Chính phủ cần các quyết sách thiết thực để bảo đảm an sinh xã hội

02/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 31/5/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023.

Chỉ rõ những kết quả, thách thức của nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 6,5% là đầy thách thức. Theo đó, Chính phủ cần tập trung các giải pháp, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển và có những quyết sách thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố tăng trưởng âm, số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao

Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) thống nhất với báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2023 do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và NSNN những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm; đặc biệt số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực đáng báo động.
 
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đã đề ra, đồng thời nêu những khó khăn và yếu tố bất lợi đã xuất hiện trong những tháng đầu năm 2023, tác động đến mục tiêu tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp. “Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động tăng 25,1% so với năm trước, tương ứng với hơn 77 nghìn doanh nghiệp. Trung bình một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhiều công ty rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thậm chí phải bán tài sản để giải quyết công việc. Số lao động mất việc làm trong quý I/2023 là 149 nghìn lao động (tăng 39 nghìn lao động so với quý I/2022. Những khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội” - đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

Đại biểu Ma Thị Thúy đồng tình với Chính phủ về việc không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là 6,5% trong năm 2023, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời, bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. 
Theo đại biểu, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp là giảm lãi suất ngân hàng; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng…

Để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.

Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.
 
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh)


Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá cao giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ... 

Theo đại biểu, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ với các gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân; 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 đang giải ngân rất thấp, mới được gần 1% và gói 15.000 tỷ đồng mới giải ngân được trên 34%. Hiện Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.

Đại biểu đặt vấn đề, 2 gói tín dụng trước chưa hấp thụ hết, liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang được sửa đổi và quy hoạch chưa phê duyệt xong? 

Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Quan tâm đến vấn đề lao động, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các Hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Theo đại biểu, điều này Chính phủ đã lường trước, đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể, tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế - xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Đại biểu kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay.
 
Cần linh hoạt trong sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tháo gỡ các thủ tục hành chính

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế đề đạt được các mục tiêu trong năm 2023.

Đại biểu cho rằng, đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường.

Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Đồng thời cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, cần một cái giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém. Cần có chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng và có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác có hiệu quả và lâu dài. 

Với việc sử dụng nguồn thu từ đất, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng cần tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, kiên quyết không cho chuyển nguồn khi chưa làm rõ nguyên nhân và không chỉ nguồn trái quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng chuyển nguồn vốn qua các năm khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và điều hành kinh tế vĩ mô.

Đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là lãng phí tài sản của các dự án để chậm thi hành án, chậm thực hiện các kết luận thanh tra; các giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, vướng mắc về vấn đề xăng, dầu, điện…
 
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Liên quan đến việc sử dụng quỹ tồn dư của Nhà nước đang gửi hệ thống ngân hàng, hiện nay còn trên 1 triệu tỉ đồng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng nguồn này có thể linh hoạt để bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động và người mất việc làm hoặc xây dựng ngay những khu nhà ở, cho thuê nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động để kích cầu hơn thay vì chúng ta thực hiện các giải pháp hiện nay, bổ sung các thể kích cầu nền kinh tế. 

Theo đại biểu, cần linh hoạt nguồn vốn này, nhưng linh hoạt trong sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, tháo gỡ các thủ tục hành chính để đưa tiền vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho nền kinh tế. Hơn nữa, với những công trình phân kỳ đầu tư cần nguồn vốn này mà không có thì sẽ gây nên hệ lụy lãng phí khác. 

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Do đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu chính sách tài khóa có phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là việc giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế hay không? Cụ thể hơn, việc ấn định mức giá chào thầu và dự kiến khối lượng tiền chào thầu có xem xét đến các mục tiêu về thanh khoản của hệ thống ngân hàng như mặt bằng giá vốn trên thị trường tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi không? Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị các thành viên Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng để gỡ khó cho nền kinh tế.

 Sẽ có những chính sách mạnh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
 
Giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, những chính sách mạnh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động.

Về kết quả tăng trưởng những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, mặc dù chưa đạt được kết quả như Quốc hội đã giao, nhưng tăng trưởng của quý I/2023 đạt 3,32% là kết quả tích cực so với các nước hiện nay trên thế giới tăng trưởng rất thấp hoặc có tăng trưởng âm. “Quan trọng hơn cả là vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo, nhất là thị trường dịch vụ và du lịch phục hồi rất mạnh, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được quan tâm và giữ vững’ - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng


Theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng cơ bản nhận diện được những khó khăn, thách thức trong những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng các cơ hội mới để phát triển đạt được mục tiêu cao nhất của năm 2003 mà Quốc hội đã giao.

Đề cập đến tình hình khó khăn của doanh nghiệp và lao động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay có 3 vấn đề, thứ nhất là thị trường, thứ hai là dòng tiền và thứ ba là thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường cũng còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. “Đây là những vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường… Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, những chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động để giúp hỗ trợ cho nền kinh tế”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đến nay tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các Bộ, ngành và địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, đến lập dự án, đến chuẩn bị dự án cho đến giải ngân đầu tư công, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án, triển khai, tổ chức thi công… Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các cơ quan Trung ương chỉ làm công tác tổng hợp và rà soát, đúng thì báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để phân giao và phân giao một cục về cho địa phương, trên cơ sở kế hoạch trung hạn 5 năm thì địa phương phân chi tiết cho từng dự án, các bộ trên trung ương không còn làm những việc đó nữa. “Có một vấn đề, tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, Bộ kia thì triển khai tốt, tỷ lệ cao, mà địa phương khác, ngành khác tỷ lệ lại thấp, đó chính là vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, đề nghị các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm và giám sát ngay địa phương mình, ngành mình để cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, để góp phần phát triển kinh tế”- Bộ trưởng nói.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc


Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn giảm thuế, theo đó đã có nhiều có nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%... Bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu, đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc, thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế. 

Về việc sử dụng số tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia... Như vậy đây là nguồn đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, NSNN vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Hà Linh
 
 

Xem thêm »