Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020: Chặng đường năm năm thực hiện

22/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 với mục tiêu "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. Triển khai thực hiện Chiến lược, Tổng KTNN đã ban hành Kế hoạch hành động và Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2014. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động, KTNN đã đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược, từ đó xác định nhiệm vụ và giải pháp trong các năm tiếp theo:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện chiến lược phát triển KTNN

Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước đã được Hiến định, Luật KTNN sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 5/2015
Năm năm qua, KTNN tập trung ban hành và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN để giúp cho hoạt động kiểm toán ngày càng có hiệu lực, hiệu quả; đã ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung 02 văn bản; bãi bỏ 10 văn bản; sửa đổi, bổ sung 08 quy trình, quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán, hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán trên tinh thần cải cách hành chính. Nghiên cứu, kiến nghị nâng cao địa vị pháp lý KTNN trong Hiến pháp. Kết quả, địa vị pháp lý của KTNN đã được Hiến định. Trên cơ sở đó, KTNN đã tổng kết 8 năm thực hiện Luật KTNN và xây dựng Luật KTNN sửa đổi trình Quốc hội. Năm 2014, KTNN đã rà soát, đánh giá lại việc thực hiện Hệ thống chuẩn mực KTNN và xây dựng lại theo chuẩn quốc tế. Theo kế hoạch, Hệ thống chuẩn mực KTNN mới đến năm 2016 sẽ hoàn thành với 44 chuẩn mực; đến nay, KTNN đã ban hành 04 chuẩn mực KTNN, đang hoàn thiện dự thảo 8 chuẩn mực KTNN. KTNN đã ký quy chế phối hợp và thoả thuận hợp tác với 14 Bộ, cơ quan Trung ương và 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp công tác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.

Đổi mới nội dung, phương pháp lập kế hoạch kiểm toán
Trong giai đoạn 2010-2014, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán ngày càng có chất lượng hơn, tuân thủ quy trình chặt chẽ, đều được xin ý kiến của Quốc hội, Chính phủ; hoạt động khảo sát, nắm bắt tình hình được chú trọng hơn; định hướng kiểm toán luôn gắn liền với chủ trương, chính sách tài khóa, chính sách tài chính, tiền tệ và những vấn đề đang được Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm;  năm 2014 đã đổi mới công tác lập kế hoạch trên cơ sở đánh giá rủi ro và trọng yếu, giảm thời gian và nhân sự; xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng kiểm toán.

Giai đoạn 2010-2014, quy mô hoạt động kiểm toán tăng dần, thể hiện ở việc tăng cường đầu mối kiểm toán, trong đó một số đầu mối quan trọng, có số thu-chi ngân sách lớn được kiểm toán thường niên; luôn luôn có trên 50% tổng thu, tổng chi NSNN được kiểm toán mỗi năm, một số đơn vị được kiểm toán hàng năm và định kỳ theo luật định.

Kết quả, trong những năm qua, nhất là năm 2013, 2014, KTNN đã nâng cao một bước về chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, từng bước mở rộng kiểm toán hoạt động; tập trung xác nhận báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty và bước đầu xác nhận số liệu quyết toán ngân sách một số địa phương; tăng cường đánh giá việc tuân thủ chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại hầu hết các cuộc kiểm toán, các đoàn kiểm toán đều có đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng tài chính, tài sản công.

Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán, công tác thanh tra nhằm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực
KTNN luôn xác định kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán là một nhiệm vụ trọng tâm và luôn được chỉ đạo sát sao nhằm hạn chế rủi ro và phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kiểm toán. Tháng 3/2014, KTNN đã ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán; kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm toán đối với 100% các cuộc kiểm toán từ tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và kiểm soát của lãnh đạo KTNN. Đồng thời, kiểm soát hàng ngày hoạt động kiểm toán thông qua phần mềm Nhật ký kiểm toán viên. Kết quả là giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán được nâng lên nhờ kết luận và kiến nghị kiểm toán có đầy đủ bằng chứng hơn, được thẩm định, kiểm soát qua nhiều cấp, mục tiêu và nội dung kiểm toán được kiểm soát chặt chẽ và chỉ đạo kịp thời ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Hệ thống tổ chức từng bước được củng cố, kiện toàn
Trong giai đoạn 2010-2014 KTNN đã thành lập mới 04 KTNN khu vực, (năm 2011), chia tách 01 KTNN chuyên ngành thành 02 đơn vị độc lập (Ia, Ib năm 2011), nâng cấp, đổi tên 01 đơn vị sự nghiệp (Chuyển Tạp chí Kiểm toán thành Báo KTNN năm 2012), thành lập mới 01 đơn vị tham mưu (Thanh tra năm 2013).

