Nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính: Tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu

19/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  KTNN đã và đang thực hiện đổi mới một cách toàn diện hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán trong từng lĩnh vực. Trong đó, việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đã mang đến những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, trong đó có kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC).   

Việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đã mang đến những kết quả đáng kể

Nâng cao khả năng phát hiện sai sót, giảm bớt rủi ro kiểm toán

Theo đánh giá của các cơ quan, tổ chức kiểm toán, trong bối cảnh những hoài nghi về BCTC còn lớn, việc thực hiện kiểm toán đối với BCTC sẽ giúp đánh giá tính trung thực, hợp lý của các BCTC dựa trên các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung được ban hành. Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa hoạt động của DN, tạo dựng niềm tin cho đối tác mà dưới góc độ quản lý nhà nước, kết quả kiểm toán còn cung cấp thông tin, số liệu cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tại KTNN, việc tổ chức thực hiện kiểm toán BCTC là nhiệm vụ được các đơn vị kiểm toán thực hiện thường niên và luôn được chú trọng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán. Trong đó, việc tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán BCTC được coi là bước đột phá, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC. Theo đó, trên cơ sở Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán BCTC (Hướng dẫn), các đơn vị kiểm toán đã bám sát thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động kiểm toán.

Lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, phương pháp tiếp cận kiểm toán mới giúp kiểm toán viên đưa ra đánh giá một cách phù hợp khi lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. Đặc biệt, từ những định hướng có sẵn sẽ giúp kiểm toán viên đưa ra ý kiến xác nhận về tính trung thực và hợp lý của BCTC xét trên các khía cạnh trọng yếu mà những phương pháp kiểm toán truyền thống không thể phát huy hiệu quả.

Việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu hiện nay được vận dụng theo hướng dẫn Chuẩn mực KTNN 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính - vốn đã được các kiểm toán viên tiếp cận và áp dụng từ lâu. Đồng thời, trong Hướng dẫn cũng đưa ra lưu ý khi xét đoán rủi ro được coi là đáng kể, từ đó giúp kiểm toán viên nhận diện được những nội dung trong quá trình kiểm toán để xác định rủi ro.

Những lưu ý giúp đánh giá chính xác rủi ro kiểm soát

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Hướng dẫn trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực BCTC cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng và cải thiện hơn nữa về chất lượng, hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Chỉ rõ những hạn chế trong việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC thông qua công tác kiểm soát, đại diện Phòng Doanh nghiệp và Tổ chức tài chính ngân hàng (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - KTNN) cũng đưa ra một số lưu ý đối với đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán mới, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Theo đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, đoàn kiểm toán, kiểm toán viên cần đảm bảo sự phù hợp giữa các kế hoạch kiểm toán tổng quát đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu với nguyên nhân; chú ý kết hợp rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCTC và cấp độ khoản mục phù hợp.

Tương tự, trong kế hoạch kiểm toán chi tiết, cần đảm bảo giá trị lấy mẫu của các khoản mục đúng với số liệu trên BCTC của đơn vị; chú ý đánh giá rủi ro tiềm tàng đối với các khoản mục. Các đoàn kiểm toán cần đưa ra kết luận mức độ rủi ro ở cấp độ tổng thể BCTC, không dừng lại ở việc nêu rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Ngoài ra, cần xác định mức độ rủi ro đối với cơ sở dữ liệu, khoản mục; xác định tỷ lệ tính mức trọng yếu phù hợp với đánh giá rủi ro...

Theo TS. Nguyễn Văn Giáp - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia, việc tiếp cận đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu nhìn chung còn mới trong cả nhận thức và thực tiễn áp dụng tại KTNN, đòi hỏi kiểm toán viên phải có xét đoán chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán. Trong khi đó, hầu hết các kiểm toán viên đang quen với phương pháp truyền thống nên sẽ có tâm lý ngại thay đổi, ngại tiếp cận với cách làm mới. “Đây là những thách thức mà các đơn vị kiểm toán phải kiên quyết khắc phục để đưa phương pháp kiểm toán này vào triển khai và đạt hiệu quả cao” - TS. Nguyễn Văn Giáp nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò quan trọng của các phương pháp kiểm toán mới, trong đó có tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro, song các đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, kinh nghiệm và năng lực xét đoán của kiểm toán viên là những yếu tố không thể xem nhẹ. Bởi khi thực hiện quy trình đánh giá rủi ro, kiểm toán viên phải dựa vào xét đoán chuyên môn để phân loại, đánh giá rủi ro. Kinh nghiệm và sự hiểu biết của kiểm toán viên, khi kết hợp với phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu sẽ giúp cho việc đánh giá về mức độ rủi ro kiểm soát được chính xác hơn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thu Hằng (Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, các kiểm toán viên khi xác định rủi ro, các vấn đề trọng yếu cần đặc biệt chú trọng đến hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị. Bên cạnh đó, dù áp dụng bất cứ phương pháp kiểm toán nào thì vấn đề bằng chứng kiểm toán luôn cần được đặt lên hàng đầu. Đơn cử, để hạn chế rủi ro, kiểm toán viên cần thu thập nhiều bằng chứng kiểm toán và nếu chấp nhận thêm rủi ro thì bằng chứng cần thu thập sẽ ít đi. Ngoài ra, để kiểm soát rủi ro đạt hiệu quả cao, kiểm toán viên cần lập kế hoạch, giám sát việc thực hiện kế hoạch một cách chủ động, thận trọng./.

Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 20/2022)
 
 

Xem thêm »