Nghiên cứu khoa học phải đi trước một bước so với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước

23/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có những chuyển biến tích cực, đi vào thực chất, mang lại giá trị gia tăng cho ngành trong hoạt động kiểm toán, nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Tổng KTNN chủ trì hội thảo đề tài Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Hoàn thiện các quy định và xây dựng Kế hoạch khoa học công nghệ giai đoạn 2023-2028

Nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động khoa học của KTNN, đáp ứng yêu cầu của Luật KHCN và thực tiễn hoạt động kiểm toán, năm 2023, KTNN đã xây dựng, hoàn thiện và bổ sung một số các văn bản liên quan đến hoạt động KHCN. Cụ thể như: Hoàn thiện, bổ sung Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động khoa học của KTNN; Ban hành Quy chế xét chọn, tuyển chọn và nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của KTNN.

Bên cạnh đó, KTNN đã giao Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ trì xây dựng và đang triển khai thẩm định Quy chế ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của KTNN. Việc xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến hoạt động KHCN sẽ từng bước đưa hoạt động khoa học của KTNN đáp ứng các quy định hiện hành và đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả.

Cùng với việc hoàn thiện các quy định, bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam, KTNN đã triển khai xây dựng Kế hoạch khoa học công nghệ 5 năm giai đoạn 2023-2028 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gắn với thực tiễn của KTNN nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Theo đó, KTNN xác định nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN; tạo ra bước phát triển vượt bậc về hoạt động chuyên môn dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới, là cơ sở để xây dựng chiến lược, chính sách phát triển KTNN và dự báo, định hướng những vấn đề phát sinh; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn hoạt động kiểm toán; nghiên cứu hoàn thiện các mô hình, phương pháp quản lý, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ KHCN của KTNN cần tập trung đổi mới phương thức quản lý, cơ chế hoạt động; hoạt động nghiên cứu khoa học cấp quốc gia tập trung giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn ở tầm vĩ mô nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát ngân sách nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý cho hoạt động kiểm tra và kiểm toán tài chính công và tài sản công phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Giai đoạn 2023 - 2028, KTNN sẽ đề xuất 01- 03 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp quốc gia; 03 - 05 chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ; thực hiện 90 - 120 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 80-100 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cùng một số đề án, dự án nghiên cứu. KTNN cũng sẽ chủ trì phối hợp với các tổ chức kiểm toán quốc tế, cơ quan kiểm toán tối cao các nước trên thế giới và trong khu vực tổ chức từ 02 - 03 cuộc hội thảo quốc tế theo các chủ đề và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
 
Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cức khoa học cấp bộ “Xây dựng hướng dẫn thực hiện kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế" 


Nghiên cứu khoa học phải đảm bảo tính ứng dụng

Năm 2023, KTNN đã tổ chức nghiệm thu 20 đề tài cấp Bộ và 13 đề tài cấp cơ sở. Việc nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học được lập kế hoạch từ đầu năm để các ban đề tài, cá nhân, đơn vị chủ động trong việc sắp xếp thời gian tham gia hội đồng nghiệm thu. Qua đó, hạn chế tình trạng chậm tiến độ và gia hạn nghiệm thu đề tài nhiều lần.

Đặc biệt từ năm 2020-2023, KTNN đã triển khai và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia: “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”. Ngày 21/9/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng xếp loại Xuất sắc, đánh giá cao về chất lượng và khả năng ứng dụng.

Tuy nhiên, theo Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học của KTNN vẫn còn hạn chế như: một số vấn đề chưa được giải quyết một cách triệt để, các giải pháp đưa ra có tính ứng dụng chưa cao; thời gian nghiên cứu kéo dài làm mất đi tính thời sự của kết quả nghiên cứu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động khoa học còn hạn chế dẫn đến việc theo dõi, tổng hợp, thống kê, báo cáo gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác quản lý khoa học.

Để khắc phục những hạn chế về chất lượng các đề tài và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn kiểm toán, thời gian tới, KTNN đổi mới cơ chế quản lý, tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu để có thể lựa chọn được các cá nhân và tổ chức có đủ năng lực làm chủ nhiệm và chủ trì các đề tài nghiên cứu. Tăng cường thực hiện cơ chế đặt hàng và tuyển chọn đối với các nhiệm vụ KHCN, tạo điều kiện để các nhà khoa học có năng lực được cống hiến và phát triển.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa các quy trình tổ chức và quản lý hoạt động KHCN, bao gồm quy trình quản lý đề tài, quy chế ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của KTNN. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu của bộ phận thường trực Hội đồng khoa học trong việc lựa chọn, xét duyệt đề cương, kế hoạch thực hiện và thẩm định, đặc biệt trong công tác đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học đảm bảo chặt chẽ, chất lượng và đúng quy định.
Theo GS.TS. Đoàn Xuân Tiên  - Chủ tịch Liên đoàn Kế toán các nước Đông Nam Á, Phó Chủ tịch VAA, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của KTNN cần tập trung vào một số chủ đề như: Hoàn thiện quy định, quy trình kiểm toán hoạt động đối với kiểm toán báo cáo quyết toán; vai trò của KTNN trong việc lành mạnh hóa thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu, bảo hiểm); nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khu vực công và vai trò của KTNN; nhận diện rủi ro, thách thức của nền tài chính…

Với những đề tài khó, phạm vi rộng, KTNN có thể thực hiện theo hướng đặt hàng, huy động chuyên gia để tham gia nghiên cứu và cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để đảm bảo chất lượng. Khi đăng ký nghiên cứu, chủ trì đề tài phải thuyết minh được tổng quan nghiên cứu, xác định khoảng trống nghiên cứu, từ đó đưa ra ý tưởng, đề xuất mới, thể hiện giá trị khoa học, thực tiễn, ứng dụng của đề tài.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Hội đồng khoa học KTNN

Đồng quan điểm trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Cốt lõi của nghiên cứu khoa học là phải tìm ra những vấn đề mới, đồng thời đảm bảo tính ứng dụng cho hoạt động của KTNN. Do đó, việc lựa chọn, xét duyệt chủ đề, nội dung nghiên cứu và ban chủ nhiệm đề tài cần chặt chẽ, có định hướng ngay từ đầu.

Đặc biệt, các đề tài cấp Bộ phải được nghiên cứu trên phạm vi rộng, toàn Ngành; nội dung nghiên cứu bám sát hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong thời gian tới như: Sửa đổi Luật KTNN, kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, tăng cường phối hợp giữa KTNN với HĐND các tỉnh, KTNN tham gia đoàn giám sát của Quốc hội…

Liên quan đến các quy định, quy chế, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng yêu cầu, Thường trực Hội đồng khoa học KTNN cần xây dựng quy định cụ thể về tiêu chí sản phẩm trước khi đưa ra hội đồng nghiệm thu, trong đó có thể quy định thêm về việc ban đề tài cấp Bộ phải có từ 2 bài báo trở lên đăng trên các tạp chí khoa học uy tín (0,5 - 1 điểm). Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở, cần tăng thêm số lượng các đề tài và khuyến khích các đơn vị trong Ngành đăng ký nội dung, tìm kiếm các vấn đề mới từ thực tiễn hoạt động kiểm toán.
 
Năm 2023, lần đầu tiên KTNN đã triển khai tổ chức Diễn đàn khoa học: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước với quy mô lớn, thu hút khoảng 700 đại biểu tham dự, bao gồm các đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.
Diễn đàn gồm 01 phiên toàn thể và 03 hội thảo chuyên đề: Quản lý đất đai và xác định giá đất; Đầu tư công; Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Qua đó, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc kết qủa đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và rút ra bài học kinh nghiệm qua thực tiễn và các thách thức, cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
 
 
 Bài và ảnh: Nguyễn Ly

Xem thêm »