9 tháng đầu năm 2016: Tổng sản phẩm trong nước tiếp tục xu hướng tăng trưởng

03/10/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 29/9/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các Bộ ban ngành Trung ương.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi họp báo

Tổng sản phẩm trong nước 9 tháng tăng 5,93%
 
Theo Tổng cục Tống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015.
 
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, đóng góp 2,52 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,66%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm. Theo đại diện Vụ thống kê hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), với đà tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm, có thể kỳ vọng quý IV/2016 sẽ có tăng trưởng bứt phá so với các quý trước và có thể đạt được mức tăng trưởng bằng mức tăng trưởng của quý IV/2015.
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường sẽ còn có những tác động, dự báo tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu 6,7% như Chính phủ đề ra, tuy nhiên vẫn còn có một số nhóm tạo động lực phát triển những tháng cuối năm. Thứ nhất là khối doanh nghiệp (DN). Ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN phát triển. Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 928,7 nghìn người, bằng 92,9% cùng kỳ năm 2015. Trong 9 tháng năm nay còn có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên gần 102 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới. Ngoài động lực trên còn phải kể đến việc tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ trong nước.
 
Giáo dục “kéo” chỉ số giá tiêu dùng tăng
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 là 100,54%, tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%, cao hơn so với mức tăng 0,74% của bình quân cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân 9 tháng của một số năm gần đây và vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.
 
 
Nhóm hàng hóa giáo dục có chỉ số tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chính
 
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm tăng với mức tăng như sau: Giáo dục tăng 7,19%; Giao thông tăng 0,55%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09 %; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Duy nhất nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
 
Trong giỏ tính CPI, nhóm giáo dục có chỉ số tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng chủ yếu ở nhóm dịch vụ giáo dục do cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng: sách giáo khoa tăng 0,06%, vở giấy viết tăng 0,31% và bút viết các loại tăng 0,3%.
 
Theo Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 9 năm 2016 như: Cuối tháng 8 Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipine nên giá lúa gạo trong nước hồi phục sau 3 tháng (tháng 6,7,8) giảm, tuy nhiên mức tăng khá nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào. Trong tháng, mưa nhiều nên giá rau tươi tăng mạnh từ 10% - 15% do nguồn cung hạn chế nên đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước. Giá dịch vụ giáo dục tăng ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so tháng trước đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI tháng 9. Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 5/9/2016 (giá xăng tăng 1.380 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 720 đồng/lít); Giá xăng dầu tăng làm cho chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI.
 
Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân góp phần giảm CPI tháng 9 năm 2016 như nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt giảm nên giá điện sinh hoạt giảm 0,06% so với tháng trước. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,11% so với tháng trước do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, từ nay đến hết năm 2016 có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, như: Giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, đồng thời cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
 
Lạm phát cơ bản tháng 9/2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
 
Giải pháp cho những tháng cuối năm
 
Nhằm phấn đấu thực hiện các mục tiêu của cả năm 2016 và trong những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê đưa ra một vài giải pháp cần tập trung thực hiện trong quý IV/2016:
 
Một là, Tập trung thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp phát triển nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sản xuất. Cần có giải pháp xử lý vấn đề xâm ngập mặn, hạn hán;
 
Hai là, Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp diễn biễn của thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu và nợ thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triêt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên;
 
Ba là, Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất;
 
Bốn là, Tập trung thực hiện đột phá chiến lược đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;
 
Năm là, Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao;
 
Sáu là, Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ vùng bị thiệt hại do thiên tai. Khẩn trương thực hiện bồi thường hỗ trợ người dân ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.
 
 
Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước đến 15/9/2016
 
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2016 ước tính đạt 665,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3%; thu từ dầu thô đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 97,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6%.
 
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2016 ước tính đạt 819,4 nghìn tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 130,2 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 574,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,7%; chi trả nợ và viện trợ đạt 109,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8%. 
 
Hà Linh

Xem thêm »