Bangladesh: Hàng nghìn nhà máy may vẫn chưa đảm bảo an toàn lao động cho công nhân  

29/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Liên minh Vì sự an toàn cho công nhân Bangladesh (ABWS) mới đây đã hoàn thành Báo cáo kiểm toán về điều kiện lao động tại các chuỗi cung ứng của một số thương hiệu may mặc nước ngoài nổi tiếng hoạt động tại nước này. Báo cáo chỉ ra những nguy cơ về điều kiện lao động đối với công nhân tại các nhà máy thuộc các chuỗi cung ứng bán lẻ đa quốc gia tại Bangladesh.  

Tính tới nay, đã 5 năm kể từ thảm họa sập Nhà máy Rana Plaza cao 9 tầng ở TP. Dhaka, Bangladesh, khiến 1.100 công nhân may mặc thiệt mạng và hơn 2.500 người khác bị thương. Vụ việc đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với quốc gia Bangladesh, mà với nhiều quốc gia có ngành may mặc gia công tương tự và với toàn thế giới vì Rana Plaza là điển hình cho mô hình sản xuất hàng công nghiệp giá rẻ mang tính toàn cầu của Bangladesh - quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, nơi diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu bán lẻ quần áo toàn cầu.

Sau thảm họa sập Nhà máy Rana Plaza, 220 thương hiệu nước ngoài đã cùng đặt bút ký Hiệp ước về an toàn cháy nổ và xây dựng tại Bangladesh. Đây là một thỏa thuận ràng buộc duy nhất thiết lập hệ thống giám sát và xử lý tại hơn 1.600 nhà máy chủ yếu thuộc các thương hiệu châu Âu được thuê ngoài gia công tại Bangladesh như: H&M, Gap, Walmart, Tommy Hilfiger, Tesco,... H&M là thương hiệu đầu tiên và lớn nhất ký Hiệp ước này vào năm 2013. Một ban thanh tra độc lập đã được thành lập để theo dõi xem liệu các nhà máy có thực hiện các kế hoạch hành động khắc phục được đưa ra sau thảm họa sụp đổ Nhà máy Rana Plaza hay không.

Trong báo cáo của mình, ABWS nhận định, có rất ít tiến bộ đạt được trong việc cải thiện điều kiện lao động cho công nhân may mặc, đồng thời chỉ trích nhiều vi phạm và lỗ hổng như: nhà xưởng không đạt tiêu chuẩn xây dựng và an toàn cháy nổ, công nhân nghèo lương thấp, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia dẫn đến sự bùng nổ của các nhà máy gia công ở hầu hết các nước đang phát triển. Sự thiếu an toàn ở các nhà máy may mặc ở Bangladesh là kết quả của một cuộc chạy đua nhằm cạnh tranh bằng giá thành rẻ.

Bên cạnh đó, ABWS cũng cho biết, chỉ có 7 trong số 1.660 nhà máy đã hoàn thành việc thực hiện kế hoạch hành động khắc phục của họ và 57 nhà máy khác đang đi đúng hướng so với kế hoạch. Khoảng 1.388 nhà máy bị chậm tiến độ, trong khi đó, có 186 nhà máy vẫn chưa hoàn thành kế hoạch hành động khắc phục và 22 nhà máy chưa triển khai.

Ngoài ra, kết quả điều tra của ABWS cho thấy, công nhân ở nhiều nhà máy báo cáo phải làm việc từ 10 đến 14 tiếng mặc dù đã có quy định về ngày làm việc 8 tiếng; môi trường làm việc ở nhiệt độ cao và không được tiếp cận với nước uống, dẫn đến những trường hợp ngất xỉu, kiệt sức tại nơi làm việc; có tới 50% trong số 121 công nhân được phỏng vấn nói rằng nhân viên đã bị sa thải mà không cần thông báo; khoảng 60% nói rằng các công nhân bị sa thải thường bỏ đi mà không nhận được tiền lương và phúc lợi.

Bản Báo cáo đã được phát hành trong bối cảnh Liên minh Tiền lương châu Á (AFWA) kêu gọi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thành lập Thanh tra Lao động Toàn cầu để giám sát việc thực thi các quy định về tuân thủ của các chuỗi cung ứng bán lẻ hàng may mặc tại Bangladesh, đồng thời kêu gọi ILO thiết lập các giới hạn về việc sử dụng lao động tạm thời, thuê ngoài và các loại lao động khác để hạn chế trách nhiệm của chủ lao động đối với việc bảo vệ người lao động.

Chính phủ Bangladesh quan tâm và hỗ trợ ngành may mặc bởi đây là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất với kim ngạch xuất khẩu trị giá gần 20 tỷ USD, chiếm 80% thu nhập ngoại hối của Bangladesh. Tuy nhiên, ABWS cảnh báo rằng, nếu Chính phủ Bangladesh không giải quyết những hạn chế, bất cập trong ngành may mặc thì ngành công nghiệp thế mạnh của Bangladesh này sẽ sớm rơi vào tình trạng suy thoái. Do đó, Chính phủ cần đưa ra những chính sách phù hợp nhằm trao quyền cho người lao động, để người lao động giữ vai trò trung tâm tại nơi làm việc, có quyền từ chối hoặc nói ra mà không lo bị sa thải, đồng thời, cần giải quyết những tình trạng đáng lo ngại như: thầu phụ trái phép, không minh bạch, lương thấp, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn…

(Theo Dhaka Tribune và The Guardian)
(Báo Kiểm toán số 43/2018)

Xem thêm »