Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

06/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, chiều 03/11/2017, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển điều khiển nội dung phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hôi Nguyễn Đức Hải báo cáo trước Quốc hội

 
Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công
 
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã giải trình một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), như: Phạm vi nợ công; Quản lý nhà nước về nợ công, giám sát việc quản lý nợ công, những hành vi bị cấm trong quản lý nợ công, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công; Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công; Chỉ tiêu an toàn nợ công; Chiến lược nợ công, Kế hoạch vay trả nợ công, Chương trình quản lý nợ trung hạn; Quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Quỹ tích lũy trả nợvà Một số vấn đề khác.
 
Giải trình nội dung về Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch nước đã được quy định trong các luật có liên quan.
 
Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã rà soát, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những nội dung liên quan trực tiếp đến quản lý nợ công, không quy định lại thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước đã được thể hiện ở các văn bản pháp luật khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 
 
Theo ông Nguyễn Đức Hải, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “Chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ”; Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các Bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công...
 
Tiếp thu ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quản lý nợ công, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đã rà soát, sắp xếp lại các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân sách Nhà nước, bổ sung một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ như trình UBTVQH quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, quyết định danh mục chương trình, dự án ưu tiên cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm, hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại hàng năm...
 
Đối với ý kiến về việc xác định cụ thể trần nợ công, nợ Chính phủ: Bổ sung tiêu chí, phương pháp để tính các chỉ tiêu an toàn nợ công/GDP, nợ của Chính phủ/GDP, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật quy định mức trần nợ công so với GDP, nợ của Chính phủ/GDP là các chỉ tiêu nằm trong hệ thống các chỉ tiêu an toàn về nợ công do Quốc hội quyết định, không quy định mức trần của các chỉ tiêu này trong Luật. Các chỉ tiêu này được thể hiện trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính trung hạn và dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm.
 
Thống nhất một đầu mối, khắc phục tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). 
 
Toàn cảnh phiên họp
 
Các đại biểu đồng tình với quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính. Theo các đại biểu, việc phân công quyền hạn, trách nhiệm của những cơ quan quản lý, sử dụng nợ công là rất quan trọng để quản lý chặt chẽ, hiệu quả về nợ công, khắc phục tình trạng ba cơ quan cùng tham gia vay nợ nước ngoài dẫn đến thiếu sự gắn kết trong huy động, sử dụng, giải ngân vốn không sát với dự toán được giao, Quốc hội phải nhiều lần điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay; phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính; phù hợp với thông lệ quốc tế. 
 
Đại biểu Phạm Đình Cúc (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) hoàn toàn nhất trí với nội dung Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Vì theo đại biểu, việc thống nhất một cơ quan làm đầu mối quản lý vay nợ trong nước và ngoài nước là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Chính việc thống nhất một đầu mối sẽ khắc phục được tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo, không cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Việc quy định thống nhất một đầu mối cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Thị Bình (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc quy định Chính phủ  thống nhất quản lý nợ công sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí; Góp phần giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; Tăng niềm tin và giảm phiền hà cho đơn vị sử dụng vốn vay do chỉ làm việc với một đầu mối. 
 
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Bình cho rằng, theo đề nghị của Chính phủ thì việc ký kết vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài vẫn dàn trải ở 3 cơ quan trong khi chỉ có một cơ quan tổng hợp, cân đối nguồn để trả nợ. "Đề xuất trên còn bất cập, chưa xử lý được những hạn chế, yếu kếm đã tồn tại từ nhiều năm nay trong quản lý nợ công, đó là chưa thực hiện được đầy đủ chủ trương tại Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc “Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6" - đại biểu nói
 
Đại biểu đề nghị thống nhất phương án “Chỉ có một cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chỉnh phủ”.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý nợ công là hết sức cần thiết, cần rà soát để có các quy định cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, kể cả Luật Cán bộ, công chức.

Nhiều ý kiến nhận định, việc quy định trong dự án Luật, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ, là rất chung chung, dễ bị chồng chéo trong phân công nhiệm vụ.
 
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) nhấn mạnh cần cụ thể hơn trách nhiệm của từng Bộ, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý nợ công, trong quá trình đàm phán, vay nợ từ các tổ chức quốc tế. 
 
 Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) thảo luận tại hội trường
 
Đại biểu cũng cho rằng, vấn đề trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý, sử dụng nợ công, bổ sung trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý nợ công được nêu tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo Luật là rất cần thiết. Theo đại biểu Nguyễn Tạo, chế độ trách nhiệm cá nhân cộng với việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phân công, phân cấp rõ ràng là nguyên tắc chung nhất trong quản lý cán bộ được quy định tại Luật Cán bộ, công chức. "Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, rà soát việc quy định cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật kể cả Luật Cán bộ, công chức" - đại biểu nói.
 
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) cho biết, thực tiễn cho thấy, cơ chế phối hợp là một trong những cơ chế hạn chế lớn của quản lý nhà nước hiện nay. Quy định của dự án Luật còn mập mờ, không rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công và sẽ không tạo hành lang pháp lý cụ thể khi triển khai thực hiện cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện quản lý nhà nước về nợ công. Dự án Luật chưa đính kèm các Nghị định, Thông tư cụ thể về phân công của Chính phủ nhằm khắc phục những tồn tại và thể hiện rõ cơ chế phối hợp như thế nào để tránh chồng chéo, cắt khúc nhằm phát huy hiệu quả trong quản lý nợ công. 
 
Đại biểu Ánh Tuyết nhấn mạnh, cần quan tâm trách nhiệm tổng thể của nợ công bao gồm cả nợ trong nước, nợ nước ngoài và tiến độ trả nợ... Để dự án Luật mang tính chặt chẽ, hiệu quả khi triển khai thực hiện, ban soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc phối hợp, bao gồm quy định trách nhiệm phối hợp, cách phối hợp, trách nhiệm, quyền của người chủ đầu mối quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan phối hợp để quy định rõ cơ chế phối hợp và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp nhằm tạo hành lang pháp lý cũng như quy định rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện.
 
Ngoài ra, nhiều đại biểu kiến nghị việc phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan cần giải quyết tốt việc thống nhất đầu mối, không phân chia và gắn trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm và khả năng trả nợ; bổ sung các Nghị định, thông tư phân công trách nhiệm, thể hiện rõ cơ chế phối hợp của các Bộ,cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về nợ công, trình Quốc hội xem xét hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến trước khi thực hiện./.
 
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 18: Thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng nợ công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng nợ công; báo cáo, công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
 
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về nội dung luật. Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vào ngày 23/11/2017.
 
M. Thúy


Xem thêm »