Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán các dự án BOT

06/10/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong khoảng 5 năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đã có sự phát triển vượt bậc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước, nhất là ở những tỉnh thành có đường bộ đi qua. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia và nhiều tỉnh thành đã được đánh giá cao hơn nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và ODA thu hẹp dần thì chính hình thức BOT là cứu cánh khi hướng vào khai thác các nguồn lực từ trong nước cho phát triển giao thông nói riêng, tăng trưởng kinh tế nói chung.

 
Không thể phủ nhận những đóng góp mang hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông các dự án BOT. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một chủ trương cần thiết, góp phần cải thiện rõ rệt việc đi lại, hạ tầng giao thông cả nước. Tuy nhiên, các dự án BOT cũng đang dần bộc lộ những mặt trái, gây bức xúc xã hội, do thực hiện một cách ồ ạt, nhiều nơi thiếu công bằng, minh bạch… dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải chịu gánh nặng phí cầu đường, còn nhà đầu tư lại ung dung hưởng lợi, hễ có BOT là sẽ có câu chuyện bất cập đi kèm.
Với vai trò là một cơ quan được Hiến định trong Hiến pháp 2013, chịu trách nhiệm  “Thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) có nhiệm vụ kiểm toán các dự án BOT nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án BOT đối với cơ quan nhà nước và chủ đầu tư, tạo niềm tin cho nhân dân.
Trang Thông tin điện tử KTNN đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, các nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhà quản lý… về vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án BOT. Đây là những ý kiến thiết thực, giúp KTNN có thêm những thông tin thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hoạt động chuyên môn.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên: Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán các dự án BOT
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên
 
Có thể nói, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức dự án BOT nói chung và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua là hết sức đúng đắn và cần thiết, các dự án BOT góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dự án BOT, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong thực tiễn điều hành quản lý, sử dụng các dự án BOT trong thời gian qua như: Công tác đánh giá sự cần thiết, lựa chọn áp dụng hình thức đầu tư dự án BOT để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; Nguyên tắc thị trường chưa được tôn trọng khi thực hiện các hợp đồng BOT; Công tác lựa chọn nhà đầu tư chưa minh bạch; Công tác quản lý hoạt động thu phí bị buông lỏng gây nhiều bức xúc cho người dân; Việc xác định thời gian thu phí, mức phí, trạm thu phí còn nhiều bất cập, thiếu sót, mức thu phí cao gây bức xúc dư luận.
 
Các dự án BOT là đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, KTNN phải tổ chức kiểm toán để có những đánh giá và kiến nghị nhằm đảm bảo công khai minh bạch, hiệu lực hiệu quả trong quản lý các dự án BOT, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các bên liên quan đến các dự án BOT, đó là: Công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan.
 
Tôi cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, đặc biệt là công tác giám sát đối với các quá trình thực hiện các dự án BOT ngay từ những khâu lập thẩm định, phê duyệt và công bố dự án, lập thẩm định phê duyệt chủ trương tiền khả thi đối với dự án, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng BOT đối với các nhà đầu tư cũng như giám sát quá trình thanh toán, quyết toán và chuyển giao dự án BOT vào khai thác. Đặc biệt là việc vận hành quá trình quản lý công trình BOT, quản lý việc thu phí cũng như doanh thu của các trạm thu phí… để đảm bảo quyền lợi, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp đầu tư, người dân.
KTNN mong muốn đẩy nhanh hơn, mạnh hơn kiểm toán tiền kiểm toán - thực hiện kiểm toán ngay từ khâu đầu tiên hình thành nên dự án trước khi ký kết hợp đồng, không phải tiến hành kiểm toán sau khi đã thực hiện xong dự án BOT. Bởi lúc đó tiến hành kiểm toán, nếu phát hiện ra sai sót thì việc khắc phục cũng sẽ không hiệu quả, không phòng ngừa được những hạn chế, rủi ro.
 
