Giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu của Kiểm toán nhà nước trên nền tảng dữ liệu lớn trong quá trình chuyển đổi số

05/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 05/01/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu của Kiểm toán nhà nước trên nền tảng dữ liệu lớn trong quá trình chuyển đổi số” do Th.s Phạm Thị Thu Hà và Th.s Vũ Dương Phúc đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Ban đề tài

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban Đề tài cho biết, trong cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0, dữ liệu số được xem là một trong nền tảng để phát triển công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số đối với một cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số đang là bài toán lớn đặt ra đối với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước như: Xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành; hệ thống định danh và xác thực điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước; quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, dữ liệu mở…

Đối với KTNN, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu cần phải đồng bộ, phù hợp với các cơ quan Nhà nước, các đối tượng là đơn vị được kiểm toán và cốt lõi phải đáp ứng và tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới thực hiện kiểm toán số. Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030 đã xác định xây dựng hạ tầng dữ liệu là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cốt lõi trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của KTNN trong giai đoạn 2019-2025.

Xây dựng thành công hạ tầng dữ liệu của KTNN trên nền tảng dữ liệu lớn sẽ góp phần quan trọng, là yếu tố quyết định thực hiện thành công Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đáp ứng yêu cầu phát triển KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu của KTNN trên nền tảng dữ liệu lớn là một lĩnh vực mới và khó, với hai đặc điểm chính: Dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán phức tạp, đa dạng và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là dữ liệu bên ngoài (không do KTNN tạo ra) nên phụ thuộc vào các đơn vị được kiểm toán; Công nghệ mới, phức tạp, thay đổi liên tục, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và cập nhật thường xuyên. Vì vậy, việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, điều kiện và lộ trình để KTNN xây dựng hạ tầng dữ liệu trên nền tảng dữ liệu lớn nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm toán trong môi trường số là hết sức cần thiết.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 – Cơ sở lí luận về hạ tầng dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số; Chương 2 – Thực trạng chuyển đổi số và hạ tầng dữ liệu ở Việt Nam và KTNN; Chương 3 – Giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu của KTNN trên nền tảng dữ liệu lớn.
 
Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để Ban Đề tài chỉnh sửa, hoàn thiện nâng cao chất lượng đề tài. Đa số các thành viên Hội đồng đều cho rằng: Đề tài “Giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu của Kiểm toán nhà nước trên nền tảng dữ liệu lớn trong quá trình chuyển đổi số” là đề tài khó, Ban đề tài đã có nhiều cố gắng trong phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp quan trọng, thiết thực và có ý nghĩa thực tiễn.

Theo TS. Lê Đình Thăng, Ban Đề tài cần bổ sung thêm “Tác động của công nghệ đến các hoạt động của Kiểm toán nhà nước” tại mục 1.1.3 (Tác động của công nghệ đến Việt Nam); tại Chương II - Nội dung phân tích về “Thực trạng xây dựng hạ tầng dữ liệu của KTNN” tương đối ngắn (06/30 trang của Chương II), đề nghị phân tích cụ thể hơn các nội dung liên quan đến thực trạng như: Tồn tại, vướng mắc dẫn tới cần tổ chức, quản lý theo nhóm dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán và cần có các dẫn chứng cụ thể.

TS. Lê Hoài Nam cho rằng: Ban Đề tài nên biên tập phần ‘Mục tiêu nghiên cứu” sao cho ngắn gọn, mang tính tổng hợp, hướng tới các vấn đề trọng tâm đặt ra của đề tài, tránh dàn trải; biên tập tách rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu, trong đó đặc biệt xác định đối tượng nghiên cứu của đề tài để có cách tiếp cận nghiên cứu trực tiếp và hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu, đề tài có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn trong quá trình phát triển của KTNN. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học quan trọng khi xem xét, nghiên cứu xây dựng hạ tầng dữ liệu của KTNN, là tài liệu hữu ích trong việc nghiên cứu, chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số, giúp KTNN thích ứng với sự thay đổi hiện tại và trong tương lai. Các giải pháp, đề xuất, kiến nghị được nêu trong đề tài cơ bản là phù hợp, có tính khả thi khi nghiên cứu, áp dụng trong thực tế.

Tuy nhiên, để đề tài hoàn thiện hơn, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng. Cụ thể, tại Chương I: Cắt giảm những nội dung về hạ tầng dữ liệu chung để tập trung vào hạ tầng dữ liệu của KTNN, hạ tầng dữ liệu KTNN trong chuyển đổi số; tại Chương II: Làm rõ thực trạng hạ tầng dữ liệu KTNN; Làm rõ dữ liệu của các SAI; Khái niệm của INTOSAI về hạ tầng dữ liệu, từ đó rút ra bài học cho KTNN Việt Nam.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất và thông qua./.
 
Thanh Trang

Xem thêm »