Kiểm toán Nhà nước và KPMG Việt Nam trao đổi kế hoạch hợp tác

23/06/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng 22/6, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Tổng hợp đã làm việc với đoàn đại diện Công ty KPMG do ông John Ditty, Chủ tịch Công ty KPMG tại Việt Nam dẫn đầu, thảo luận về việc hợp tác giữa KTNN và KPMG.

Tại buổi làm việc, Tổng KTNN Vương Đình Huệ đánh giá cao về uy tín của Tập đoàn KPMG trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và bày tỏ vui mừng được đón tiếp đại diện KPMG tại Việt Nam, Công ty đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam. Tổng KTNN cho biết, hiện nay KTNN có 2.000 cán bộ, công chức, trong đó chủ yếu là kiểm toán viên (KTV), có 13 KTNN khu vực và các đơn vị sự nghiệp. Về hợp tác quốc tế, KTNN đang là thành viên lãnh đạo của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). KTNN cũng đã ký Hiệp định hợp tác với  trên 30 tổ chức kiểm toán tối cao trên khắp các châu lục. KTNN cũng ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với CPA Úc và ACCA, CCAF Canada. Bên cạnh đó, KTNN đang chú trọng trong lĩnh vực đào tạo theo các chuẩn mực chung, hiện đang triển khai đề án đào tạo 30 người đầu tiên có chứng chỉ ACCA, 15 người học lấy Chứng chỉ kiểm toán Úc, 10 người lấy chứng chỉ CCAF của Canada. Năm 2011, sẽ có trên 50 cán bộ của KTNN tiếp cận các chương trình này và số lượng sẽ còn gia tăng.

Hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Chiến lược phát triển KTNN đến 2020, với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, KTNN đã ban hành Kế hoạch hành động với 103 hoạt động để thực hiện chiến lược này.

Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa KTNN với KPMG, Tổng KTNN Vương Đình Huệ khẳng định, trong lĩnh vực hoạt động của KPMG và KTNN có mối giao thoa với nhau, nhất là trong việc kiểm toán các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các ngân hàng.... Vì vậy, hai bên nên có cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán. Điều này xuất phát từ việc KPMG có các KTV độc lập rất giỏi chuyên môn về kiểm toán tài chính và KTNN cũng có nhiều KTV rất giỏi về kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Hai bên cần có sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để hoạt động.



Theo Tổng KTNN Vương Đình Huệ, triết lý trong hoạt động của KTNN là bên cạnh việc gia tăng hiệu quả các hoạt động kiểm toán thì việc giảm số lượng KTV càng nhiều càng tốt, có nghĩa là hiệu quả sẽ tăng lên nhưng chi phí sẽ ít đi. Để đạt được điều này thì cần đi theo 2 hướng: Một là phát triển kiểm toán nội bộ trong khu vực công, vì khi kiểm toán nội bộ càng tốt thì kiểm toán căn bản càng giảm đi. Hướng thứ hai là, KTNN xác định xã hội hóa kiểm toán bằng cách thu hút nhiều công ty kiểm toán độc lập vào tham gia. Triển khai cơ chế này, KTNN đang xây dựng quy định về ủy thác và thuê doanh nghiệp kiểm toán. Mục đích của cơ chế xã hội hóa là để các cuộc kiểm toán vừa khách quan, vừa giảm tải công việc của KTNN.

Ông John Ditty, Chủ tịch KPMG Việt Nam bày tỏ ý kiến về sự hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam hiệu quả hơn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin kiểm toán ở các tổ chức tài chính quy mô lớn của Việt Nam như Vietcombank, Viettinbank... cũng như việc KPMG có thể hỗ trợ KTNN trong việc kiểm toán các lĩnh vực mà KPMG có nhiều kinh nghiệm như hàng không, dầu khí… KPMG sẵn sàng hỗ trợ KTNN thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Chủ tịch KPMG Việt Nam mong muốn triển khai sớm cơ chế hợp tác với KTNN VN./.

Thu Hương

Xem thêm »