Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020

07/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 06/12/2016, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị

 
Hội nghị có sự tham dự của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Ủy ban Ngân sách Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước…; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động và Thương binh Xã hội, Tài Nguyên và Môi trường; thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, VHTT&DL, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Xây dựng, NN&PTNT; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành đại diện cho Kiểm toán nhà nước tham dự Hội nghị.
 
Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo: UBND, Ban Đổi mới doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại địa phương.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu Hội nghị cần tập trung thảo luận về hai vấn đề quan trọng là tìm ra nguyên nhân vì sao thoái vốn Nhà nước tại DNNN cũng như tỷ trọng cổ phần hóa vẫn còn thấp mặc dù chủ trương của Đảng, Nhà nước là rất quyết liệt. Vấn đề thứ hai là phải trả lời trực tiếp, thẳng thắn giải pháp nào để thoái vốn, Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất, Nhà nước thu được lợi ích tốt nhất, mang lại lợi ích cho xã hội.
 
Để có thể triển khai hiệu quả việc thoái vốn Nhà nước khỏi DNNN và tiến hành CPH thành công, Thủ tướng yêu cầu: Xác định rõ doanh nghiệp nào Nhà nước cần thoái vốn và doanh nghiệp nào không cần nắm cổ phần chi phối; Cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn đã được ban hành có còn phù hợp? Những vấn đề mới đặt tra trong quá trình CPH DNNN có quy mô lớn; Xử lý vấn đề đất đai trong quá trình CPH; Việc sắp xếp lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp; Thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp…
 
Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011- 2015 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020.
 
Về ban hành cơ chế chính sách, trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị. Trong đó có 21 văn bản về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN; 34 văn bản về sắp xếp, tái cơ cấu, CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; 14 Điều lệ tổ chức, hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Các Bộ đã ban hành 15 Thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách.
 
Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp (về số lượng doanh nghiệp đạt 96% kế hoạch); trong đó: CPH 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp, giải thể 17 doanh nghiệp, phá sản 8 doanh nghiệp, bán, giao: 10 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 doanh nghiệp.
 
Với kết quả sắp xếp 5 năm qua đã nâng tổng số DNNN đã sắp xếp từ trước tới nay là 5.950 doanh nghiệp, trong đó CPH 4.460 doanh nghiệp. Nếu tính thêm số DNNN sắp xếp trong 10 tháng đầu năm 2016 là 60 doanh nghiệp, trong đó CPH 48 doanh nghiệp, thì đến nay tổng số DNNN sắp xếp lại là 6.010 doanh nghiệp, trong đó CPH 4.508 doanh nghiệp.
 
Đến nay, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, năm 2011 có 1.369 DNNN thì đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài Nhà nước 11,8%, FDI 17,9%).
 
Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, DNNN nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Các doanh nghiệp này cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; được trao quyền chủ động hơn gắn với tăng cường trách nhiệm; được quản lý, giám sát chặt chẽ; công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh; bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. DNNN không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
 
       
 Toàn cảnh Hội nghị
 
Hội nghị đã nghe đại diện các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, địa phương phát biểu ý kiến.
 
Các doanh nghiệp tập trung thảo luận về các nội dung: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; cho phép DNNN được làm những việc mà pháp luật không cấm; chia sẻ kinh nghiệm về CPH các DNNN tại đơn vị; thoái vốn tại doanh nghiệp ngoài ngành; sắp xếp, tái cấu trúc lại đơn vị, đồng thời đề xuất tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình CPH, tái cấu trúc.
 
Đại diện các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã báo cáo về tiến độ CPH một số doanh nghiệp trực thuộc; tiến độ triển khai CPH ; tham luận một số ý kiến về tiến độ CPH, sắp xếp lại các doanh nghiệp trực thuộc; hoàn thiện đề án tái cơ cấu giai đoạn tới, phê duyệt danh mục doanh nghiệp CPH; chế tài trong công tác cán bộ; quy định rõ thời hạn niêm yết công khai trên thị trường; quy định chế tài mạnh để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về báo cáo; hướng dẫn xác định giá trị thương quyền của đất đai; cho phép bán cổ phần theo lô đối với một số doanh nghiệp; giải pháp bảo vệ lợi ích của người lao động khi cổ phần hóa; CPH, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập;... nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH trong thời gian tới.
 
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu 3 yêu cầu lớn về tái cơ cấu DNNN:
 
Thứ nhất, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy CPH và tạo môi trường cạnh tranh, thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN. Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra.
 
Thứ hai, khu vực DNNN phải nhỏ đi nhưng từng DNNN phải mạnh, hiệu quả phải cao hơn; Vốn Nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn.
 
Thứ ba, phải tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn. Cái gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn. Nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, điện lực, lương thực… Để điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn. Những cái khác không phải cân đối quan trọng của kinh tế, xã hội thì tư nhân có thể làm, chúng ta hoan nghênh.
 
Về nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
 
Trong quá trình chuẩn bị CPH phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút. Phải lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình CPH. Giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo từng Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình như trên trong quá trình chuẩn bị CPH.
 
Trong quá trình sắp xếp CPH, thoái vốn Nhà nước: Cần phải xác định mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Để thực hiện mục tiêu này, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này. Và các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cần có cơ chế đột phá trong quy định thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý công nợ, phương thức chào bán theo hướng đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, kể cả thương hiệu. Hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, kể cả việc thuê tư vấn quốc tế. Sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như đấu giá thông thường, hoặc bán cả lô vốn Nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán, quy định về định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn niêm yết. Ban hành quy định về bán toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước; quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao. Trong quá trình CPH phải tăng cường kiểm tra thanh tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn DNNN. Có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất, quy định trách nhiệm thực hiện cam kết của cổ đông chiến lược.
 
Về vấn đề quản trị sau CPH: Cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động và hạch toán, tức không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.
 
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến CPH, nhất là các nghị định, quyết định, các quy trình, thủ tục, các chế độ đối với người lao động để tháo gỡ rào cản, đẩy mạnh CPH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN hoàn thiệnđề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị sau Chỉ thị của Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND, Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải có một chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. /.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »