Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo theo Quyết đinh số 39/QĐ-KTNN của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Tổ giúp việc.
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định việc phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 trụ cột cho sự phát triển của KTNN. Bên cạnh đó, hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy đều có đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho sự phát triển theo từng thời kỳ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, Trường ĐT&BDNVKT phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng, có uy tín trong nước và khu vực. Trên cơ sở đó, Trường xác định lộ trình phát triển gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2025-2027; Giai đoạn 2 từ 2028-2030; Giai đoạn 3 từ sau năm 2030.
Các mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển nội dung đào tạo, bồi dưỡng đồng bộ và có tính hệ thống, đảm bảo cung cấp kiến thức về đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và kỹ năng thực hành chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán đáp ứng yêu cầu của Ngành trong từng thời kỳ phát triển; áp dụng phương thức quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hiện đại, kết hợp tổ chức giảng dạy tập trung và trực tuyến, gắn lý luận với thực tiễn thông qua mô hình trải nghiệm thực tế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực đào tạo.
Bồi dưỡng, tư vấn hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công có chất lượng cao, với phương châm góp phần hướng đến xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, hiệu quả và xây dựng hình ảnh, thương hiệu của KTNN, của Trường ngày càng uy tín, chuyên nghiệp.
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng, các sự kiện khoa học (tọa đàm, hội thảo…) cho các tổ chức kiểm toán quốc tế, cơ quan kiểm toán của các quốc gia; nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn ở tầm vĩ mô nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác quản trị - hành chính; xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đào tạo E-Learning hiệu quả.
Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức Tạp chí nghiên cứu khoa học kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng thông tin, góp phần định hướng dư luận về những vấn đề đang được quan tâm; duy trì và phát triển Tạp chí điện tử có chất lượng, hoạt động theo tôn chỉ mục tiêu quy định; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng điểm khoa học của Tạp chí từ 0,5 điểm lên 0,75 điểm.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh, công nghệ là đột phát để phát triển Trường
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo Đề án đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Hoàn thiện tổ chức bộ máy; phát triển nội dung đào tạo, bồi dưỡng đồng bộ và có tính hệ thống; xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo vị trí việc làm; phát triển đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo phương pháp giảng dạy hiện đại, có khả năng nghiên cứu phát triển các chương trình bồi dưỡng mới; kiện toàn và đổi mới hoạt động của Hội đồng khoa học KTNN; hoàn thiện cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động của Trường; đảm bảo nguồn tài chính cho mọi hoạt động của Trường, từng bước nâng cao mức độ tự chủ tài chính, nâng cao nguồn thu sự nghiệp nhằm cải thiện đời sống của người lao động…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng ghi nhận những nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc nghiên cứu các quy định hiện hành, khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình đào tạo trong nước và quốc tế, xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án theo hướng làm rõ từng nội dung; học tập mô hình đào tạo của các cơ quan kiểm toán trên thế giới, chẳng hạn như Hàn Quốc (BAI) về cách thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo… Trên cơ sở đó, Trường ĐT&BDNVKT đối chiếu với thực tiễn hiện nay, đề xuất các giải pháp, hành động cụ thể.
Đối với đào tạo, Trường cần lựa chọn một mô hình cụ thể, phân loại các nhóm đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, trên cơ sở đó mời chuyên gia trong và ngoài Ngành tham gia đào tạo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Việc cập nhật kiến thức, quy định pháp luật cần được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo kiểm toán viên được đào tạo, tham gia các kỳ đánh giá chuyên môn đầy đủ.
Ứng dụng công nghệ cần được lưu ý theo hướng số hóa quản lý đào tạo; đặt hàng Cục Công nghệ thông tin xây dựng hệ thống phần mềm; khai thác, sử dụng dữ liệu lớn để xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức học online, cấp chứng chỉ online. Công nghệ cần được nhấn mạnh là đột phát để phát triển Trường.
Giám đốc Trường Trần Kim Lộc - Phó Trưởng ban thường trực ghi nhận các ý kiến đề xuất tại cuộc họp.
Về công tác nghiên cứu khoa học, Trường cần đánh giá thực trạng hiện nay, nghiên cứu định hướng mở rộng các nhà khoa học ngoài Ngành để mở rộng phạm vi, nội dung, chất lượng nghiên cứu. Với Tạp chí nghiên cứu khoa học kiểm toán, Đề án cần làm rõ mục tiêu nâng từ 0,5 điểm lên 0,75 điểm; có định hướng về việc mời chuyên gia tham gia viết bài, nghiên cứu, từ đó đưa Tạp chí trở thành diễn đàn quy tụ các nhà khoa học, tạo cơ sở cho việc Trường tổ chức thường niên các hội thảo, diễn đàn khoa học uy tín, chuyên nghiệp.
Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng Đề án là phải khả thi, đúng và trúng, giúp Trường có cơ sở, khuôn khổ pháp lý, cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ, quyết tâm của Lãnh đạo KTNN sẽ thực hiện được, phấn đấu xây dựng Trường theo mô hình mới, kiểu mẫu - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tin và ảnh: Nguyễn Ly