Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

03/06/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong hai ngày 03 - 04/6/2013, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì điều khiển nội dung phiên họp. Trong ngày 03/6/2013, đã có 40 vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường.
 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Huỳnh Đảm trong phiên thảo luận sáng ngày 03/6/2013.

Giữ tên nước "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam"
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao và đề nghị vẫn giữ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bởi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là sự lựa chọn không phải ngẫu nhiên mà đó là sự kết thúc của 37 năm đấu tranh giải phóng dân tộc. Tên gọi "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Mặt khác, khi chế độ chính trị vẫn ổn định, khi bản chất mục tiêu nhà nước và định hướng phát triển ở nước ta không thay đổi thì không có lý do gì để thay đổi tên nước. Sự kiên trì con đường phát triển chủ nghĩa xã hội là quan điểm trước sau như một của Bác Hồ và Đảng ta. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng đã xác định con đường của cả tiến trình đổi mới là kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đăng đàn tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra ý kiến: tên gọi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa nếu việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp như việc phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ.

Đại biểu Trần Văn Tư - Đồng Nai cũng đồng tình giữ nguyên tên nước với dự thảo hiện nay: “Đối với tỉnh Đồng Nai, khi lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Hiến pháp, tên nước chỉ có 01 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có hơn 700.000 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên nước. Chúng tôi trực tiếp phỏng vấn về việc giữ hay đổi tên nước, phần lớn tâm tư tình cảm của người dân muốn trở về với tên nước đầu tiên khi thành lập là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo tôi, đổi tên nước khi không có cơ sở, không có căn cứ thì có thể sẽ gây xáo trộn không cần thiết".

Tên nước là thiêng liêng, liên quan đến chế độ chính trị, kinh tế - xã hội, định hướng cách mạng, phương hướng phát triển của đất nước, của dân tộc. Liên quan đến bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước, tư tưởng, tâm lý của nhân dân và nhìn nhận đánh giá của cộng đồng quốc tế. Như vậy ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp, bởi lẽ "Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" là tên gọi đã được Quốc hội Khoá VI quyết định vào ngày 2/7/1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và được sử dụng ổn định cho đến nay. Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ - Ninh Thuận cũng đề nghị giữ nguyên tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 1 dự thảo. "Tên gọi này gắn với giai đoạn hoà bình, độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước, khẳng định rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới là phấn đấu thực hiện thành công Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa là phù hợp với giai đoạn cách mạng trước 1945 ở nước ta. Đó là thời kỳ đất nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội." - đại biểu Huỳnh Thế Kỳ nhấn mạnh.

Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và đảm bảo ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Giữ vững niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng, và nhà nước tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự. Đại biểu Trương Thị Thu Trang - Tiền Giang cũng cho rằng, việc giữ nguyên tên nước "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội đảm bảo tính ổn định.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
Bàn về việc kiểm soát quyền lực nhà nước, đại biểu Trần Văn Tư - Đồng Nai đồng tình với Dự thảo kỳ này thống nhất tất cả quyền lực vào Quốc hội nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước, để thực thi cơ chế kiểm soát lẫn nhau, chế ước lẫn nhau tránh độc đoán, chuyên quyền. "Trong Hiến pháp kỳ cần hiến định vai trò của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao, để kiểm soát lẫn nhau, tránh lộng quyền. Tôi đề nghị vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng được hiến định rõ ràng để kiểm soát quyền lực.”

Đại biểu Trần Văn Tư cũng đề nghị không thành lập Hội đồng Hiến pháp như Dự thảo vì “Hội đồng Hiến pháp không khác với Hội đồng dân tộc, các ủy ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hiện tại."

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương thì lại đưa ra ý kiến: Chúng ta sẽ phát hiện các hành vi vi hiến, trái pháp luật bằng cơ chế kiểm soát như thế nào, và xử lý ra sao nếu không có Hội đồng Hiến pháp hay Toà án Hiến pháp. Chúng ta phải tính đến việc hiến định cơ chế sử dụng công lệnh và xem đó là một phần tất yếu của cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài. Sự cần thiết có một thiết chế độc lập có quyền tài phán đủ mạnh thực chất, thực quyền.

Đồng ý kiến với đại biểu Trần Văn Tư, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng việc có chọn phương án 2 - tổ chức Hội đồng Hiến pháp theo những nội dung quy định tại Điều 120 của Dự thảo là không đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc, vì đây không phải là nội dung quy định một thiết chế độc lập. Thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, tham mưu, kiến nghị và yêu cầu, điều đó có khác gì với nhiệm vụ mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội hiện nay đang thực hiện. Hầu như chức năng nhiệm vụ tạm gọi là tiền kiểm công tác thẩm tra đã được các cơ quan này thực hiện một cách cơ bản và hữu hiệu. Trách nhiệm hậu kiểm theo Dự thảo được xem như là nhiệm vụ cơ bản trọng yếu của Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên Hội đồng này sẽ ứng xử thế nào nếu các cơ quan trên không đồng quan điểm hoặc phớt lờ yêu cầu của Hội đồng Hiến pháp đưa ra. Nghiêm trọng hơn Dự thảo giải quyết thế nào nếu ý kiến của Hội đồng Hiến pháp không được Quốc hội chấp nhận, khi đó quan hệ uỷ thác trách nhiệm quyền lực giữ nhân dân với Hiến pháp và Quốc hội sẽ giải quyết thế nào? đây là bài toán rất khó cần tiếp tục nghiên cứu xem xét. Nếu chưa xác định quyền của Hội đồng này trong Hiến pháp thì cơ quan này khó có thể hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao cho. "Tôi kiến nghị không thành lập Hội đồng hiến pháp nếu vẫn hiến định như Điều 120 trong Dự thảo. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm một cách thực chất bằng cấp pháp thành tích, phân công, giám sát. Tôi đề nghị giao quyền kiểm soát việc tuân thủ theo pháp luật nói chung cho Viện Kiểm sát Nhân dân. Đề nghị bổ sung, khẳng định tại Điều 112 Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan tư pháp." - đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Đại biểu La Ngọc Thoáng - Cao Bằng lại đề nghị Quốc hội lựa chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp với quyền năng đầy đủ, bởi nếu thành lập Hội đồng này sẽ là bước tiến trong tư duy lập hiến, lập pháp của chúng ta. Việc ra đời một thiết chế bảo hiến, bảo vệ Hiến pháp độc lập là nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện và làm sâu sắc hơn bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Không thể một nhà nước dân chủ pháp quyền lại thiếu một cơ chế bảo hiến độc lập để xử lý các hiện tượng vi hiến.

Nhu cầu của nhân dân và đòi hỏi về cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, xử lý vi phạm cần được tôn trọng. Theo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, hiện nay cơ chế kiểm soát cho việc thi hành các quy định của Hiến pháp, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa hiệu quả. Việc bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành, chưa có cơ chế hoạt động chuyên trách bảo vệ Hiến pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế về công tác xem xét, xử lý những văn bản này không được tiến hành đầy đủ và thường xuyên. Thẩm quyền hủy bỏ, đình chỉ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trong thực tế hầu như chưa được áp dụng; hình thức kiến nghị thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa được thực thi đầy đủ, nên chưa mang tính hiệu quả cao.

Tại kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ mô hình Hội đồng Hiến pháp, qua Báo cáo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tư pháp, các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ một cơ chế bảo hiến có chức năng phát hiện và xử lý vi phạm trong Hiến pháp. Nhân dân hy vọng sẽ có một thiết chế đảm bảo việc thực thi Hiến pháp, những cơ chế bảo hiến hiện hành đã bộc lộ những hạn chế nhất định. "Khi Quốc hội thành lập Hội đồng Hiến pháp, cần quy định rõ về thẩm quyền và thành viên của Hội đồng, Hội đồng Hiến pháp phải là một cơ quan thiết chế bảo vệ Hiến pháp độc lập, giải thích Hiến pháp, pháp luật, đình chỉ các văn bản vi hiến. Đứng đầu Hội đồng Hiến pháp là Chủ tịch nước. “Nếu trong trường hợp Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền kiến nghị thì không cần phải thành lập thiết chế này vì không khắc phục được những tồn tại trong kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo với các cơ quan khác của Quốc hội." - đại biểu La Ngọc Thoáng đề xuất.

Xuất phát từ thực tiễn tổ chức bộ máy chức năng nhiệm vụ quyền hạn, cơ quan nhà nước ta, nghiên cứu về mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước một số nước trên thế giới, đại biểu Phạm Xuân Thường - Thái Bình đề nghị mô hình tổ chức bộ máy nhà nước gồm: Cơ quan lập pháp Quốc hội, cơ quan hành pháp Chính phủ, nhưng giao thêm cho cơ quan Chính phủ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố Nhà nước. Cơ quan tư pháp duy nhất là Tòa án, bởi vì thực chất tư pháp nó chính là xét xử và xét xử là chức năng duy nhất của các cơ quan Tòa án. Vì vậy chỉ có cơ quan Tòa án mới là cơ quan tư pháp. "Để tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tăng cường kiểm soát quyền lực của các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tôi đề nghị Quốc hội thành lập ba cơ quan hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật đó là các cơ quan: Kiểm soát Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Quốc hội hay còn gọi là cơ quan dân nguyện" - đại biểu Phạm Xuân Thường đề xuất.

Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, cơ quan kiểm soát Nhà nước được thành lập cơ bản dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát hiện nay có điều chỉnh một phần chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp và cơ quan này được giao thực hiện: Kiểm soát hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thi hành án và bỏ chức năng điều tra và chức năng thực hành quyền công tố giao cho Chính phủ; Kiểm sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành, tức là thực hiện chức năng của Hội đồng bảo Hiến quy định trong dự thảo Hiến pháp. Phương án này là hợp lý vì không phải thành lập cơ quan bảo hiến và nhất là nhiệm vụ này Viện kiểm sát đã thực hiện rất tốt trong thời gian dài, nay chỉ là khôi phục lại nhiệm vụ cũ mà thôi; kiểm sát các hoạt động xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử phạt hành chính được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính và giải quyết tin báo tố giác tội phạm. "Thời gian vừa qua mảng này là khoảng trống là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển" - đại biểu Phạm Xuân Thường cho biết.

Khánh Vy
 

Xem thêm »