Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước

12/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH nghe Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 của KTNN; nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban về Báo cáo của KTNN. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại phiên làm việc.

Phó Tổng kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn báo cáo trước UBTVQH

Nhiệm vụ kiểm toán năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác

Trình bày Báo cáo về công tác năm 2022 và dự kiến KHKT năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song KTNN đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm toán năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
 
Đến 31/8/2022, KTNN đã xét duyệt 200 KHKT, triển khai 184/231 Đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 Dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT); phát hành 162 BCKT. Các cuộc kiểm toán kết thúc đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành BCKT đúng luật định.
 
Sơ bộ kết quả kiểm toán 08 tháng đầu năm 2022 của 162 BCKT đã phát hành và 06 BCKT chuyển từ KHKT 2021 sang, KTNN kiến nghị xử lý trên 22.000 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
 
KTNN đã có báo cáo Quốc hội, UBTVQH ý kiến về chủ trương đầu tư 05 dự án quan trọng quốc gia; đang chuẩn bị báo cáo ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2023 trình Quốc hội.
 
Đặc biệt, để từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, KTNN đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Việc kiểm toán đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán; giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán...
 
Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến 31/8/2022 đạt gần 38.000 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản theo kiến nghị kiểm toán; có 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
 
Báo cáo cũng nêu rõ, sau 02 năm gián đoạn do dịch Covid-19, năm 2022 KTNN đã tổ chức họp báo công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020, đồng thời kịp thời công khai ngay kết quả kiểm toán thuộc KHKT năm 2022 đối với chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”...
 
Trong 8 tháng đầu năm 2022, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 724 BCKT, các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác.
 
Báo cáo công tác của KTNN cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế qua công tác 8 tháng đầu năm 2022 như: Số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được KTNN phát hiện qua kiểm toán chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều; Công tác xây dựng KHKT năm của một số đơn vị còn hạn chế, chưa đầy đủ thông tin nên còn tình trạng phải điều chỉnh; Số lượng cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số cuộc kiểm toán; Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác, phát huy tối đa các phần mềm ứng dụng; Hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; Chất lượng, tiến độ tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia còn có những hạn chế nhất định.
 
KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ của KHKT năm 2023: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN; hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn cho biết, việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2023 của KTNN sẽ được KTNN thực hiện trên tinh thần đổi mới toàn diện, trong đó tập trung:

Phục vụ tốt yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH, quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương; kiểm toán lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đơn vị có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro và xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia; việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, gắn với kế hoạch giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

Xây dựng phương án tổ chức kiểm toán khoa học, hiệu quả, giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán so với năm 2022 để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán; nâng cao chất lượng khảo sát lập KHKT cuộc kiểm toán, đánh giá đúng rủi ro, trọng yếu kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu, toàn diện công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong xây dựng KHKT hàng năm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Tiếp tục tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp, đảm bảo xây dựng được đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) “nắm chắc pháp luật, tinh thông nghiệp vụ và động cơ trong sáng; thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ”; rèn luyện phẩm chất của người KTVNN “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”; nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ KTNN.
 
Thường trực UBTCNS của Quốc hội cơ bản nhất trí với các nguyên tắc định hướng xây dựng KHKT và mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 của KTNN

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác năm 2022 và dự kiến KHKT năm 2023 của KTNN, Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, báo cáo của KTNN đã làm rõ các kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác năm 2022. Thường trực UBTCNS của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của KTNN.
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại phiên làm việc
 
Về hoạt động kiểm toán của KTNN trong 8 tháng đầu năm 2022, UBTCNS cho rằng, KTNN đã tổ chức và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, do một số dự án thuộc KHKT chưa có khối lượng thực hiện để kiểm toán nên phải điều chỉnh giảm KHKT, đề nghị KTNN báo cáo rõ việc điều chỉnh KHKT năm 2022 để đánh giá chất lượng xây dựng KHKT; báo cáo cụ thể hơn các kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022.

