Nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công

10/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tại cuộc Hội thảo “Kiểm toán hiệu quả đầu tư công” do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc - ACCA tổ chức ngày 8/8/2012 vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: vấn đề tái cấu trúc đầu tư công luôn phải gắn với việc nâng cao hiệu quả, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Quan trọng hơn là góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Quốc dân trong quá trình hội nhập của Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Quy mô đầu tư công tăng
 Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò tạo nền tảng vật chất kỹ thuật quan trọng cho đất nước, là "đòn bẩy" đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Trong những năm gần đây, quy mô đầu tư công tăng, nhưng hiệu quả không đi kèm. Điều này đặt ra yêu cầu với Kiểm toán Nhà nước là cần tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ để góp phần nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí và chống tham nhũng trong đầu tư công… 

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học & BDCB – KTNN, trong những năm gần đây tổng vốn đầu tư trong xã hội liên tục tăng cao. Tính theo giá so sánh năm 1994, tổng số vốn đầu tư đã tăng từ 115 nghìn tỷ đồng năm 2000 lên hơn 400 nghìn tỷ đồng năm 2010, gấp gần 3,5 lần, bình quân mỗi năm tăng 13,9%. Còn tính từ năm 1995 cho đến năm 2010 tổng số vốn đầu tư công tính theo giá so sánh năm 1994 đã tăng từ 27.185 tỉ đồng lên đến 179.813 tỉ đồng gấp 6,6 lần .

Bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển Đất nước, không thể phủ nhận hiệu quả đầu tư công của Việt Nam còn nhiều hạn chế. PGS.TS Nguyễn Đình Hòa cho biết, đầu tư công ở Việt Nam luôn đi cùng với lãng phí và tốn kém, do phân cấp quá rộng dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn Ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Do đầu tư phân tán, vốn được phân bổ vào quá nhiều dự án nên các dự án thường bị thiếu vốn và kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư và chậm đưa công trình vào sử dụng. 

"Với lối tư duy “nhiệm kỳ”, “cục bộ, địa phương” phát triển kinh tế theo đơn vị hành chính, cho nên trong thời gian qua còn tình trạng thiếu tính gắn kết trong đầu tư xét về tổng thể. Với quy mô của nền kinh tế chỉ hơn 120 tỉ USD nhưng cả nước có đến 100 cảng biển, 28 sân bay, 18 khu kinh tế ven biển, 260 khu công nghiệp, 27 khu kinh tế cửa khẩu và khoảng 650 cụm công nghiệp, hơn 100 ngân hàng" -  PGS.TS Nguyễn Đình Hòa nói.

Đầu tư công và quản lý đầu tư công kém hiệu quả không chỉ khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, mà còn làm gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực  khác như: tăng sức ép lạm phát trong nước, mất cân đối vĩ mô - trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tích lũy - tiêu dùng, mất cân đối và gia tăng chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, địa phương và bộ phận dân cư trong xã hội…

                                                Ảnh minh hoạ

Nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công.
Ông Vũ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, những năm gần đây, mỗi năm Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của khoảng 20 bộ, cơ quan Trung ương, 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 35 dự án đầu tư xây dựng (Dự án nhóm A), 7 chương trình mục tiêu quốc gia, chuyên đề, 25 DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng, một số đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và tài chính Đảng.

Sau 18 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh việc kiến nghị về xử lý tài chính, Kiểm toán Nhà  nước còn giúp các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư chấn chỉnh công tác quản lý dự án; giúp các Ban quản lý dự án nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng quản lý dự án để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý, ngăn ngừa những tiêu cực, lãng phí, thất thoát vốn đầu tư và từng bước hoàn thiện hơn công tác quản lý, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn. Không chỉ kiểm toán và phát hiện các

sai phạm, KTNN còn kiến nghị với các đơn vị có liên quan bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ quản lý đầu tư không còn phù hợp với thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Có thể thấy, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công. Nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát về chi tiêu ngân sách và công quỹ quốc gia, về đầu tư công từ phía nhà nước. Tuy nhiên, ông Vũ Thanh Hải cho biết, hằng năm, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiểm toán được khoảng 50% số tỉnh, thành phố và 40% số bộ, cơ quan trung ương; trong mỗi tỉnh (bộ) cũng chỉ kiểm toán được khoảng 50% số huyện (đơn vị dự toán cấp II trực thuộc bộ) và mỗi huyện chỉ kiểm toán được khoảng 2 đến 3 xã, quy mô chọn mẫu trong từng cuộc kiểm toán cũng còn rất hạn chế, trong đó lĩnh vực đầu tư dự án chỉ khoảng 200 dự án/năm, trong khi cả nước có đến hàng chục ngàn dự án được triển khai. Trong khi  báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá đầu tư hàng năm của Bộ KH&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ thì năm 2005 có 24.460 dự án được triển khai, 2006 có 27.371 dự án, 2007 có 28.706 dự án, 2008 có 28.914 dự án, 2009 là 29.680 dự án.

Đánh giá hiệu lực, hiệu quả của KTNN thời gian qua, GS.TS Đoàn Xuân Tiên cho rằng, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị, các nhà đầu tư và công chúng, nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành thu, chi Ngân sách Nhà nước và sử dụng nguồn tài chính và tài sản công hợp lý, hiệu quả; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng Ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Quốc gia và các địa phương.

