“Chuẩn mực KTNN - Công cụ hữu hiệu góp phần tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN”

26/08/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ký ban hành Hệ thống chuẩn mực KTNN (CMKTNN) theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế - ISSAIs. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động của KTNN, xây dựng KTNN ngày càng chính quy hiện đại nhằm thực hiện Luật KTNN năm 2015 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, từng bước hội nhập quốc tế. Phóng viên Website KTNN đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN.

GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

Thưa Ông, với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu soạn thảo hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs, Ông có thể cho biết ý nghĩa của hệ thống CMKTNN này đối với hoạt động KTNN hiện nay?

Hệ thống chuẩn mực KTNN ban hành theo Quyết định số    02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước gồm 39 chuẩn mực và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong hệ thống Chuẩn mực KTNN được xây dựng theo hướng tuân thủ ISSAIs trong khoảng thời gian gần 3 năm. Hệ thống chuẩn mực này bao gồm các chuẩn mực của cả 3 cấp độ: Cấp độ 2 - Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của KTNN như: Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và Kiểm soát chất lượng kiểm toán. Cấp độ 3 - Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản như các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của KTNN và các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Cấp độ 4 - Các hướng dẫn kiểm toán: hướng dẫn chi tiết việc đánh giá và xử lý rủi ro kiểm toán, xác định trọng yếu kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán, cách thức tiến hành thủ tục phân tích, kiểm toán số dư đầu kỳ…Các cấp độ trên được áp dụng cho cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; có ảnh hưởng tích cực và tác động sâu rộng đến 05 nhóm đối tượng chính bao gồm: KTNN, các Kiểm toán viên nhà nước, các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, và công chúng.

Hệ thống chuẩn mực KTNN mới cung cấp những hướng dẫn mang tính nguyên tắc, cốt lõi, là công cụ căn bản phục vụ kiểm toán viên trong quá trình tác nghiệp kiểm toán, là công cụ hữu hiệu để KTNN định hướng, kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên nhà nước và các bên liên quan. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán cũng cung cấp thêm thông tin, hướng dẫn cho các đơn vị được kiểm toán để phối hợp trong quá trình kiểm toán, đồng thời hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan quản lý, giám sát của nhà nước và công chúng trong công tác giám sát hoạt động kiểm toán của KTNN, qua đó nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán, góp phần đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan của các ý kiến kiểm toán, củng cố thêm sự tin tưởng vào chất lượng và tác động của hoạt động KTNN.

Đối với cơ quan KTNN, việc áp dụng ISSAIs là cơ hội, điều kiện thuận lợi để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động của KTNN nói chung và hoạt động kiểm toán nói riêng; góp phần giúp KTNN thực hiện những mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý đến phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hóa; đa dạng hóa các loại hình kiểm toán đến nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện về năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán cho phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Với địa vị pháp lý được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013“Là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, cho thấy vai trò của KTNN ngày càng lớn trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng và quản lý tài chính, tài sản công. Hệ thống chuẩn mực KTNN được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, phù hợp với pháp luật, điều kiện thực tiễn, môi trường hoạt động của Việt Nam sẽ là công cụ hữu hiệu để KTNN tăng cường năng lực, đồng thời phát huy tốt vai trò góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, phát triển bền vững.

Quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực KTNN vừa được ban hành chắc hẳn rất công phu thưa ông?

Chúng tôi đã dành gần 3 năm để xây dựng hệ thống chuẩn mực một cách nghiêm túc, bài bản và công phu. Đến nay, KTNN đã hoàn thành dự thảo 39 chuẩn mực. Các chuẩn mực này được xây dựng một cách cẩn trọng, xuất phát từ tinh thần làm việc khoa học, giàu nhiệt huyết của Tổ soạn thảo hệ thống chuẩn mực KTNN, cộng với sự đóng góp nhiệt tình, chất lượng, có trách nhiệm của các chuyên gia trong và ngoài ngành. Xuyên suốt trong quá trình xây dựng, và đặc biệt là sau các cuộc hội thảo lấy ý kiến, các thành viên Tổ soạn thảo đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống CMKTNN với tinh thần cầu thị, tôn trọng chân lý.

Năm 2013, trên cơ sở cam kết của KTNN Việt Nam với Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao thế giới (IDI) và Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) trong việc thực hiện ISSAIs - các Chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành, KTNN đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng hệ thống Chuẩn mực KTNN mới theo hướng tuân thủ ISSAIs. Để triển khai hoạt động này, KTNN đã tổ chức khóa đào tạo về đánh giá việc tuân thủ ISSAIs, thành lập Nhóm Đánh giá việc tuân thủ ISSAIs gồm 13 thành viên do 1 lãnh đạo KTNN làm Trưởng nhóm và các thành viên là công chức, kiểm toán viên có trình độ đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm đã tiến hành đánh giá một cách toàn diện tính tuân thủ trong tổ chức và hoạt động của KTNN theo các thông lệ quốc tế ISSAI, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAI.

Sau khi hoàn thành đánh giá việc tuân thủ ISSAI, ngay trong tháng 10/2013 KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống CMKTNN (Ban Chỉ đạo) với thành viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài ngành. Khi bắt tay vào xây dựng hệ thống CMKTNN, Ban chỉ đạo tập trung chủ yếu vào một số nguyên tắc chính - Xây dựng hệ thống CMKTNN trên cơ sở các quy định của hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của các cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI), tham khảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập và kết quả đánh giá việc tuân thủ ISSAI của KTNN; tiếp thu một cách có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán quốc tế phù hợp với hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam, phù hợp với bối cảnh trong hiện tại và cả trong tương lai.