Năm 2014, KTNN đã rà soát, đánh giá chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc KTNN. Kết quả, đã điều chỉnh nhiệm vụ của các đơn vị tham mưu đối với hoạt động kiểm toán (chức năng phê duyệt kế hoạch, thẩm định và phát hành báo cáo kiểm toán) theo hướng chuyên nghiệp, cải cách hành chính, rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn; Hệ thống tổ chức cấp phòng tại các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực được sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực kiểm toán.

Hiện nay, KTNN đang triển khai Đề án thành lập Trường đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ KTNN nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kiện toàn nhân sự cho bộ phận tổng hợp, bộ phận kế hoạch và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên có bước phát triển rõ rệt
Nhằm phát triển đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng và tính chuyên nghiệp, KTNN đã xây dựng và thực hiện các Đề án tuyển dụng công chức, viên chức minh bạch, khách quan. Đến nay, số lượng công chức, viên chức của toàn ngành gần 2.000 người, trong đó đội ngũ kiểm toán chiếm 80%; 100% đội ngũ kiểm toán viên có trình độ từ đại học trở lên, trong đó trên đại học 30%; công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đều được thực hiện đúng quy trình.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành: 05 năm qua, KTNN đã thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường đào tạo chuyên môn, đào tạo nâng cao, cập nhật thường xuyên, định kỳ về phương pháp, quy trình kiểm toán và chính sách pháp luật mới và đa dạng hóa loại hình đào tạo. Năm 2013, 2014 KTNN đã ban hành chương trình bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên, xây dựng các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo từng chuyên đề.

KTNN đã tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có sai phạm, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, thiếu trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt.

Hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu
KTNN đã ký kết 22 Thỏa thuận hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao; ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán danh tiếng.

KTNN đã tham gia tích cực các hoạt động của INTOSAI và ASOSAI, năm 2011 KTNN Việt Nam là thành viên đồng sáng lập của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao các nước Đông Nam Á - ASEANSAI và là Chủ tịch Ủy ban lập Kế hoạch Chiến lược của Tổ chức này; KTNN đã chủ động tham gia các hoạt động của các tổ chức ASOSAI, INTOSAI, ASEANSAI. Tháng 10/2014, Ban Điều hành ASOSAI đã chính thức giới thiệu KTNN Việt Nam là đơn vị duy nhất được đề cử đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 và là Chủ tịch Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2018 - 2021.

Việc kiểm toán các dự án sử dụng vốn tài trợ, kiểm toán chung và huy động nguồn lực tài trợ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN được tăng cường. Ngày 29/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục các dự án thuộc Chương trình Hiện đại hóa tài chính công do EU tài trợ, trong đó có Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho KTNN với trị giá 4,2 triệu EUR.

Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động kiểm toán ngày càng được hoàn thiện đáp ứng nhiệm vụ kiểm toán
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng trụ sở của KTNN giai đoạn 2012-2020; Năm 2013, UBTV Quốc hội cho phép bố trí vốn đầu tư từ các khoản thu theo kết quả kiểm toán, nâng tỷ lệ được trích nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu tiên cho KTNN từ 2% lên 5% nên tiến độ các dự án được thực hiện nhanh hơn, nguồn kinh phí đảm bảo chế độ cho cán bộ ổn định hơn. Kết quả, năm 2014: 3 trụ sở KTNN khu vực đã hoàn thành; Dự án trụ sở KTNN cơ sở II tại Hà Nội đã thi công phần tầng hầm.

KTNN đã xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT toàn ngành, kết nối Internet, ứng dụng thư điện tử; 80% kiểm toán viên đã được trang bị máy tính xách tay. Từ năm 2013, KTNN đã trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ ngành; đưa vào sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình với 16 điểm cầu; xây dựng và sử dụng một số phần mềm ứng dụng trong hoạt động kiểm toán. Năm 2014, đã phê duyệt đề án phát triển CNTT giai đoạn 2015-2020.