Thường trực UBTCNS cũng cho rằng, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ 56,3% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (49,9%), nhưng còn thấp so với yêu cầu. Đề nghị KTNN tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán để nâng cao tỷ lệ thực hiện và thu hồi tiền, tài sản vi phạm về NSNN; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị không nghiêm túc thực hiện các kiến nghị, kết luận của KTNN, đồng thời có giải pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng không thực hiện kết luận, kiến nghị kéo dài qua nhiều năm.
 
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, thường trực UBTCNS cơ bản nhất trí với các nguyên tắc định hướng xây dựng KHKT và mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 đã nêu trong Báo cáo của KTNN. Đề nghị KTNN: Bổ sung nguyên tắc phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã giao cho KTNN tại các Nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH; Rà soát, xem xét tính thống nhất trong việc căn cứ định hướng KHKT trung hạn 2022-2024 hay KHKT trung hạn 2023-2025 khi xây dựng KHKT năm 2023.
 
Về dự kiến KHKT năm 2023, đa số ý kiến đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN.
 
Thường trực UBTCNS cũng cơ bản nhất trí với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo công tác và dự kiến Kế hoạch của KTNN. Ngoài ra, để hoàn thành nhiệm vụ, KHKT năm 2023 phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán, đề nghị KTNN tập trung triển khai một số giải pháp: Xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán năm 2023 khoa học, hiệu quả, không gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị và địa phương; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán NSNN và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH...; đẩy mạnh áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, ứng dụng CNTT trong các hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán...
 
Giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán năm 2023

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả hoạt động trong năm 2022 và việc chuẩn bị chu đáo các nội dung báo cáo của KTNN.
 
Chủ tịch Quốc Hội đề nghị, để đánh giá toàn diện hơn về hoạt động của KTNN, báo cáo về hoạt động năm 2022 của KTNN nên bám sát vào vai trò, vị trí và các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước, các yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH. Báo cáo cũng nên tập trung phân tích sâu hơn về vướng mắc, tồn tại trong hoạt động của KTNN là do bất cập trong cơ chế, chính sách hay tổ chức thực hiện để đưa ra các giải pháp phù hợp. KTNN cũng cần tiếp tục tăng cường vai trò trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính hoạt động kiểm toán.
 
Về KHKT năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với với chủ trương giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán do KTNN đưa ra. “KTNN nên giảm bớt số lượng các cuộc kiểm toán để hoạt động kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các vấn đề lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận 

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đánh giá cao những kết quả KTNN đã đạt được trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt đã tham gia tích cực vào việc xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, kiểm toán các nguồn lực trong phòng, chống dịch, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và UBTVQH.
 
UBTVQH lưu ý, KTNN cần đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, tổng kết việc thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán từ xa để có giải pháp nhân rộng, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp…
 
Về KHKT 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH nhất trí với mục tiêu, định hướng và lĩnh vực kiểm toán như KTNN đề xuất. Tuy nhiên, đề nghị KTNN tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách các năm…Đồng thời đề nghị KTNN lưu ý cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai dự án đang dở giang, ít khối lượng hoàn thành, tránh phải điều chỉnh hoặc giảm kế hoạch do chưa có khối lượng thực hiện để kiểm toán nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán.
 
Bên cạnh đó, KNTN cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán; cân đối lực lượng, thời gian để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước. Bố trí hợp lý các Đoàn kiểm toán, nhất là các tại các địa phương, các Bộ, tránh chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, kiểm tra để xử lý chồng chéo, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng ngay trong lực lượng kiểm toán của KTNN...
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị KTNN tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của UBTVQH và các ý kiến thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội, trong đó Báo cáo công tác năm 2022 sẽ trình Quốc hội nghiên cứu xem xét; Báo cáo KHKT năm 2023 sẽ gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
 
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn cam kết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH và ý kiến thẩm tra của UBTCNS của Quốc hội để hoàn thiện các báo cáo. Theo đó, KTNN sẽ bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của KTNN, cũng như các yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH để xây dựng Báo cáo hoạt động năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục rà soát việc xây dựng KHKT 2023 nhằm đảm bảo tiêu chí “gọn, ít, chất lượng và đi đến cùng của vấn đề”./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »