Dự kiến ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (sửa đổi) vào tháng 6/2024

21/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Đến nay, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) lần 1 gần như đã được hoàn thiện. Tổ soạn thảo đang tiếp tục rà soát, thực hiện các bước tiếp theo để kịp trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trong tháng 6/2024 - chào mừng 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024).

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn – Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN phát biểu tại cuộc họp đầu tiên (ngày 19/5/2023) của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Minh Thúy

Những sửa đổi, bổ sung chủ yếu so với Hệ thống CMKTNN cũ

Ngày 03/4/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký quyết định số 346/QĐ-KTNN thành lập Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN và quyết định số 347/QĐ-KTNN thành lập Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN.

Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN gồm 14 thành viên, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo là Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Phó trưởng Ban là GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Hệ thống CMKTNN năm 2016, 10 thành viên là lãnh đạo cấp Vụ của KTNN vừa am hiểu lý thuyết kiểm toán, vừa tinh thông nghiệp vụ kiểm toán, một số người đã tham gia Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Hệ thống CMKTNN năm 2016 và 01 thư ký Ban Chỉ đạo.

Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN gồm 35 thành viên với Tổ trưởng Tổ soạn thảo là ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, và chia thành 04 Nhóm. Tổ soạn thảo cũng thành lập Thường trực Tổ soạn thảo để giúp việc cho Ban Chỉ đạo đồng thời tổ chức và điều hành Tổ soạn thảo.

Bà Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, thành viên Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN, Thường trực Tổ soạn thảo - cho biết, sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã họp phiên đầu tiên vào tháng 5/2023.

Ngày 30/5/2023, Ban Chỉ đạo đã có Thông báo kết luận số 58/TB-BCĐ với một số định hướng sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN; trong đó xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung là: Trên cơ sở Hệ thống CMKTNN năm 2016, cập nhật với Hệ thống chuẩn mực (ISSAI) sửa đổi, bổ sung của INTOSAI (Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao); tuân thủ Luật KTNN và luật pháp của Việt Nam có liên quan; phù hợp với thể chế, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện, môi trường hoạt động và trình độ phát triển của KTNN, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Về thời gian, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung toàn nhân lực hoàn thành Hệ thống CMKTNN vào Quý II/2024 để chào mừng ngày thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024).

Từ tháng 5 đến tháng 7/2023, các Nhóm thuộc Tổ soạn thảo đã hoàn tất việc rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các CMKTNN gửi về Thường trực Tổ soạn thảo trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo; đồng thời chủ động xây dựng dự thảo các CMKTNN sửa đổi, bổ sung từ tháng 8 đến tháng 10/2023. Trong tháng 11/2023, Thường trực Tổ soạn thảo đã tổ chức các cuộc họp lần 1 để rà soát và cho ý kiến đối với dự thảo từng CMKTNN và trong tháng 1/2024 đã tiếp tục họp rà soát lần 2. Các cuộc họp với sự chủ trì của Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên và đại diện Thường trực Tổ soạn thảo, thành viên của các Nhóm thuộc Tổ soạn thảo.
 
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên – Phó trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN chủ trì cuộc họp cho ý kiến đối với kết quả rà soát sửa đổi, bổ sung các CMKTNN ngày 23/1/2024. Ảnh: Thùy Anh

Các cuộc họp lần 2 chủ yếu tập trung cho ý kiến đối với một số CMKTNN xây dựng mới cho phù hợp với Hệ thống chuẩn mực của INTOSAI (03 CMKTNN); một số CMKTNN ghép thêm nội dung của các ISSAI hoặc tách thành chuẩn mực riêng cho phù hợp (03 CMKTNN); một số CMKTNN có thay đổi nhiều về kết cấu (04 CMKTNN). Kết quả cho thấy khối lượng công việc rà soát và soạn thảo là rất lớn. Cụ thể:

Tổ soạn thảo xây dựng và biên soạn một số CMKTNN mới so với Hệ thống CMKTNN cũ như: CMKTNN 150 - Năng lực của Kiểm toán viên nhà nước; CMKTNN 2701 - Trình bày các vấn đề kiểm toán quan trọng trong báo cáo kiểm toán; CMKTNN 2810 - Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính tóm tắt, chủ yếu do INTOSAI mới ban hành các chuẩn mực này. Việc xây dựng, bổ sung các CMKTNN mới đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung cho phù hợp với pháp luật, cơ chế quản lý của Việt Nam và thực tiễn hoạt động của KTNN nên cũng mất nhiều thời gian rà soát và biên tập.