Những thành tựu nổi bật 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 (giai đoạn 2010-2014)
Năm năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức,  song Kiểm toán Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước được Hiến định; năng lực ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; chất lượng và hiệu lực hoạt động của ngày càng tiến bộ. Bình quân hàng năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện khoảng 170 đến 190 cuộc kiểm toán với quy mô tăng khoảng 10% hàng năm. Số cuộc kiểm toán chuyên đề ngày càng tăng. Tính riêng 4 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 76.400 tỷ đồng, chiếm 52% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm; năm 2014, tổng số kiến nghị xử lý tài chính của 143/189 cuộc kiểm toán là 22.500 tỷ đồng.

KTNN ngày càng cung cấp nhiều kiến nghị có giá trị trong thực tiễn; từ năm 2010 đến nay, đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 329 văn bản. KTNN cũng đã tích cực tham gia phòng, chống, tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của KTNN cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với hoạt động kiểm toán và cơ quan KTNN. Các đơn vị được kiểm toán, các cấp, các ngành thấy rõ tác dụng, vai trò của KTNN để phối hợp tốt hơn, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật tài chính, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Những hạn chế trong quá trình thực hiện Chiến lược
Việc cải tiến các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, xây dựng hồ sơ mẫu biểu về kế hoạch, báo cáo kiểm toán chưa theo kịp đổi mới hoạt động kiểm toán. Việc đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính gắn kết giữa 03 loại hình kiểm toán chưa cao; thời gian một cuộc kiểm toán còn dài. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động kiểm toán còn hạn chế.

Bộ máy của KTNN chưa hoàn chỉnh, chưa có Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kiểm toán nhà nước đủ tầm, tương xứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp đặc thù chuyên môn nghề nghiệp kiểm toán như thông lệ các cơ quan kiểm toán tối cao tiên tiến trên thế giới nên năng lực đào tạo, nghiên cứu ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn và tính chuyên nghiệp còn hạn chế.

Số lượng biên chế chưa được giao theo lộ trình Chiến lược được duyệt, mới chỉ được giao bằng 73% kế hoạch đến năm 2015. Đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên không đồng đều, ý thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức chưa cao, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; khả năng phân tích, tư duy tổng hợp còn hạn chế, chủ yếu thiên về kiểm toán báo cáo tài chính đơn thuần; còn trường hợp vi phạm quy chế làm việc, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử.

Nhiệm vụ và giải pháp
Để thực hiện tốt địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như sau:

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN
Tiếp thu ý kiến hoàn thiện, chỉnh sửa Luật KTNN (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015) và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả; rà soát các văn bản có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung; quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát sửa đổi các quy định, giảm các thủ tục rườm rà, hình thức; hoàn thiện Chuẩn mực KTNN để áp dụng vào thực tiễn.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp kiểm toán, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán và giá trị của báo cáo kiểm toán
Đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách các địa phương và tăng cường kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; đẩy mạnh phương pháp lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm soát toàn diện tất cả các cuộc kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán trong kiểm soát chất lượng kiểm toán; nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và đổi mới việc xây dựng nội dung, cách trình bày kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa
Hoàn thiện bộ máy các phòng nghiệp vụ chuyên sâu theo lĩnh vực kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực; tăng cường năng lực cho các vụ tham mưu và phòng tổng hợp của các đơn vị. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ kiểm toán nhà nước và triển khai thực hiện.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và đảm bảo chất lượng theo lộ trình Chiến lược; tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; gắn quyền hạn với trách nhiệm nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, từ tổ trưởng, trưởng phòng, trưởng đoàn, kiểm toán trưởng; đào tạo chuyên sâu kỹ năng phân tích, tổng hợp hoạt động kinh tế-xã hội cho đội ngũ kiểm toán viên; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại
Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về KTNN cả trên diện rộng lẫn chiều sâu, đẩy mạnh trao đổi, học tập kinh nghiệm kiểm toán, thực hiện kiểm toán chung; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực; tăng cường kiểm toán các dự án ODA và thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội ASOSAI 2018.

Xây dựng cơ sở vật chất
Đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN. Phấn đấu đến năm 2017 hoàn thiện trụ sở làm việc của KTNN và tất cả các KTNN khu vực, xây dựng Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ KTNN tại Hà Nội; trang bị đầy đủ phương tiện làm việc và triển khai Đề án Phát triển tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2015-2020./.

Hữu Quân

Xem thêm »