Làm gì để giảm nhanh nợ xấu?

22/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đề án tái cơ cấu ngân hàng mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình UBTVQH có đưa ra một chỉ tiêu rất cụ thể là: trong năm 2013 sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc doanh xuống còn 3%. Trong khi con số này theo công bố của Ngân hàng Nhà nước đang ở mức 8,6%. Vậy phải làm gì để có thể giảm nhanh nợ xấu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất và kinh doanh bị đình trệ như hiện nay?

Nợ xấu đang là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quan tâm trong tiến trình thực hiện cải tổ hệ thống ngân hàng thương mại. Vì đây là cục máu đông đang làm ách tắc dòng chảy huyết mạch của nền kinh tế là vốn tín dụng. Tuy nhiên, vì tình trạng này đã tồn tại khá lâu, cho nên đến nay việc tìm ra thuốc đặc trị không dễ. Chính vì thế, việc đặt ra chỉ tiêu trong năm 2013 giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% đang khiến các chuyên gia băn khoăn. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia tài chính ngân hàng, việc giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng rõ ràng đang là nhiệm vụ then chốt không chỉ của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại mà còn liên quan nhiều đến chính các doanh nghiệp. Bởi vì nợ xấu ngân hàng xuất hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là do doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh khiến hàng hóa bị tồn kho nhiều. Một nguyên nhân đáng chú ý nữa cần phải thẳng thắn nhìn nhận là do chính sách thắt chặt tiền tệ đưa ra bị đột ngột, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Nếu như năm 2008, 2009 tăng trưởng tín dụng đang ở mức 30%, 35%/1 năm, thì đến 2011 chúng ta giảm ngay về 17%, 18%, trong khi đó lãi suất thì cao, kế hoạch sản xuất kinh doanh luôn dài hơn thời hạn vay vốn, nên doanh nghiệp không thể giải nổi bài toán toàn biến số khó lường như vậy. Bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng vì lý do đó, nay Chính phủ phải có biện pháp giúp doanh nghiệp khắc phục hậu quả của tình trạng phanh dồn toa này, tức là phải tìm hướng ra để giải quyết hàng tồn kho.

Theo thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Cao Sỹ Kiêm, có 4 nguyên nhân gây ra nợ xấu: thứ nhất là do doanh nghiệp Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao trong sản xuất kinh doanh, khi hội nhập với thế giới, không cạnh tranh nổi nên hàng hóa không bán được. Thứ hai, sự giật cục trong điều hành chính sách tiền tệ. Chính điều này làm cho nguyên nhân thứ nhất càng trở nên trầm trọng. Thứ ba: bản thân hệ thống ngân hàng thương mại làm việc chưa tốt; buông lỏng các quy định về phòng ngừa rủi ro, thẩm định dự án không tốt; thậm chí nhiều trường hợp dồn vốn cho sân sau, cho người thân quen… Và thứ tư là môi trường kinh doanh, gặp lúc không thuận. Sức đề kháng của cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng nước ta đều chưa tốt, cho nên cơ thể không thích ứng được với môi trường có nhiều nguy cơ dịch bệnh, thành ra cơ thể nhiễm bệnh nhanh chóng. Đã thế, cơ quan quản lý nhà nước lại chậm chân trong phòng và chữa bệnh, nên bệnh thành trầm kha. Ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định muốn xử lý nợ xấu phải phân loại nợ xấu, tìm hướng xử lý cho từng loại nợ không thể có một giải pháp chung cho tất cả các loại nợ xấu, vì căn nguyên gây ra nợ xấu khác nhau phải giải quyết khác nhau.

Còn dưới góc độ một doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HaiDoCo - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ sứ mỹ nghệ cao cấp ở Hải phòng - Bùi Xuân Hải cho rằng, bất luận vì nguyên nhân gì, thì giờ đây Nhà nước phải đứng ra gỡ rối, giải quyết khẩn trương vấn đề nợ xấu để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế. Nếu cứ ngồi bàn mãi, thì doanh nghiệp đang chết cả loạt. Đến lúc muốn cứu cũng chẳng còn mấy doanh nghiệp để mà cứu. Ông Hải cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước phải phân tích kỹ nguyên nhân của hơn 50% nợ xấu hiện nay thuộc về các doanh nghiệp nhà nước, xem căn nguyên của tình trạng này là gì? Tại sao doanh nghiệp nhà nước nợ xấu rất nhiều mà vẫn được vay. Và ai là người chịu trách nhiệm nếu những khoản nợ khổng lồ này không thu hồi được?

Chính vì sự phức tạp của vấn đề như thế này, nên câu chuyện nợ xấu không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Nếu định ra thời hạn một năm phải hạ xuống 3%, mà không có phương pháp làm một cách khoa học, thì chỉ tiêu đó sẽ thành duy ý chí, và nợ xấu sẽ chỉ trở nên ĐẸP trên giấy tờ sổ sách mà thôi.

Nguồn: daibieunhandan.vn

Xem thêm »