Tăng nguồn lực để kiểm toán phát huy hiệu lực, hiệu quả
Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Khương Tiến Hùng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI cho biết, qua công tác kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI đã phát hiện việc huy động sử dụng các nguồn lực tại các DNNN bên cạnh sự dàn trải là yếu kém trong quản lý. Các bất cập này thể hiện qua chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án không được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, thiếu sự thẩm định có chất lượng, dự án không đồng bộ. Bố trí vốn cho các dự án còn dàn trải, bố trí vốn khi chưa có đủ các điều kiện theo quy định. Nhiều dự án gói thầu vi phạm trình tự, thủ tục, thi công trước khi tiến hành lựa chọn nhà thầu… Có tình trạng trên là do quyền tự quyết định của DNNN trong việc quyết định đầu tư các dự án rất cao, trong khi thiếu các chế tài giám sát hiệu quả; các dự án ĐTXD của DNNN khi hoàn thành phần lớn được bàn giao cho chính DNNN đó sử dụng, do đó bên cạnh mặt tích cực đó là các dự án ĐTXD phù hợp với nhu cầu sử dụng, thuận lợi trong việc bàn giao đưa vào sử dụng,... có mặt hạn chế là dễ dãi trong việc nghiệm thu, bàn giao, hạch toán không rõ ràng giữa chi phí đầu tư với chi phí SXKD.

Từ thực tế trên, ông Hùng cho rằng, cần phải tăng cường quản lý Dự án ĐTXD trong DNNN theo hướng Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các dự án ĐTXD trong DNNN thuộc Bộ quản lý, kể cả bằng nguồn vốn vay; thứ hai, cần công khai minh bạch hoạt động của DNNN, cổ phần hóa DNNN, minh bạch trong đấu thầu dự án ĐTXD trong DNNN, quy định bắt buộc đấu thầu trong các dự án ĐTXD không phân biệt nguồn vốn Nhà nước hay nguồn vốn vay, vốn tự có của doanh nghiệp. Các dự án ĐTXD trong DNNN cần phải được kiểm toán ngay từ khi lập dự án để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả ngay từ đầu, tránh tình trạng hậu kiểm như hiện nay.

Qua kiểm toán các dự án đầu tư và các Chương trình mục tiêu quốc gia, ông Trương Văn Tạo, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành IV đưa ra thực tế, các dự án này thường có quy mô lớn, bao gồm nhiều tiểu dự án hoặc các dự án thành phần, phạm vi tổ chức thực hiện trên địa bàn rộng, thời gian thực hiện kéo dài, có nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đến quá trình quản lý, tổ chức thực hiện một dự án… Thực tế hiện nay, Kiểm toán viên chỉ mới đánh giá được công tác quản lý chất lượng, chưa đủ cơ sở để đưa ra ý kiến độc lập đánh giá chất lượng công trình, do đó việc đánh giá hiệu quả đầu tư dự án gặp khó khăn. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán, cần tăng cường đầu tư mua sắm các phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị phù hợp để hỗ trợ kiểm toán viên trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, bố trí đầy đủ kinh phí để thuê chuyên gia bên ngoài kiểm định chất lượng công trình trong những trường hợp cần thiết. Trong tác nghiệp của ngành, việc hoàn thiện và xây dựng thành Cẩm nang hoặc Sổ tay kiểm toán sẽ phát huy tác dụng rất tốt đối với việc nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của quá trình thực hành kiểm toán đối với mỗi kiểm toán viên, thuận tiện cho công tác đào tạo, tập huấn góp phần tích cực nâng cao chất lượng kiểm toán.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Thanh Hải cũng cho rằng, hiện nay khi kiểm toán dự án, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ tập trung kiểm toán phần khối lượng xây lắp, chi phí giải phóng mặt bằng, đơn giá, chi phí tư vấn, chi phí ban quản lý là chủ yếu mà chưa thực hiện kiểm toán ở cả ba giai đoạn của quá trình đầu tư (kiểm toán trước, kiểm toán trong quá trình đầu tư và kiểm toán kết thúc đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng), trong khi ở tất cả các khâu, các giai đoạn của quá trình đầu tư đều có thể sai sót dẫn đến làm thất thoát và lãng phí, đặc biệt là khâu chuẩn bị đầu tư, vì nếu công tác này không tốt, có thể dẫn đến dự án không có tính khả thi, dự án được duyệt sai quy hoạch,... đây chính là những nguyên nhân gây ra lãng phí vốn đầu tư rất lớn. Để khắc phục bất cập này, theo ông Hải , cần xác định kiểm toán trách nhiệm kinh tế và kiểm toán điều tra là nhiệm vụ cấp thiết của Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn tới, đặc biệt là giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát hiện của Kiểm toán Nhà nước góp phần vào việc chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư XDCB. "Kiểm toán Nhà nước cần kiến nghị để bổ sung vào Luật KTNN hoặc các văn bản dưới Luật đối với loại hình kiểm toán này. Từ đó xây dựng các quy trình và chuẩn mực kiểm toán cụ thể trên cơ sở các chuẩn mực chung đã được thừa nhận, phù hợp với chuẩn mực quốc tế." - ông Hải đưa ra ý kiến.
Việc tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp hơn nữa giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng như với đơn vị được kiểm toán là rất quan trọng, tạo điều kiện để Kiểm toán Nhà nước ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, phục vụ và đáp ứng yêu cầu giám sát tài chính công và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, đảm bảo nguồn lực đầu tư công được sử dụng hợp lý, hiệu quả, góp phần tạo cơ sở vật chất cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng./.

Thu Hương tổng thuật
 


                                                               

Xem thêm »