Hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước

06/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

P/v ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên TW Đảng – Tổng Kiểm toán Nhà nước

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Đinh Tiến Dũng cho biết, KTNN đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, chuyên gia tài chính, chuyên gia lập pháp trong và ngoài nước để đề xuất với Quốc hội quy định cụ thể về đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Tổ chức và hoạt động của KTNN chưa được Hiến định có gây khó khăn, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của Nhà nước không, thưa ông?

Cho đến nay, Luật KTNN là cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN Việt Nam. Theo quy định của Luật KTNN: “KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Thuật ngữ “chuyên môn’’ trong quy định về địa vị pháp lý của KTNN tại Luật KTNN là chưa thật phù hợp, chưa thể hiện được bản chất, vai trò của cơ quan KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất hoặc KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao như các nước trên thế giới đã quy định. Vấn đề này dẫn đến nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và xã hội nói chung về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa thật đầy đủ và toàn diện, thậm chí còn có nhận thức sai lệch, không đúng đắn về vị trí pháp lý, tổ chức và hoạt động KTNN. Cũng do chưa được hiến định nên chưa có sự tương thích về một số quy định giữa Luật KTNN với các luật liên quan. Đây là nguyên nhân cơ bản phần nào làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của Nhà nước.

Theo thông lệ quốc tế, vị trí pháp lý của KTNN và Tổng KTNN được quy định trong Hiến pháp, ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

Việc quy định KTNN trong Hiến pháp là để KTNN nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, góp phần tăng cường giải trình công và tính minh bạch của nền tài chính quốc gia; góp phần phòng, chống, tham nhũng, đem lại lợi ích cho người dân.

Trên thế giới, ở tất cả các nước có cơ quan KTNN đều có những quy định về địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp với mức độ, nội dung cụ thể khác nhau. Về cơ bản có thể thấy tính phổ biến của những quy định về KTNN trong Hiến pháp của các nước là: Xác định vị trí của cơ quan KTNN trong mối quan hệ với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; Xác định nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Xác định chức năng của KTNN; Xác định đối tượng kiểm toán của KTNN; Quy định thẩm quyền bổ nhiệm (bầu), miễn nhiệm và nhiệm kỳ của Tổng KTNN; Quy định trách nhiệm của KTNN trong việc báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội và công bố công khai theo quy định của pháp luật.

Vào đầu tháng 9 tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, KTNN sẽ đề xuất bổ sung gì vào Nghị quyết này? Thưa ông.

Việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Theo chúng tôi, KTNN đã hoàn toàn đáp ứng được 04 điều kiện để có thể quy định trong Hiến pháp, đó là: tính minh bạch, rõ ràng của hoạt động; đã được thực tiễn chứng minh qua 18 năm hoạt động; đủ cơ sở chính trị, pháp lý; và tạo được sự thống nhất cao. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, chuyên gia tài chính, chuyên gia lập pháp trong và ngoài nước để đề xuất bổ sung những quy định về vị trí pháp lý và tính độc lập của KTNN trong Hiến pháp. Dự kiến, KTNN sẽ đề xuất quy định trong Hiến pháp một số nội dung cơ bản sau: KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo luật; KTNN có chức năng kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm Tổng KTNN. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng KTNN xuống còn 5 năm thay vì 7 năm như hiện nay để phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội và thời hạn bổ nhiệm các chức danh khác trong bộ máy nhà nước Việt Nam.

Thưa ông, cùng với việc hiến định tổ chức và hoạt động của KTNN, để nâng cao hiệu quả hoạt động KTNN, định hướng hoạt động kiểm toán những năm tới đây sẽ như thế nào?

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn 5 năm tới cũng như định hướng lâu dài, KTNN cần hết sức coi trọng phát triển bền vững theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được UBTV Quốc hội phê duyệt. Năm năm tới, KTNN sẽ tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ triển khai và đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, KTNN sẽ đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội từng năm, trung hạn và dài hạn, theo sát các kế hoạch, chương trình giám sát của Quốc hội và UBTV Quốc hội. Kế hoạch kiểm toán cũng sẽ ưu tiên và tập trung cho việc đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm, dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí; tập trung đánh giá chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương; ưu tiên lựa chọn các chuyên đề kiểm toán công tác quản lý và sử dụng đất đai, bất động sản, phát triển nhà và đô thị; khai thác, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công, các dự án giảm nghèo, đầu tư xây dựng nông thôn mới; thu-chi ngân sách...

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu được cung cấp thông tin và giám sát của nhân dân, của báo chí và công luận nói chung đối với việc quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thông qua việc công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, góp phần minh bạch nền tài chính quốc gia. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp trong việc chia sẻ, cung cấp kết quả kiểm toán để phục vụ các cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.


 

Xem thêm »