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội: KTNN phải tiến hành kiểm toán và công bố công khai các dự án BOT có mức đầu tư lớn
 
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội
 
Pháp luật hiện hành quy định các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km, tuy nhiên, trên thực tế cả nước có 86 trạm thu phí thì chỉ có 9 trạm có khoảng cách từ 60 - 70 km, 24 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km. Tôi lấy ví dụ như tuyến đường Hà Nội - Thái Bình chỉ có 110 km nhưng đặt tới 4 trạm, riêng huyện Kiến Xương đặt 2 trạm cách nhau 200 m, vừa BOT vừa BT do Tasco đầu tư là rất vô lý và gây bức xúc.
 
Việc đặt các trạm thu phí không hợp lý khi người dân không tham gia giao thông mà phải đóng phí như Bắc Hải Vân, Quán Hàu, Thăng Long - Nội Bài, đường tránh thành phố Vinh, hay tại huyện Lương Sơn - Hòa Bình, Phú Thọ... đã khiến nhân dân phản ứng gay gắt, gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự... Đáng chú ý là hiện nay, tại nhiều tuyến đường có mức thu rất cao, không phù hợp với thu nhập của người dân, thậm chí có mức thu rất vô lý khi trên 1 km đường chi phí nhiên liệu chỉ mất có 1.200 đồng nhưng tiền phí lại mất tới 1.500 đồng…
 
Bộ GTVT đứng ra ký Hợp đồng BOT, nhưng người dân mới là người mua hàng thanh toán các khoản đầu tư, vốn vay ngân hàng, trả lãi cho nhà đầu tư. Như vậy Bộ GTVT chỉ là bên được dân ủy quyền, do đó người dân phải được biết các thông tin về quy hoạch, chất lượng sản phẩm, giá cả, thời gian thu phí. Bản thân người dân không trực tiếp giám sát mà HĐND các cấp và Quốc hội là cơ quan thay mặt dân để giám sát. Do đó, các dự án BOT có mức đầu tư lớn phải được Quốc hội giám sát, KTNN phải tiến hành kiểm toán và công bố công khai cho dân biết xem mức thu phí và thời gian thu phí có minh bạch hay không?
 
Theo tôi, KTNN nên kiểm toán suất đầu tư, các ưu đãi đổi đất lấy hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư… Đồng thời xác định vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, quyết toán công trình, tỷ lệ lãi suất kinh doanh của nhà đầu tư. Nghiêm khắc xử lý những người thi hành công vụ lơ là trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện dự án BOT.
 
Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa cấp bách, làm đường cao tốc phải đầu tư xây dựng mới đúng quy chuẩn. Trong hoàn cảnh nào cũng phải có Quốc lộ song song để người dân lựa chọn, đồng thời minh bạch suất đầu tư và vốn chủ sở hữu, đẩy mạnh triển khai sớm thu phí 1 dừng và không dừng.
 
PGS, TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính: Công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT phải chịu sự kiểm tra của KTNN
 
PGS, TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính
 
Hiện nay, có nhiều ý kiến đặt ra là: KTNN có chức năng kiểm toán với các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT không? bởi khi chưa chuyển giao cho Nhà nước, các công trình này không phải sở hữu Nhà nước. Theo tôi, nhận thức như vậy là hoàn toàn không đúng bởi về bản chất, các công trình này là Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư để tư nhân bỏ vốn xây dựng công trình. Sau khi đầu tư xong, nhà đầu tư được quyền thu phí đối với những đối tượng sử dụng công trình đó trong một thời gian nhất định. Hết quãng thời gian này, nhà đầu tư bàn giao công trình để Nhà nước quản lý sử dụng.
 
Như vậy, trong quãng thời gian thu phí, nhà đầu tư chỉ được quyền quản lý công trình đó chứ không phải có quyền sở hữu công trình đó. Với tư cách là tài sản của Nhà nước thì công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT phải chịu sự kiểm tra của KTNN.
 
Ngoài ra, việc kiểm tra quyết toán công trình BOT cũng liên quan mật thiết đến việc xác định mức thu và thời gian thu phí, tức là liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước. Do đó, công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT cần được kiểm tra bởi KTNN.
 

