Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Những tồn tại và bài học kinh nghiệm

04/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tại Hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm qua hoạt động kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (MTQG NS&VSMTNT) vừa được tổ chức, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, bài tham luận đánh giá về các mặt được và chưa được của Chương trình. Dưới đây là lược ghi bài tham luận của Kiểm toán viên chính Hoàng Hải Châu (KTNN chuyên ngành V)- một trong những tham luận đáng chú ý tại Hội nghị.

Chương trình MTQG NS&VSMTNT đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn

Ghi nhận từ kết quả kiểm toán
...Về ưu điểm, Ban Chủ nhiệm Chương trình các cấp đã quản lý kinh phí Chương trình theo luật định, yêu cầu của nhà tài trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan. Cơ quan quản lý Chương trình cũng như các Bộ, ngành đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành thực hiện.Kết quả của Chương trình đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương nghèo.
 
Trong công tác phối hợp thực hiện, bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình T.Ư đã kiện toàn và hoạt động khá hiệu quả. Ban Chủ nhiệm Chương trình T.Ư, các Bộ liên quan đã tích cực, chủ động chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động, tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra các hoạt động nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu của Chương trình trong năm 2012 và giai đoạn 2012-2015.  
 
Trên cơ sở hướng dẫn thực hiện, các địa phương đã thành lập Ban điều hành Chương trình với các thành phần phù hợp với quy định.Tổ chức, bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình hoạt động khá hiệu quả trong năm 2012, một trong những nguyên nhân cơ bản thúc đẩy việc thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.
 
Các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, triển khai, điều hành thực hiện Chương trình. Trong đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; bổ sung cơ chế, chính sách; tổ chức sơ kết, báo cáo đề xuất những khó khăn vướng mắc để xử lý, khắc phục. Các cơ quan T.Ư và địa phương đã phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án liên quan nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình. Năm 2012, tổng nguồn vốn phân bổ về các địa phương đạt 1.370.000 triệu đồng, chiếm tới 41,39 % tổng nguồn vốn dự kiến huy động; duy trì tốt mối quan hệ với các đối tác để tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các tổ chức quốc tế tham gia viện trợ.
 
Tại địa phương, đa số các tỉnh đã có sự phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các ngành hữu quan, đồng thời phân cấp về các huyện để triển khai Chương trình; tổ chức đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2 và xây dựng phương hướng, giải pháp thực hiện Chương trình cho giai đoạn tiếp theo; lập các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình năm 2012, đề xuất các nội dung, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2012-2015. Các tỉnh xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí cho các đơn vị sử dụng cơ bản đúng mục tiêu, nội dung Chương trình.Các chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền các xã trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư, các đơn vị dự toán đã phối hợp tổ chức thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục về vệ sinh môi trường.
 
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc kiện toàn bộ máy và nhân sự cũng như ban hành các văn bản quy định hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành Chương trình còn chậm, cá biệt có tỉnh không thành lập Ban chỉ đạo điều hành riêng. Việc phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác giao kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư còn chậm, làm ảnh hưởng đến tính chủ động của các chủ đầu tư, đơn vị dự toán trong triển khai thực hiện. Một số tỉnh giao kế hoạch vốn còn chưa phù hợp với nội dung Chương trình; phân bổ vốn dàn trải, kéo dài nhiều năm; không điều chuyển vốn kịp thời dẫn đến số vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương kết dư tại ngân sách địa phương lớn. Thiếu sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan tham mưu trong công tác quy hoạch mạng lưới cung cấp nước sạch, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải thay đổi địa điểm xây dựng, làm chi phí đầu tư tăng lên và thời gian thực hiện công trình kéo dài.
 
Các địa phương vẫn chưa quan tâm đến mục tiêu về vệ sinh môi trường, cấp nước và vệ sinh tại các trường học, trạm y tế, công trình công cộng; chế độ thông tin báo cáo của các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình đã có tiến bộ song vẫn chưa kịp thời, đầy đủ.

Bài học kinh nghiệmvà một số kiến nghị
Tại T.Ư, công tác chỉ đạo điều hành cần có sự  quyết liệt hơn nữa và cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để nâng cao hiệu quả thực hiện. Lãnh đạo các cấp T.Ư và địa phương cần có sự quan tâm đúng mức đến các hoạt động của Chương trình để từ đó chỉ đạo việc xây dựng cơ chế chính sách cũng như triển khai thực hiện nhằm kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch, thiếu sót. Tại các địa phương, cần kiện toàn tổ chức, bộ máy và quy chế hoạt động của các Ban chỉ đạo điều hành; quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thường trực Chương trình.Các cơ quan thường trực cần thực hiện đầy đủ hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao. Cần làm tốt công tác quy hoạch để đảm bảo sát với thực tế, đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của Chương trình. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện Chương trình ở các tuyến huyện, xã.
Đặc biệt, cần tập trung hơn cho công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư, khắc phục tình trạng công trình bàn giao đưa vào sử dụng hoạt động kém bền vững, hiệu quả sử dụng thấp.
 
Để hoàn thiện công tác phối hợp thực hiện Chương trình, cần quan tâm một số vấn đề sau: Một là, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là kiến thức về quản lý chuyên môn, quản lý tài chính của Chương trình. Hai là, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Chương trình; kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình còn thiếu, đồng thời điều chỉnh, bổ sung và hủy bỏ những văn bản hướng dẫn chưa phù hợp. Ba là, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình. Cùng với việc phân cấp, phải có biện pháp kiểm soát hoạt động đầu tư ở địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, tùy tiện và một số bất cập trong quản lý.Bốn là, tích cực nghiên cứu và phổ biến các mô hình tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình. Năm là, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình ở các cấp để hướng dẫn, phát hiện những hạn chế, sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện để chỉ đạo, điều chỉnh, uốn nắn và xử lý cho kịp thời, phù hợp.
 
ĐC (lược ghi) - Theo Báo Kiểm toán số 40/2013

Xem thêm »