Các phương pháp tiếp cận khi kiểm toán bình đẳng giới

10/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Khi thực hiện kiểm toán bình đẳng giới (BĐG), các kiểm toán viên (KTV) sẽ linh hoạt trong việc lựa chọn phương pháp tiếp cận theo rủi ro, theo kết quả hay theo định hướng vấn đề trong các giai đoạn của quá trình kiểm toán.

Kiểm toán nhà nước Việt Nam tổ chức khóa đào tạo về kiểm toán bình đẳng giới với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF). Ảnh TL

Vai trò kiểm toán bình đẳng giới

Kiểm toán về BĐG trong khu vực công của các quốc gia có vai trò quan trọng trong thúc đẩy BĐG cũng như tăng cường giám sát nhà nước về vấn đề BĐG. Cụ thể:

Một là, kiểm toán BĐG giúp xác định mức độ tuân thủ của Chính phủ đối với các cam kết quốc gia và quốc tế về BĐG, bao gồm việc thực hiện luật pháp, chính sách và kế hoạch hành động quốc gia. Các cam kết quốc tế và quốc gia mà các chính phủ đã đưa ra nhằm thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là rất quan trọng.

Những cam kết này trao trách nhiệm giải trình cho các chính phủ và tạo ra kỳ vọng của người dân rằng chính phủ sẽ đáp ứng các nghĩa vụ của họ. Các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động về BĐG sẽ góp phần quan trọng cho các quốc gia thông qua luật pháp quốc gia, đưa ra các quyết định chính sách và phân bổ kinh phí (sử dụng ngân sách có tính đến giới) để hỗ trợ thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ.

Hai là, xác định và kiểm tra tác động cụ thể về giới của các chương trình của chính phủ. Thông thường, pháp luật, chính sách và chương trình của chính phủ được thiết kế với giả định rằng tác động lên người dân sẽ giống nhau đối với phụ nữ và nam giới, nghĩa là họ trung lập về giới. Với giả định như vậy, việc thiết kế chương trình của chính phủ có thể dẫn đến việc vô tình củng cố hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bất BĐG. Trong tình huống như vậy, điều quan trọng là phải xem xét tác động khác biệt của một chương trình đối với cả phụ nữ và nam giới để xác định xem chương trình có đáp ứng được nhu cầu tương ứng của họ hay không.

Việc thúc đẩy và đạt được BĐG là điều quan trọng đối với tất cả các quốc gia nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên giới trong các khía cạnh xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của cuộc sống. BĐG đảm bảo rằng tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, đều có thể tham gia tích cực và có ý nghĩa vào sự phát triển của cuộc sống, cộng đồng và xã hội của họ mà không bị phân biệt đối xử vì lý do nam hay nữ.

Việc kiểm tra cách thức thiết kế một chính sách hoặc chương trình nhằm đưa phân tích giới vào phương pháp kiểm toán có thể xác định liệu các bước và biện pháp thích hợp có được thực hiện hay không để đảm bảo rằng chính sách hoặc chương trình đó sẽ mang lại lợi ích tối đa cho cả phụ nữ và nam giới, hoặc ít nhất, không làm tình hình hoặc hoàn cảnh của phụ nữ hoặc nam giới trở nên tồi tệ hơn.

Ba là, đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện việc thiết kế, thực hiện và kết quả các chính sách và chương trình của Chính phủ, góp phần mang lại kết quả BĐG tốt hơn. Các khuyến nghị kiểm toán dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng các bằng chứng chứng minh sự bất BĐG. Đây là cơ sở để các chính sách và chương trình của chính phủ có thể được sửa đổi. Bước quan trọng đầu tiên của việc sửa đổi là nâng cao nhận thức trong chính phủ rằng các chính sách và chương trình cần được thiết kế và thực hiện có tính đến sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của phụ nữ và nam giới.

