đại”, Chủ tịch Quốc hội nói. Về các đề xuất của KTNN, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với chủ trương nâng tầm Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ để đảm đương cả nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời đồng ý quan điểm về chủ trương về bổ sung đội ngũ kiểm toán viên nhà nước theo tinh thần lộ trình Chiến lược. Chủ tịch Quốc hội cũng giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất để tính toán phương án ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức kiểm toán viên nhà nước trong lộ trình cải cách tiền lương.
 
“Tôi tin tưởng với truyền thống, nền tảng đã đạt được trong 20 năm qua và những định hướng, kế hoạch rõ ràng trong thời gian tới, KTNN sẽ thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, góp phần đảm bảo công tác quản lý tài chính, tài sản công của Chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn”, Chủ tịch Quốc hội kết luận./.

Ngọc Bích

Xem thêm »