Hơn nữa, hệ thống CMKTNN mới được xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu: Đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện; Hệ thống CMKTNN mới sẽ được áp dụng cho cả 3 loại hình kiểm toán - kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Trong năm 2014, Tổ soạn thảo đã hoàn thành và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 04 CMKTNN trong cấp độ 2 và 3,  là những chuẩn mực mang tính nguyên tắc trong chỉ đạo hoạt động kiểm toán của KTNN. Từ cuối năm 2014 đến hết Quí I năm 2016, Tổ soạn thảo đã tiếp tục soạn thảo 35 CMKTNN và danh mục thuật ngữ, đồng thời tiến hành lấy ý kiến tham gia của các đơn vị trực thuộc KTNN để hoàn thiện 4 CMKTNN đã ban hành năm 2014. Kết quả là toàn bộ 39 chuẩn mực và danh mục thuật ngữ đến này về cơ bản đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa hình thức, kết cấu, nội dung và đảm bảo theo định hướng tuân thủ thông lệ quốc tế (ISSAI) phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu được đặt ra và phê duyệt của Lãnh đạo KTNN trước khi thực hiện xây dựng các chuẩn mực.

Thưa Ông, việc xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs sẽ mang lại những cơ hội gì cho KTNN trong quá trình phát triển, hội nhập?

Tuyên bố Mêhicô tại Đại hội lần thứ XIX của INTOSAI năm 2007 một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ kiểm toán quốc tế đối với mỗi cơ quan kiểm toán tối cao khi nêu: “Cơ quan kiểm toán tối cao phải sử dụng các chuẩn mực nghiệp vụ và kiểm toán phù hợp và quy tắc đạo đức nghề nghiệp dựa trên các văn bản chính thức của INTOSAI, Liên đoàn Kế toán viên Quốc tế, hoặc các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn được công nhận khác.”

Là cơ quan có chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và đưa ra kết luận, kiến nghị đối với các vấn đề được kiểm toán, KTNN ý thức rất rõ yêu cầu về tính chính xác, trung thực, khách quan đối với các ý kiến kiểm toán. Chính vì vậy, việc xây dựng và đưa vào áp dụng một hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ thông lệ, chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs), đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trở thành một yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của KTNN, tăng cường năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và hình ảnh của KTNN trong cộng đồng các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới (gọi tắt là INTOSAI).

Việc áp dụng ISSAIs sẽ nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của các SAI, tăng cường năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và hình ảnh của các SAI trong cộng đồng INTOSAI; từ đó, nâng cao chất lượng kiểm toán và tính minh bạch trong khu vực công trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng ISSAIs cũng thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các SAI, trên cơ sở đó không ngừng cập nhật và hoàn thiện ISSAIs.

Được biết đây là lần đầu tiên KTNN xây dựng hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs, ông đánh giá như thế nào về những khó khăn mà KTNN sẽ gặp phải trong quá trình áp dụng các chuẩn mực vào thực tiễn?

Khó khăn đầu tiên là thói quen cũ và tâm lý ngại đổi mới, là chủ nghĩa kinh nghiệm. Cũng phải nói thêm đây không phải là trở ngại mà không chỉ Việt Nam là nước duy nhất gặp phải. Khi mà công việc hàng ngày đã trở thành thói quen, thành lối mòn thì việc đón nhận một cái mới và thay đổi để phù hợp với nó không phải là chuyện dễ dàng. Đối với một cơ quan kiểm toán tối cao, thay đổi trên cơ sở ISSAI là sự thay đổi toàn diện từ khâu khảo sát, phân tích, lập kế hoạch và tiến hành kiểm toán và mỗi bước đều có những sự điều chỉnh ít nhiều. Ngay cả khi không có sự thay đổi to lớn và phương pháp kiểm toán hiện tại đã khá phù hợp với ISSAI thì quản trị sự thay đổi vẫn rất quan trọng bởi phản ứng của chính kiểm toán viên. Tôi cho rằng, trình độ kiểm toán viên cũng là một rào cản để có thể tiếp cận và triển khai bộ chuẩn mực KTNN mới. Về cả hai vấn đề này KTNN đều giải quyết thông qua một giải pháp - đó chính là thông qua công tác đào tạo bồi dưỡng.

Có thể nói, việc sớm đưa hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới ban hành vào thực tiễn hoạt động kiểm toán là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành trong giai đoạn trung hạn. Lợi thế của KTNN là quyết tâm chính trị, sự ủng hộ và tạo điều kiện tuyệt đối của Lãnh đạo KTNN nhằm đưa bộ CMKTNN đi vào thực tế cuộc sống. Để phát huy tối đa lợi thế đó và triển khai áp dụng bộ chuẩn mực kiểm toán mới được toàn diện, KTNN sẽ chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về bộ CMKTNN một cách bài bản, khoa học. Song song với đó, KTNN cũng sẽ xây dựng một kế hoạch, lộ trình thực hiện áp dụng CMKTNN một cách rõ ràng, không nôn nóng, chủ quan, không đốt cháy giai đoạn, đồng thời bám sát kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt. Tôi tin tưởng rằng, cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành KTNN sẽ phát huy được tối đa giá trị sâu sắc của bộ CMKTNN, qua đó nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, gia tăng giá trị và tác động của hoạt động KTNN.

Hà Linh thực hiện

Xin trân trọng cảm ơn ông!  


Xem thêm »