Kiểm toán nhà nước ban hành Kế hoạch hội nhập và hợp tác quốc tế đến năm 2030

15/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Mới đây, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định số 26/QĐ-KTNN, ban hành Kế hoạch hội nhập và hợp tác quốc tế của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 (Kế hoạch).

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm tối đa lợi ích cho KTNN thông qua khai thác kiến thức, kinh nghiệm từ các Tổ chức Kiểm toán quốc tế, các Cơ quan Kiểm toán các nước có thế mạnh về các lĩnh vực KTNN quan tâm, ưu tiên phát triển trong từng giai đoạn, phục vụ cho việc triển khai và phát triển các trụ cột: Pháp lý, Nguồn nhân lực và Công nghệ, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Đồng thời nâng cao hình ảnh trong nước và quốc tế, từng bước xác lập vị thế, sự ảnh hưởng của KTNN trong cộng đồng các Cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực và quốc tế, từ “quan sát, tham gia” từng bước chuyển sang “chủ trì, điều hành và ra quyết định”.

Nâng cao năng lực cho KTNN thông qua triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nước ngoài tạo được sự tin tưởng của các đối tác phát triển; xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để thu hút, kêu gọi hợp tác, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tăng cường năng lực cho KTNN.

Kế hoạch nêu rõ:

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, KTNN Việt Nam sẽ duy trì và tối ưu hóa lợi ích các mối quan hệ hợp tác song phương hiện có, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác song phương mới.

Đẩy mạnh triển khai, rà soát đánh giá việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế và hướng tới ký kết các thỏa thuận hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực cho các lĩnh vực ưu tiên của KTNN.

Tối đa hóa lợi ích thông qua việc thực hiện các cuộc kiểm toán phối hợp (kiểm toán chung hoặc song song) với các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI), khai thác kiến thức, kinh nghiệm từ việc cử nhân sự tham gia hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên môn với các SAI/các tổ chức quốc tế.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, KTNN Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI); Củng cố và từng bước nâng cao vị thế của KTNN trong Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI); Khẳng định vai trò dẫn dắt trong Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI và vai trò Chủ tịch ASEANSAI nhiệm kỳ 2028-2030, đăng cai và chủ trì một số hoạt động thuộc các Ủy ban khác của ASEANSAI.

Bên cạnh đó, KTNN Việt Nam chủ động góp ý kiến, khởi tạo diễn đàn chuyên môn đa phương nhằm tiếp thu và cập nhật liên tục có hệ thống, kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán tối cao khu vực và thế giới; thúc đẩy việc xây dựng, tái cơ cấu các nhóm chuyên môn mà KTNN Việt Nam là thành viên.

Trong quản trị hội nhập và hợp tác quốc tế, hợp tác với các đối tác phát triển, KTNN xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về hợp tác quốc tế và Nhóm công tác của KTNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong hội nhập và hợp tác quốc tế.

Xây dựng và hoạch định kế hoạch hội nhập và hợp tác quốc tế bám sát và phục vụ các mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên của KTNN trong từng năm, từng giai đoạn.

Từng bước xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên có khả năng hội nhập sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế, đảm nhận và hoàn thành vai trò thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI giai đoạn 2024-2027 (trong trường hợp KTNN ứng cử thành công), Chủ tịch ASEANSAI nhiệm kỳ 2028-2030 và sẵn sàng đảm nhận vai trò Tổng Thư ký ASOSAI sau năm 2027.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế đối với KTNN; chú trọng công tác nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về hoạt động kiểm toán trong toàn Ngành.

Tăng cường công tác vận động, nâng cao hiểu biết giữa KTNN Việt Nam với cộng đồng các đối tác phát triển; Đẩy mạnh hoạt động kiểm toán các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam, trở thành Cơ quan Kiểm toán tin cậy của các đối tác phát triển…

Phục vụ các trụ cột phát triển của KTNN là Pháp lý, Nguồn nhân lực và Công nghệ, KTNN xây dựng Kế hoạch đối ngoại hàng năm trên cơ sở để nghị của các đơn vị trực thuộc nhằm phục vụ tốt và sát thực với các mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên của KTNN.

Tìm tài liệu, kinh nghiệm, các thông lệ tốt từ các SAI có thế mạnh, các tổ chức quốc tế… để cung cấp, chuyển giao theo yêu cầu, đề xuất của các đơn vị thuộc KTNN. Đồng thời lồng ghép nội dung cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài phục vụ các trụ cột phát triển vào hoạt động đoàn ra theo kế hoạch thường niên hoặc tổ chức đoàn riêng theo đề án của đơn vị thuộc KTNN đề xuất.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn ra tọa đàm hội thảo chung với đối tác ở nước ngoài; mời chuyên gia nước ngoài từ các SAI có kinh nghiệm về các lĩnh vực mà KTNN quan tâm tìm hiểu, giúp bổ sung, phát triển và hoàn thiện các trụ cột phát triển… thông qua các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn…/.

M. Thúy
 

Xem thêm »