Estonia: Dự toán ngân sách chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng

15/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước Estonia (NAOE) vừa công bố kết quả cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán thường niên năm 2022 và cho biết, việc lập ngân sách dựa trên hoạt động thực tế tại Estonia chưa phù hợp, chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Hình ảnh tại KTNN Estonia. Ảnh: ST

Các báo cáo tài chính hợp nhất hằng năm cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nhà nước lên tới 23,99 tỷ euro, phần lớn là các tài sản cố định như: Rừng, đường sá, nhà cửa...

Trong năm này, tổng tài sản của Estonia đã tăng 4,56 tỷ euro. Theo báo cáo của NAOE, doanh thu của Nhà nước năm 2022 đạt 14 tỷ euro. Tổng chi tiêu và đầu tư là hơn 14,54 tỷ euro (chi tiêu chiếm 13,91 tỷ euro, đầu tư chiếm 630,08 triệu euro). Tính đến ngày 31/12/2022, Nhà nước có tổng số nợ phải trả là 17,07 tỷ euro, đánh dấu mức tăng 2,98 tỷ euro so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn các khoản nợ này bao gồm các khoản nợ dài hạn với số tiền 10,23 tỷ euro.

Thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán hằng năm, NAOE cho biết, báo cáo quyết toán năm 2022 của Estonia phản ánh chính xác về tình hình tài chính của Nhà nước. Về tổng thể, cuộc kiểm toán cho thấy một số cải thiện so với cuộc kiểm toán trong năm trước. Tuy nhiên, các thiếu sót liên quan đến việc lập dự toán ngân sách được nêu ra từ những năm trước vẫn tồn tại; trong năm 2022 vẫn chưa có các nguyên tắc ngân sách mới nào được đưa ra.

Tổng Kiểm toán Estonia Janar Holm cho rằng: “Việc lập dự toán ngân sách dựa trên hoạt động thực tế và việc thực thi tương ứng hầu như không có điểm chung. Tôi đánh giá cao các mục tiêu của việc lập dự toán ngân sách dựa trên hoạt động thực tế, tuy nhiên công tác này hiện tại có nhiều thiếu sót và thật đáng tiếc khi không được triển khai thành công”.

Theo Tổng Kiểm toán NAOE, với tư cách là đối tượng nhận ngân sách, Nghị viện Estonia đã không quan tâm, chú ý nhiều đến các nhu cầu của công chúng. Để thực hiện các mục tiêu trong việc lập dự toán ngân sách dựa trên hoạt động thực tế sẽ đòi hỏi cách thức quản lý và tư duy khác so với hiện nay.

NAOE lưu ý, mặc dù nguồn dự trữ của Chính phủ là dành cho các khoản chi bất thường, tuy nhiên, trên thực tế, nguồn ngân sách này vẫn liên tục bị phân bổ cho các hoạt động có thể lên kế hoạch từ trước. Trong năm 2022, nguồn dự trữ của Chính phủ đã nhiều lần chi cho các hoạt động có thể được phân bổ vào dự toán của các Bộ. Hơn nữa, các nguyên tắc hướng dẫn phân bổ ngân sách cũng không phù hợp với luật pháp hiện hành. NAOE nhấn mạnh thêm, trong những năm gần đây, cơ quan này đã đưa ra những kiến nghị tương tự về việc quản lý, sử dụng ngân sách dự trữ của Chính phủ, tuy nhiên, trong cuộc kiểm toán mới đây, NAOE vẫn phải lưu ý lại về tình trạng trên./.

Xem thêm »