Bốn là, công bố các báo cáo kiểm toán về BĐG nhằm nâng cao nhận thức trong và ngoài chính phủ về các vấn đề BĐG và ảnh hưởng của những vấn đề này đến cuộc sống của người dân. Báo cáo kiểm toán cũng có thể nêu bật những thành công và thách thức của chính phủ trong việc đạt được BĐG.

Phương pháp tiếp cận khi thực hiện kiểm toán bình đẳng giới

Khi thực hiện kiểm toán về BĐG, các KTV có nhiều cách thức tiếp cận linh hoạt cho từng cuộc kiểm toán như: phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả và phương pháp tiếp cận dựa trên vấn đề.

Phương pháp tiếp cận theo định hướng rủi ro

Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, khi xem xét tài liệu, tiến hành phỏng vấn hoặc thăm các địa điểm, KTV có thể bắt gặp thông tin hoặc tình huống cho thấy việc đạt được BĐG có nguy cơ gặp rủi ro. Lúc này, KTV nên ghi lại những quan sát của mình và thu thập thông tin bổ sung cần thiết để có những dữ liệu tập trung và phù hợp nhất đối với vấn đề BĐG.

Một số dấu hiệu cho thấy BĐG đang gặp rủi ro trong các chương trình hoặc trong hoạt động của tổ chức: Những phân tích dựa trên giới không được thực hiện hoặc không được chú ý đầy đủ. Ví dụ, tỷ lệ bỏ học của trẻ em gái ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị nhưng không có phân tích nào về lý do hoặc cách thức giải quyết vấn đề.

Thiết kế chương trình không xem xét vấn đề giới tính. Ví dụ, quy trình can thiệp của cảnh sát, công an khu vực trong các vụ bạo lực gia đình không được đánh giá để xác định tác động/tính hiệu quả của những can thiệp đó đối với đối tượng bị bạo lực. 

Việc thực hiện các chính sách/chương trình không xem xét đến các phân tích dựa trên giới tính. Ví dụ, có những khó khăn, rào cản hoặc tác động cụ thể trong việc lồng ghép các vấn đề về giới đã được phân tích, nhưng các chính sách, luật pháp, sáng kiến của tổ chức hay chính phủ không xem xét đến những báo cáo này trước khi ban hành.

Cán bộ chưa được đào tạo về vấn đề BĐG. Ví dụ, chương trình cung cấp hạn mức tín dụng đã xác định rằng nam giới và nữ giới có những nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, nhân viên đã không được đào tạo về cách thức triển khai chương trình cho phù hợp với nhu cầu của người nộp đơn. 

Không có cơ chế cho phép nhân viên chỉ ra các vấn đề liên quan đến giới. Ví dụ, không có bằng chứng cho thấy tổ chức đã xem xét/lắng nghe quan điểm của các cấp quản lý và nhân viên về các vấn đề ảnh hưởng đến BĐG; không khuyến khích mọi người nêu vấn đề về BĐG tại cuộc họp hoặc thông qua các đề xuất; không có cuộc họp nào để nhân viên nâng cao nhận thức hoặc được thảo luận về các vấn đề giới trong quá trình thực hiện chương trình hoặc trong hoạt động của tổ chức.

Văn hóa của tổ chức không nhấn mạnh nhu cầu BĐGQuản lý cấp cao không ban hành các quy định đủ nghiêm ngặt về vấn đề BĐG; BĐG không được đưa vào kế hoạch, chương trình kiểm toán. Ví dụ, ngay cả các lĩnh vực thể hiện rõ vấn đề về giới như giáo dục và việc làm, tổ chức vẫn không đưa nội dung BĐG vào kế hoạch kiểm toán để giải quyết các tác động tiêu cực thực tế hoặc tiềm ẩn.

Một chương trình được phê duyệt không có nguồn tài chính hoặc kỹ thuật dành riêng cho việc giải quyết vấn đề BĐG. Ví dụ, một chương trình trị an hứa hẹn sẽ tăng số lượng nữ cảnh sát, tuy nhiên khi thực hiện, chương trình không đủ nhân lực để triển khai các sáng kiến ​​giúp tăng số lượng nữ cảnh sát, hoặc chưa có kế hoạch hành động giải quyết nhu cầu tăng nữ giới khiến cho tỷ lệ bỏ học của nữ vẫn cao gấp đôi so với nam.

