Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016

08/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều ngày 7/9/2016, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể lần thứ 2 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp KTNN tham dự phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

 
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng do ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ trình bày, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến  rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả. Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước.Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến.
 
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
 
Dự báo trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Chính phủ nhận định, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng tham nhũng trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. 
 
Ông Phạm Trọng Đạt cho biết, qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.
 
           
Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp
 
Trong năm 2017, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành; Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
 
Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác PCTN, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này, Chính phủ kiến nghị sớm xem xét, thông qua Luật PCTN mới, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng ngay từ khâu hoạch định chính sách, thể chế; Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; chỉ đạo bổ sung các quy định của pháp luật về vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp trong công tác PCTN.
 
Chính phủ cũng kiến nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng kiên quyết, kiên trì thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí…
 
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, hiện nay vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, nhất là các trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự là do có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. 
 
“Thực tế cho thấy tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, phường, thị trấn hoặc những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, cấp huyện, các Bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng được ít. Đề nghị Chính phủ, các ngành cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng này”, Thường trực Ủy ban Tư pháp kiến nghị.
 
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ nêu rõ căn cứ đánh giá tình hình tham nhũng năm 2016, đánh giá cụ thể hơn tình hình tham nhũng hiện nay. Đồng thời, có phương án xử lý kiên quyết, dứt điểm những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN./.
 
Trong công tác PCTN thông qua kết quả kiểm toán, từ 01/8/2015 đến 31/7/2016, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 20.432 tỷ đồng; cung cấp 13 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp xử lý. 

Tổng kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 đối với niên độ ngân sách năm 2013 thực hiện đến tháng 5 năm 2016 đạt 64,3% tổng số kiến nghị (năm 2013 đối với niên độ ngân sách năm 2012 là 63,1%), trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.880 tỷ đồng, đạt 75% (năm 2013 là 66,2%). 
 
M. Thúy

Xem thêm »