Tổ soạn thảo ghép thêm một số nội dung của các ISSAI vào các CMKTNN cho đầy đủ và phù hợp với chuẩn mực của INTOSAI như: CMKTNN 2260 - Trao đổi các vấn đề với đơn vị được kiểm toán trong kiểm toán tài chính được biên tập lại trên cơ sở ghép thêm một số nội dung của ISSAI 2265 - Trao đổi các khiếm khuyết về kiểm soát nội bộ với đơn vị được kiểm toán và CMKTNN 2500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính được xây dựng trên cơ sở ghép thêm một số nội dung của ISSAI 2501 - Bằng chứng kiểm toán đối với các khoản mục và sự kiện đặc biệt.

Bên cạnh đó, Tổ soạn thảo cũng tách CMKTNN 1710 - Thông tin so sánh - Dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh, trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước liên quan đến các thông tin khác trong kiểm toán tài chính trong Hệ thống CMKTNN cũ thành 02 CMKTNN cho phù hợp với INTOSAI: CMKTNN 2710 - Thông tin so sánh - Dữ liệu tương tứng và báo cáo tài chính so sánh và CMKTNN 2720 - Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến các thông tin khác về báo cáo tài chính. Trong đó, CMKTNN 2720 cũng gần như phải xây dựng một CMKTNN mới do ISSAI 2720 của INTOSAI cũng đã sửa rất nhiều so với ISSAI cũ.

Một số CMKTNN có sửa đổi rất nhiều về kết cấu và nội dung như CMKTNN 2315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và CMKTNN 2540 - Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán tài chính do các chuẩn mực này được INTOSAI thay đổi rất nhiều. Vì các CMKTNN này có nhiều thay đổi về kết cấu và nội dung, nên việc biên soạn tương đương với việc xây dựng mới, đòi hỏi phải nghiên cứu, tham khảo và kế thừa những nội dung còn phù hợp của CMKTNN cũ và biên tập các nội dung mới cho phù hợp. Đặc biệt là các quy định mới trong ISSAI 2315 của INTOSAI còn ảnh hưởng đến rất nhiều chuẩn mực khác nên nhiều CMKTNN trong Hệ thống CMKTNN phải sửa đổi theo.

Đối với CMKTNN 2600 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp từ nhiều báo cáo tài chính đơn lẻ, mặc dù về ISSAI này INTOSAI không thay đổi nhiều song thực tiễn từ hoạt động kiểm toán của KTNN lại cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bao quát cả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
Quang cảnh cuộc họp Nhóm soạn thảo ngày ngày 23/1/2024. Ảnh: Thùy Anh

Sẽ ban hành Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung trong tháng 6/2024

Đến nay, Dự thảo lần 1 gần như đã hoàn thiện, trình Ban Chỉ đạo họp cho ý kiến đối với dự thảo Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung dự kiến trong tháng 2.

Dự kiến trong tháng 3/2024, Thường trực Tổ soạn thảo tổng hợp toàn bộ các CMKTNN thuộc Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung để đăng trên Cổng thông tin của KTNN lấy ý kiến góp ý trong và ngoài ngành (thời gian đăng website lấy ý kiến theo quy định là 60 ngày).

Trong tháng 4 và tháng 5/2024, Thường trực Tổ soạn thảo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến lần 1 đối với Dự thảo Hệ thống CMKTNN sau đó báo cáo kết quả sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN trước Ban Cán sự Đảng KTNN, Ban Chỉ đạo.

Dự kiến cuối tháng 5/2024 sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến lần 2 với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo, đại diện các đơn vị trực thuộc và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Đại diện Học viện Tài chính, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Đại diện Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, đại diện các cơ quan kiểm toán độc lập lớn Big 4…

Tổ soạn thảo hoàn thiện Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trong tháng 6/2024./.

THÙY ANH

Xem thêm »