Khi thu thập dữ liệu để kiểm toán BĐG, KTV cần chú ý đến các dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy việc đạt được BĐG trong một chương trình hoặc tổ chức đang gặp rủi ro. KTV khi quan sát thấy sự hiện diện của các chỉ số rủi ro, cần bổ sung thêm dữ liệu bằng các quy trình phân tích, hướng dẫn chi tiết và đánh giá kiểm soát nội bộ để ghi lại đúng các rủi ro đối với BĐG.

Phương pháp tiếp cận theo định hướng kết quả và định hướng vấn đề

Trong phương pháp tiếp cận theo định hướng kiểm toán kết quả về BĐG, trọng tâm là xác định xem một chương trình hoặc một hoạt động có đạt được các mục tiêu về BĐG hay không (có thể có những kết quả ngoài ý muốn), bao gồm tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả. 

Nếu tổ chức đang thực hiện các phân tích về giới thường xuyên thì có thể xác định tác động của chương trình đối với BĐG theo thời gian thực trong khi xem xét các yếu tố tiềm ẩn khác. Phương pháp kiểm toán BĐG theo định hướng kết quả chỉ phù hợp nếu một tổ chức tự đo lường hiệu suất BĐG của mình hoặc KTV có thể đo lường được các chỉ số về BĐG.

Trong trường hợp ban lãnh đạo đã đo lường BĐG, KTV sẽ cần thực hiện thêm nghiệp vụ để xác thực thông tin và sử dụng thông tin đó trong cuộc kiểm toán. Trong trường hợp ban lãnh đạo không đo lường BĐG, KTV có thể tự quyết định đo lường BĐG. Tuy nhiên, việc đo lường BĐG có thể là một thách thức, vì vậy, KTV không nên quyết định đo lường nó một cách trực tiếp khi chưa xác định tính khả thi trong điều kiện chi phí hợp lý.

Với phương pháp tiếp cận theo định hướng vấn đề, KTV tập trung vào những  vấn đề tiềm ẩn khiến tổ chức thất bại trong việc đạt được mục tiêu BĐG. Sau đó, KTV có thể phân tích và tìm nguyên nhân của vấn đề. Thông thường, các vấn đề đang nhận được sự quan tâm, chú ý của người dân, quốc hội, chính phủ hoặc giới truyền thông sẽ khiến KTV chú ý hơn.

KTV cũng có thể lưu ý các vấn đề được nhắc tới trong đơn thư khiếu nại hoặc những vấn đề đã được nhắc tới từ trước. Ví dụ như, KTV  lưu ý thông tin tỷ lệ phụ nữ tham gia dự án phát triển tài chính rất thấp. Sau đó, KTV sẽ bắt đầu xác định nguyên nhân của vấn đề, xem xét đến yếu tố: thiết kế, triển khai dự án, văn hóa xã hội khiến hạn chế tỷ lệ tham gia của phụ nữ...

“Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới đề cập đến quyền, trách nhiệm và cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai. Bình đẳng không có nghĩa là phụ nữ và nam giới sẽ trở nên giống nhau mà là quyền, trách nhiệm và trách nhiệm của phụ nữ và nam giới. Cơ hội sẽ không phụ thuộc vào việc họ sinh ra là nam hay nữ. BĐG nghĩa là lợi ích, nhu cầu và ưu tiên của cả phụ nữ và nam giới đều được xem xét, thừa nhận sự đa dạng của các nhóm phụ nữ và nam giới khác nhau. Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới vừa là vấn đề nhân quyền, vừa là điều kiện tiên quyết và là chỉ số cho sự phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm”.Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women).

TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - KHOA KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN, HỌC VIỆN NGÂN HÀNG

Xem thêm »