Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo

04/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 03/10/2022, tại Hà Nội, Báo Kiểm toán đã tổ chức Tọa đàm về “Đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở trong cơ quan báo chí” và ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo.

Nhà báo, Tiến sỹ Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh thủ đô trao đổi tại Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Chu Quốc Dũng; ông Phan Hoàng Nhật - Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị truyền thông, báo chí thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên KTNN.

Về phía Báo Kiểm toán có Tổng biên tập Nguyễn Lương Thuyết, Phó Tổng biên tập Mai Hải Đường cùng toàn thể cán bộ viên chức, người lao động Báo Kiểm toán.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng biên tập Nguyễn Lương Thuyết cho biết: Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân phát động với 12 tiêu chí cụ thể dành cho cơ quan báo chí và người làm báo, Báo Kiểm toán tổ chức Tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở trong cơ quan báo chí” để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao đạo đức người làm báo và xây dựng văn hóa công sở trong cơ quan Báo Kiểm toán.    
 

Tổng Biên tập Báo Kiểm toán Nguyễn Lương Thuyết phát biểu tại Tọa đàm

Theo Tổng Biên tập Nguyễn Lương Thuyết, Kiểm toán là một nghề nghiệp mang tính chuyên môn sâu và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử. Đối với KTNN, kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp càng có ý nghĩa quyết định uy tín, tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, chính vì vậy, KTNN đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp  (Chuẩn mực KTNN số 30)….Với Báo Kiểm toán việc vừa thực hiện các quy định, nội quy, chuẩn mực đạo đức của KTNN, còn cần thực hiện trách nhiệm của người làm báo bằng việc nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí và các Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. “Thông qua nội dung Tọa đàm và việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Kiểm toán sẽ nhận diện rõ nét những vấn đề đặt ra đối với đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở trong cơ quan báo chí hiện nay để thực hiện tốt hơn vấn đề này trong bối cảnh hiện nay.” - Tổng biên tập Nguyễn Lương Thuyết nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, Nhà báo, Tiến sỹ Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh thủ đô đã có bài tham luận với chủ đề: Đạo đức, văn hóa của nhà báo khi hành nghề và tham gia môi trường mạng xã hội.

Nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp là vấn đề bức thiết đặt ra đối với mỗi người làm báo nói riêng cũng như đối với các cơ quan báo chí nói chung, yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được Hội Nhà báo Việt Nam quy định trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Đi sâu làm rõ những nội hàm của 10 Điều được quy định, Nhà báo Chu Quốc Dũng cho rằng, Người làm báo Việt Nam cần trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhà báo cần nghiêm chỉnh thực hiện Luật Báo chí và các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả. Đồng thời thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Cùng với đó, Nhà báo cần hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Trong quá trình thông tin, tuyên truyền, người làm báo không được làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; tôn trọng quyền con người; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân...

Đặc biệt, Nhà báo cần nâng cao chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Theo đó, khi tham gia mạng xã hội, Nhà báo cần sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước. Đồng thời, việc đăng tải các ý kiến bình luận, nhận xét cần thể hiện đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm...

Khi tham gia mạng xã hội, Nhà báo không được đăng tải các bài viết, hình ảnh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác.
Bên cạnh đó, Nhà báo cũng không được bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... có yếu tố phức tạp, nhạy cảm.

Ngoài ra, Nhà báo cũng không được thông tin về những vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc.

Gắn với mỗi nội dung được chia sẻ, Nhà báo Chu Quốc Dũng đã có nhiều ví dụ minh họa về những câu chuyện cụ thể mà các cơ quan báo chí, các Nhà báo đã thực hiện tốt và chưa tốt 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời gian qua. Nhiều tình huống gắn với việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở trong cơ quan báo chí cũng được Nhà báo Chu Quốc Dũng, đại biểu khách mời và các phóng viên, biên tập viên Báo Kiểm toán đưa ra để bàn thảo, trao đổi, tạo ra cái nhìn đa chiều và khẳng định được tầm quan trọng của việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp nói chung, đạo đức nghề nghiệp người làm báo nói riêng cũng như việc thực hiện văn hóa công sở trong cơ quan báo chí trong thời gian qua.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến trao đổi, chia sẻ tại Tọa đàm, Tổng biên tập Nguyễn Lương Thuyết nhấn mạnh, 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam không phải là nội dung mới nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đặt ra yêu cầu mỗi cơ quan báo chí, người làm báo Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, suy ngẫm và tuân thủ.

Đối với Báo Kiểm toán, qua 10 năm xây dựng và phát triển, với vai trò, vị trí là cơ quan ngôn luận của KTNN, đã luôn tuân thủ tôn chỉ mục đích; kiên trì bám sát định hướng tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo về công tác thông tin - tuyên truyền của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN đối với hoạt động KTNN và các lĩnh vực liên quan. Do đó, các phóng viên, biên tập viên Báo Kiểm toán cần tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thường xuyên để thực hiện nghiêm những quy định đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, qua đó nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp hoạt động báo chí.

Theo Tổng Biên tập Nguyễn Lương Thuyết, mỗi phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Kiểm toán, hơn hết và trước nhất cần thực hiện nghiêm túc đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở của KTNN thông qua việc hiểu đúng, tuân thủ các chuẩn mực, quy định. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và vận dụng linh hoạt, có trách nhiệm những quy định chung và quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo tại cơ quan đơn vị.
 
Đại diện các phòng thuộc Báo Kiểm toán ký kết giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo"

Trong khuôn khổ Tọa đàm, Chi hội Báo Kiểm toán đã tổ chức Lễ ký kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo” nhằm thực hiện Kế hoạch số 154-KH/BTGTW ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức phong trào thi đua “Xây dựng dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Theo đó, Phó Tổng biên tập Mai Hải Đường đã thông qua Dự thảo Kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa trong Báo Kiểm toán với 5 nhóm nội dung chính và 12 tiêu chí thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và tiêu chí văn hóa của người làm báo Việt Nam./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »