KTNN tham gia Hội thảo Kiểm toán hoạt động “Cải thiện chi tiêu công thông qua giám sát có hiệu quả”.

28/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn)- Ngày 27/9/2016, tại Hà Nội, Quỹ kiểm toán toàn diện Canada (CCAF) tổ chức Hội thảo Kiểm toán hoạt động “Cải thiện chi tiêu công thông qua giám sát có hiệu quả” cho các đại biểu Quốc hội và Kiểm toán nhà nước (KTNN). Phó Tổng Kiểm nhà nước Vũ Văn Họa tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 
Hội thảo có sự tham dự của ông Merwan Saher - Tổng Kiểm toán, Cơ quan Tổng Kiểm toán Alberta; Ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Các chuyên gia cao cấp của CCAF và Cơ quan Tổng Kiểm toán Alberta; Một số đại biểu Quốc hội của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban về Các vấn đề xã hội và một số địa phương như Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Caroline Jorgensen - Giám đốc các Chương trình quốc tế của CCAF đánh giá cao sự hợp tác của KTNN với CCAF và Cơ quan Tổng Kiểm toán Alberta trong suốt thời gian qua để hoàn thiện cơ sở pháp lý, chuẩn mực kiểm toán, tăng cường năng lực và tổ chức bộ máy kiểm toán hoạt động của KTNN.
 
Bà Caroline Jorgensen cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động, đặc biệt là kinh nghiệm thực hiện giám sát có hiệu quả của các cơ quan liên quan nhằm tăng cường hiệu quả chi tiêu công.
 
       
 Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa khai mạc Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, Luật KTNN năm 2015 đã xác định rõ loại hình và nội dung kiểm toán hoạt động (KTHĐ). Trước khi Luật KTNN 2015 được chính thức thông qua, KTNN cũng đã từng bước mở rộng, lồng ghép mục tiêu, nội dung đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong các cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước, đầu tư, dự án... Luật KTNN 2015 bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực phục vụ việc kiểm tra giám sát của Nhà nước, KTNN Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai nội dung KTHĐ nhằm tăng cường giá trị và lợi ích trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công.
 
“Đứng trước những yêu cầu mới về quản lý kinh tế Nhà nước, Hội thảo là cơ hội tốt để các bên chia sẻ và tìm hiểu về KTHĐ và hỗ trợ vai trò giám sát của Quốc hội trong việc sử dụng báo cáo kiểm toán nhằm tăng cường tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
       
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao nội dung của Hội thảo, đặc biệt trong điều kiện lĩnh vực kiểm toán hoạt động còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ông Bùi Đặng Dũng đề xuất, ngoài việc hỗ trợ KTNN Việt Nam, CCAF nên mở rộng việc phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách và một số Ủy ban của Quốc hội nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực giám sát của các Ủy ban.
 
Trình bày về các thông lệ KTHĐ tại Canada, ông Hoa Quách, cộng tác viên của CCAF cho biết, kiểm toán hoạt động tập trung vào sự thực hiện các chính sách, chương trình và việc cung cấp các dịch vụ công. Các cuộc KTHĐ tập trung vào đánh giá: Các kết quả, hệ thống và quy trình, quản trị và giám sát, quản lý rủi ro, sự tuân thủ. Kiểm toán hoạt động bao gồm các yếu tố cốt lõi: Các mục tiêu kiểm toán; Kết luận theo mục tiêu kiểm toán; Phạm vi được xác định; Các tiêu chí đánh gía; Các phát hiện dựa trên bằng chứng đầy đủ thích hợp; Các kiến nghị cho đơn vị.
 
       
 Tổng kiểm toán Cơ quan Tổng kiểm toán Alberta Merwan Saher chia sẻ kinh nghiệm
 
Chia sẻ về kinh nghiệm về mối quan hệ giữa Cơ quan Tổng kiểm toán Alberta (OAG) và Ủy ban các tài khoản công, ông Merwan Saher, Tổng kiểm toán Cơ quan Tổng kiểm toán Alberta cho biết, OAG thông qua hoạt động giám sát của nhà lập pháp để thực hiện thành công các cuộc KTHĐ: Khuyến khích các đơn vị thực hiện các kiến nghị một cách kịp thời; Yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm báo cáo về các kết quả có liên quan đến các kiến nghị. Thông qua hoạt động của mình OAG cũng hỗ trợ hoạt động giám sát lập pháp bằng việc sử dụng kiến thức của OAG về các đơn vị được kiểm toán để giải thích bối cảnh và các vấn đề, đồng thời bổ sung các câu trả lời của các đơn vị được kiểm toán cho các nhà lập pháp.
 
Trình bày về vai trò của OAG trong việc hỗ trợ các nhà lập pháp, ông Merwan Saher cho biết, OAG hiện là thành viên của tổ công tác của các nhà lập pháp, làm việc với các nhà nghiên cứu luật pháp để xây dựng báo cáo liên quan tới hoạt động giám sát, giúp các nhà lập pháp tập trung vào các nguyên nhân căn bản của các thất bại hệ thống, thúc đẩy hoạt động tự đánh giá đối với các ‘mục đích’ và mục tiêu của hoạt động giám sát...
 
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN Hoàng Thị Vinh Thúy chia sẻ về quá trình phát triển KTHĐ và những kết quả đã đạt được của KTNN Việt Nam thời gian qua: Năm 2014, KTNN đã thực hiện 02 cuộc kiểm toán thí điểm với sự hỗ trợ, hướng dẫn của chuyên gia CCAF từ khâu khảo sát thu thập thông tin, xây dựng mục tiêu, tiêu chí kiểm toán và các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán đến lập báo cáo kiểm toán. Năm 2015, KTNN đã thực hiện 07 cuộc KTHĐ trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn đúc rút từ 02 cuộc KTHĐ thí điểm, các kiến thức thu được từ các khóa đào tạo nước ngoài và áp dụng thử nghiệm các nguyên tắc, hướng dẫn tại Dự thảo CMKTNN số 300 và 3000 vào hoạt động kiểm toán. Năm 2016, KTNN mở rộng thực hiện 19 cuộc KTHĐ, trong đó tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của một cấp ngân sách là cấp huyện.
 
Theo bà Vinh Thúy, thực tế trong những năm qua, KTNN và các Ủy ban của Quốc hội đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng kết quả kiểm toán. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa KTNN với các Ủy ban của Quốc hội trong việc sử dụng Báo cáo kiểm toán của KTNNvà vai trò các Ủy ban của Quốc hội đối với các BCKT vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là việc sử dụng kết quả kiểm toán để phục vụ cho các hoạt động giám sát, thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đôi khi còn bị động; các ý kiến phản hồi của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội về kết quả kiểm toán chưa nhiều; việc phối hợp trong kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thường xuyên.
 
      
 Toàn cảnh Hội thảo
 
Trình bày về “Các yếu tố chính của một Ủy ban Ngân sách hoạt động hiệu quả” từ kinh nghiệm của CCAF xây dựng cho cho Hội đồng các Ủy ban Ngân sách Canada, bà Lesley Burns - Giám đốc giám sát CCAF cho biết, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội đóng một vai trò đặc biệt trong cơ quan lập pháp. Không giống như hầu hết các Ủy ban, Ủy ban Ngân sách không tham gia vào quy trình lập pháp và không xem xét các dự luật của cơ quan lập pháp và có nhiệm vụ tập trung vào quản lý các chương trình của chính phủ, thay vì đánh giá phương hướng chính sách của chính phủ. 12 yếu tố chính, được xây dựng để thảo luận với Hội đồng các Ủy ban Ngân sách, bao gồm các yếu tố: Quyền hạn và thông lệ; Hỗ trợ lập pháp; Hỗ trợ chính phủ; Tính liên tục và đào tạo; Bố trí nhân sự và ngân sách; Tinh thần đảng phái mang tính xây dựng; Mối quan hệ với kiểm toán viên lập pháp; Báo cáo; Quy trình kiểm tra việc thực hiện kiến nghị; Hiệu quả và tác động; Truyền thông.
 
Trình bày về nội dung “Vai trò và nhiệm vụ của người đại diện được bầu trong trách nhiệm giải trình công”, Ông Wayne Cao - Hội viên lập pháp danh dự, Phó phát ngôn viên và nguyên Chủ tịch Ủy ban các văn phòng lập pháp Alberta cho biết, nhiệm vụ của của người đại diện được bầu trong trách nhiệm giải trình công nhằm đảm bảo: Chính phủ chịu trách nhiệm giải trình trước pháp luật; Chính phủ chịu trách nhiệm giải trình trước các ưu tiên, kế hoạch và hành động của chính phủ; Giúp chính phủ hoạt động kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hơn…
 
Kết thúc Hội thảo, bà Caroline Jorgensen - Giám đốc các Chương trình quốc tế của CCAF đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình của các diễn giả và các thành viên tham dự Hội thảo và mong muốn tiếp tục tăng cường sự hợp tác giữa CCAF với KTNN, với Ủy ban Tài chính – Ngân sách và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội, để góp phần tăng cường tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công của Việt Nam./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »