Tăng tính thực chất và hiệu quả của hoạt động kiểm toán

27/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã rất quyết liệt thực hiện giám sát đầu tư công, tăng thu, giảm chi ngân sách không cần thiết, kiến nghị tăng giá trị vốn Nhà nước trong cổ phần hóa… Tuy nhiên, hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công, định giá tài sản Nhà nước vẫn gây thất thoát, lãng phí. Làm thế nào để ngành kiểm toán thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng KTNN về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời gian qua, KTNN đã có những kết quả hoạt động nổi bật ra sao?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Những năm qua, KTNN ngày càng chuyển biến mạnh mẽ với nhiều kết quả nổi bật, góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách, xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng. Qua đó khẳng định vai trò tích cực của KTNN trong giám sát hoạt động đầu tư công, nâng cao kỷ luật, kỷ cương sử dụng tài chính, tài sản công hiệu quả.

Năm 2016, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng. 9 tháng năm 2017, tổng hợp sơ bộ kiến nghị xử lý tài chính là 22.954 tỷ đồng (thu về ngân sách Nhà nước (NSNN) 11.017 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.783 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 5.154 tỷ đồng). Trong đó, riêng tăng thu về NSNN gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm 2016. Từ năm 2016 đến nay, KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 190 văn bản nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách và đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân về những tồn tại, sai phạm, cung cấp nhiều hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang các cơ quan chức năng để kiểm tra, điều tra xử lý theo pháp luật.


Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. 
 
PV: Theo đồng chí, thời gian tới cần làm gì để ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư công từ trước khi triển khai?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Bài học kinh nghiệm là nếu thực hiện kiểm toán khi dự án đã, đang xây dựng thì những kiến nghị kiểm toán thường chậm khắc phục, nhiều tồn tại nên rất tốn thời gian và nguồn lực. Vì vậy, KTNN cần thực hiện kiểm toán ngay từ chủ trương đầu tư, tính khả thi của dự án, kiểm toán giá trị dự toán và đánh giá năng lực thực hiện, trình độ quản lý, quản lý vốn… Trên cơ sở đó, KTNN sẽ có kiến nghị kịp thời với cấp có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn.
 
PV: Vừa qua xảy ra liên tiếp các vụ án tham ô, thất thoát lớn trong ngành ngân hàng. KTNN có kiến nghị ra sao để góp phần bảo đảm an toàn ngành ngân hàng, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Thực hiện Luật KTNN, chúng tôi đã tiến hành kiểm toán đối với các ngân hàng 100% vốn Nhà nước và các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước. Qua đó phát hiện nhiều sai phạm, hạn chế trong hoạt động tín dụng, huy động vốn, quản lý tài chính kế toán, đầu tư góp vốn… KTNN đã kiến nghị cảnh báo đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng; cảnh báo việc xác định tỷ lệ nợ xấu và xử lý nợ xấu; nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại, tiềm ẩn rủi ro cho toàn hệ thống. Nguyên nhân cơ bản của các vụ án tham ô, thất thoát lớn trong ngành ngân hàng vừa qua là do tình trạng sở hữu chéo, chấp hành không nghiêm quy định của pháp luật, quản trị kém…
 
KTNN đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm toán theo các chuyên đề gắn với hoạt động có nhiều rủi ro của ngân hàng để đi sâu đánh giá việc tuân thủ các quy định và kiến nghị giải pháp. Tuy nhiên, KTNN cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cần tăng cường kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng TMCP, danh mục đầu tư của các ngân hàng thương mại để xử lý những vi phạm. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát của NHNN để sớm có cảnh báo và ngăn chặn các hành vi cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.
 

Các dự án vay vốn ODA cần được kiểm toán chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả. Trong ảnh: Một đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: TRỌNG HẢI. 
 
PV: Thời gian qua, nhiều công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT đã gây bức xúc trong dư luận về cách thức triển khai và cả báo cáo tài chính. Theo đồng chí, cần có những thay đổi gì để quản lý các dự án BOT?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Qua kiểm toán 49 dự án BOT, KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính đối với chi phí đầu tư là 2.160 tỷ đồng, tương đương 2,48% giá trị được kiểm toán. Đồng thời kiểm toán doanh thu, phương án tài chính giảm thời gian thu phí hoàn vốn 173 năm 6 tháng (dự án giảm cao nhất là 13 năm, thấp nhất là 10 tháng so với phương án ban đầu). Bên cạnh đó, KTNN chỉ rõ một số bất cập như: Việc đầu tư dự án BOT trên trục đường độc đạo hoặc Quốc lộ 1A, bắt buộc phương tiện tham gia giao thông phải trả phí mà không có sự lựa chọn; hầu hết các trạm thu phí hiện nay thực hiện theo hình thức thu phí hở, bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu công bằng… Từ thực tế bất cập trên, KTNN đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hạn chế việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng trên tuyến đường độc đạo bằng hình thức BOT và nghiên cứu tham mưu ban hành cơ chế chính sách phù hợp thu hút đầu tư những dự án xây mới. Đặc biệt phải công khai, minh bạch một cách thực chất các thông tin chi tiết về dự án từ bước xúc tiến đầu tư, lập dự án, phương án hoàn vốn, thủ tục liên quan. Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành đấu thầu nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án. Các ngành chức năng cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định đặt trạm, khoảng cách giữa các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và thời gian được phép thu giá. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh thời gian xác nhận thông số tài chính định kỳ để phù hợp với các dự án có thời gian ngắn và doanh thu tăng cao so với phương án tài chính...
 
PV: Mới đây, qua kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa được các tổ chức tư vấn định giá, KTNN đã kiến nghị tăng thêm vốn Nhà nước với con số rất lớn. KTNN có vai trò ra sao trong quá trình này để tránh thất thoát tài sản công?
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Từ năm 2016 đến nay, qua kiểm toán kết quả giám định 11 DNNN trước khi cổ phần hóa, KTNN phát hiện, kiến nghị tăng thêm giá trị vốn 27.192 tỷ đồng. Các khoản phải nộp vào NSNN tăng thêm hơn 491 tỷ đồng. Những kết quả này có ý nghĩa lớn, không chỉ là việc xác định tăng giá trị vốn thực tế của Nhà nước mà còn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố. KTNN đã kiến nghị cần quy định thống nhất, cụ thể về áp dụng thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp; bổ sung cho phù hợp với thực tế các nội dung về tiềm năng phát triển của công ty mẹ với các công ty phụ thuộc hạch toán đầy đủ doanh thu, chi phí, xác định có lợi nhuận sau thuế và thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Cần quy định cụ thể, thống nhất thời điểm xác định chất lượng còn lại của tài sản theo thời điểm tổ chức định giá hay thời điểm định giá. Quy định về định giá giá trị quyền thuê đất, lợi thế kinh doanh khi góp vốn thực hiện các dự án bất động sản để xác định đúng giá trị vốn góp, tránh thất thoát. Đồng thời cần có quy định, chế tài xử lý trách nhiệm về các sai phạm trong xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn định giá.
 
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
HOÀNG GIA - TRƯỜNG GIANG (thực hiện)

 

Xem thêm »