Hoàn thiện các quy định về thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán

28/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 28/5, tại Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã diễn ra Hội thảo khoa học về đề tài “Hoàn thiện các quy định về thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán đối với từng đối tượng kiểm toán".

TS. Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chủ nhiệm đề tài: Vấn đề được nghiên cứu sẽ góp phần hoàn thiện quy định và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày khái quát những nội dung chính của đề tài. “Đề tài đã hệ thống hóa các cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng các quy định hiện hành và đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán của KTNN - TS. Nguyễn Quán Hải cho biết.

Trong đó, đề tài đã nêu lên những vấn đề tồn tại, làm căn cứ cho việc nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi để hoàn thiện quy định và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm toán.
 
TS. Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chủ nhiệm đề tài: Vấn đề được nghiên cứu sẽ góp phần hoàn thiện quy định và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Bất cập trong quy định kiểm toán ngân sách Bộ, ngành

Nổi bật, đề tài đã chỉ ra một số bất cập trong quy định của Luật KTNN liên quan đến lĩnh vực kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, như:

Quy định về thời gian kiểm toán trong Luật KTNN còn chưa thuận lợi cho hoạt động kiểm toán. Theo Luật KTNN năm 2015, thời gian kiểm toán tối đa 60 ngày, trường hợp phức tạp được gia hạn thêm 30 ngày. Tuy nhiên, quy định này chưa linh hoạt với các cuộc kiểm toán quy mô lớn, nội dung phức tạp. Thời gian kiểm toán không loại trừ ngày nghỉ, dễ gây áp lực tiến độ, ảnh hưởng chất lượng và tính đầy đủ của kết luận kiểm toán.

Mặt khác, Luật KTNN hiện chưa thống nhất giữa quy định về chức năng (Điều 9) và nội dung hoạt động kiểm toán (khoản 5 Điều 3), gây hiểu nhầm về vai trò của “kết luận” và “kiến nghị”. Ngoài ra, “ý kiến tư vấn” trong báo cáo kiểm toán cũng chưa được xác định rõ tính chất pháp lý. Do đó, cần sửa luật để làm rõ kết luận, kiến nghị là nội dung bắt buộc của hoạt động kiểm toán và quy định cụ thể phạm vi, trách nhiệm thực hiện với từng loại kiến nghị.

Quy định về thời gian kiểm toán quyết toán ngân sách theo Luật KTNN và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) còn chồng chéo. Luật NSNN quy định đơn vị dự toán cấp I gửi báo cáo quyết toán trước ngày 01/10 năm sau, trong khi báo cáo kiểm toán phải gửi Quốc hội muộn nhất sau 14 tháng kể từ khi kết thúc năm ngân sách. Do đó, KTNN chỉ kiểm toán sau khi có Báo cáo quyết toán, khiến thời gian thực hiện ngắn, ảnh hưởng đến khả năng kiểm toán sâu sát và chất lượng báo cáo.

Luật NSNN chưa quy định rõ trách nhiệm trình ý kiến độc lập của KTNN về dự toán và phân bổ ngân sách trung ương, làm hạn chế vai trò tiền kiểm và tính phản biện của KTNN. Sự thiếu thống nhất giữa Luật NSNN, Luật KTNN và Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 tạo khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả kiểm toán.

Hiện nay, Luật NSNN chưa có quy định cụ thể về việc KTNN thực hiện kiểm toán dự toán NSNN, dẫn đến khoảng trống pháp lý trong triển khai hoạt động này. Trong khi đó, kiểm toán dự toán là bước cần thiết nhằm đánh giá tính hợp lý, hiệu quả, sát thực tiễn của việc phân bổ ngân sách ngay từ khâu lập dự toán.

Tuy Luật NSNN yêu cầu quyết toán phản ánh đúng chi trong niên độ, nhưng quy định hiện hành lại cho phép chi chuyển nguồn được quyết toán ở cả hai năm, dẫn đến số liệu bị cộng gộp. Điều này gây sai lệch trong đánh giá mức chi, làm khó cho KTNN khi xác nhận báo cáo kiểm toán và giảm tính minh bạch, độ tin cậy của báo cáo.

Thực tế kiểm toán lĩnh vực ngân sách Bộ, ngành và ngân sách địa phương cho thấy, mặc dù KTNN đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách, nhưng hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định đầy đủ, rõ ràng về chế tài xử lý đối với từng loại vi phạm. Các quy định về hành vi bị cấm trong Luật NSNN còn chung chung, thiếu cụ thể, dẫn đến việc áp dụng xử lý không đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các địa phương và Bộ, ngành.
 
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Chí Trung tham gia góp ý cho đề tài tại hội thảo
Cần có tiêu chí lượng hóa đánh giá kết quả quản lý, sử dụng NSNN

Bên cạnh đó, nhóm đề tài cũng chỉ ra những bất cập trong quy định về Hệ thống hồ sơ mẫu biểu của KTNN như chưa có sự thống nhất trong quy định về trách nhiệm đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Hệ thống hồ sơ mẫu biểu của KTNN cũng chưa cụ thể hóa nội dung và tiêu chí kiểm toán hoạt động trong kiểm toán ngân sách Bộ, ngành nên hạn chế trong đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và kiểm soát lãng phí.

Trong các quy định hiện hành về hướng dẫn kiểm toán và hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán ngân sách Bộ, ngành và của các lĩnh vực kiểm toán khác, KTNN vẫn chưa xây dựng được các tiêu chí và nội dung cụ thể cho kiểm toán hoạt động. Điều này làm hạn chế khả năng đánh giá một cách định lượng và đầy đủ các tiêu chí về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng NSNN, đặc biệt là trong việc phát hiện, xác định rõ các biểu hiện và nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực công.

Hiện nay, các quy trình và hướng dẫn kiểm toán chủ yếu đưa ra các phương pháp tiếp cận kiểm toán cơ bản như: Phương pháp tiếp cận dựa trên thủ tục cơ bản; phương pháp tiếp cận dựa trên bảng cân đối kế toán, các khoản mục thu - chi ngân sách; phương pháp tiếp cận dựa trên hệ thống; phương pháp tiếp cận kiểm toán trên rủi ro.
 
TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trưởng khoa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nêu ý kiến

Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất đánh giá cao quá trình nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu của ban đề tài; đồng thời khẳng định các vấn đề được nghiên cứu có thể mang lại giá trị ứng dụng vào thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán trong từng lĩnh vực kiểm toán.

Phát biểu tiếp thu ý kiến tại hội thảo, TS. Nguyễn Quán Hải ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để hoàn thiện đề tài.

Theo TS. Nguyễn Quán Hải, thông qua quá trình nghiên cứu, trên cơ sở nhận diện những khó khăn, hạn chế xuất phát từ quy định, Ban đề tài đã đề xuất các giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung hướng dẫn chi tiết theo từng lĩnh vực kiểm toán, nâng cao yêu cầu về lập Báo cáo kiểm toán nhằm đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu và có cơ sở pháp lý vững chắc.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đề xuất không chỉ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của KTNN mà còn góp phần cải thiện hiệu quả quản lý tài chính công, tăng cường trách nhiệm giải trình của các đơn vị được kiểm toán và nâng cao vai trò của KTNN trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, theo TS. Hải, "để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN, các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, đơn vị được kiểm toán và các tổ chức liên quan để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tế".

N.LỘC

Xem thêm »