Ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước

10/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc vừa ký, ban hành Quyết định số 1662/QĐ-KTNN ngày 3.11.2017 về “Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước”.

Theo đó, Quy chế này gồm 4 Chương, 35 Điều quy định trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, lập chương trình xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, ký ban hành đối với: Quy định trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, lập chương trình xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, ký ban hành đối với; Văn bản quản lý do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, gồm: Quyết định ban hành quy chế, quy định, hướng dẫn, đề cương kiểm toán. 

Không áp dụng Quy chế này đối với những văn bản cá biệt do KTNN ban hành; văn bản quy phạm pháp luật do Kiểm toán nhà nước chủ trì soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đối tượng áp dụng là các đơn vị trực thuộc KTNN, tổ soạn thảo, thành viên tổ soạn thảo và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (văn bản) của KTNN.

Về nguyên tắc soạn thảo, ban hành văn bản, Quy chế nêu rõ: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản; bảo đảm tính khả thi và hợp lý của các quy định trong văn bản; tuân thủ về thể thức, thẩm quyền ban hành văn bản; tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản được quy định tại Quy chế này và các văn bản pháp luật khác có liên quan; quán triệt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản và minh bạch trong quy định của văn bản; bảo đảm tính tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; việc xây dựng văn bản phải căn cứ theo yêu cầu của công tác quản lý Ngành, kết quả công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản và kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo, Tổ soạn thảo và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức có liên quan trong quá trình soạn thảo văn bản; ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin trong xây dựng, ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản.

Theo Quy chế, việc lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN cần thực hiện theo các bước: Lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; Trình ký, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của KTNN bao gồm: Danh mục các văn bản được xây dựng, ban hành; Sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của mỗi văn bản; Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp soạn thảo đối với mỗi văn; Thời gian trình ban hành đối với từng văn bản. Đồng thời dựa trên các căn cứ: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; Chương trình xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ hằng năm; Nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của KTNN; Kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật của KTNN và các tổ chức, cá nhân liên quan. 

Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của Vụ Pháp chế, các đơn vị trực thuộc KTNN và trình tự, thủ tục trong việc việc lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN và trong việc lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quản lý. 

Cũng theo Quy chế, kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của KTNN do ngân sách nhà nước bảo đảm được cân đối trong kinh phí chi thường xuyên của KTNN và kinh phí hỗ trợ xây dựng pháp luật hằng năm từ ngân sách nhà nước; Kinh phí hỗ trợ của các dự án, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để bổ sung vào kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm lập dự toán kinh phí xây dựng văn bản gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, gửi Văn phòng KTNN trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.

Ngoài kinh phí thực hiện theo quy định, Văn phòng KTNN có trách nhiệm cân đối, bảo đảm hỗ trợ nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN từ nguồn kinh phí tăng cường năng lực trong hoạt động KTNN.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có thành tích trong đề xuất, lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản của KTNN được khen thưởng theo quy định của pháp luật./.

Thanh Trang

 

Xem thêm »