TS. Lê Đình Thăng – Giám đốc trường ĐT&BDNVKT, KTNN: Cần tôn trọng nguyên tắc thị trường trong thực hiện các dự án BOT
 
Ông Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT
 
Thực chất, Nhà nước là người đại diện cho nhân dân để ký hợp đồng BOT chứ không phải Nhà nước đứng về phía nhà đầu tư BOT. Theo tôi, các cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư hiện chưa tôn trọng nguyên tắc thị trường trong việc thực hiện dự án BOT, vì đã là một hợp đồng BOT thì phải theo hướng hợp tác: Đối tác công tư kinh doanh, theo đó nhà nước với nhà đầu tư phải chấp nhận nguyên tắc thị trường - nguyên tắc tối quan trọng trong việc thực hiện BOT. Khi đã lựa chọn dự án BOT và hai Bên đã ký kết hợp đồng thì phải cùng tôn trọng thực hiện hợp đồng. Nhà đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro, có lỗ, có lãi chứ không thể như hiện nay, nhà đầu tư sẽ không bao giờ bị lỗ. Và trong trường hợp ngược lại, Nhà nước dự báo không đúng hoặc kiểm soát không chặt thì Nhà nước cũng phải chấp nhận rủi ro.
 
Thời gian thu phí của các dự án BOT phụ thuộc vào tổng mức đầu tư, lưu lượng xe đi trên đường cũng như tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của quốc gia, phụ thuộc vào nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô, trong đó, sự dự báo là rất quan trọng. KTNN là một trong những cơ quan phải tham gia kiểm soát tổng mức đầu tư của các dự án BOT, kiểm soát được lưu lượng xe theo mức dự báo và mức phí thì sẽ ra được thời gian hoàn vốn. Nếu mức phí cao thì thời gian hoàn vốn ngắn và ngược lại. Câu chuyện ở đây là giữa Nhà nước và nhà đầu tư phải đạt được thỏa thuận để mức thu phí cho một lần sử dụng không được xâm lấn với lợi ích của người sử dụng, đặc biệt là người dân.
 
TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế: Không một cơ quan nào phù hợp hơn KTNN trong việc kiểm tra, giám sát dự án BOT
 
 Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
 
Xuất phát từ câu chuyện lợi ích, tôi cho rằng có 3 nhóm lợi ích gồm: Nhà nước - cụ thể là các cơ quan quản lý của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ở nhóm thứ nhất, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần nhà đầu tư và vốn đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải thì cần các công trình hạ tầng. Như vậy với xuất phát đó, thì các Bộ không có lợi ích gì hay thực ra không có ý nghĩa trách nhiệm gì phải kiểm soát chặt chẽ các nhà đầu tư. Có ý kiến cho rằng đang có sự buông lỏng thả nổi các nhà đầu tư, tôi cho rằng chính các cơ quan Nhà nước này với lợi ích của họ còn nhiều khi đã khuyến khích từ ngầm đến công khai các nhà đầu tư.
 
Ở nhóm thứ hai - các nhà đầu tư, tôi hoàn toàn chia sẻ với mục tiêu của nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận bằng cách này hay cách khác. Chúng ta không thể phủ nhận câu chuyện nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ trong quy trình đầu tư đến khi vận hành, cho đến trước khi phải chuyển giao cho Nhà nước, họ phải tối đa hoá lợi nhuận của họ.
 
Nhóm cuối cùng ở đây chính là lợi ích của người sử dụng công trình BOT nói riêng và xã hội nói chung.
 
Nhưng dù vậy, xét trên góc độ lợi ích, để kiểm tra, giám sát dự án BOT, theo tôi, không có một cơ quan nào phù hợp hơn KTNN vì đơn vị này hoàn toàn độc lập và khách quan, không đứng một chân nào trong 3 chân lợi ích đã được nêu trên. Không có cơ quan nào có đầy đủ vấn đề về lợi ích, trách nhiệm, nghiệp vụ trình độ để phát hiện ra và góp phần xử lý những mặt trái, sai sót gắn với các dự án BOT hơn KTNN vì hoạt động kiểm toán chỉ phục vụ minh bạch, không có một lợi ích gì trong việc phát hiện ra sai phạm hay không trong từng dự án BOT./.
 
M. Thúy thực hiện


Xem thêm »