Kiểm toán các đơn vị sự nghiệp công lập: Cần có hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu

19/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Để hoạt động này đảm bảo tuân thủ Chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế, mang lại hiệu quả và chất lượng cao hơn, cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.

Cần xây dựng Hướng dẫn về phương pháp tiếp cận dự trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu riêng đối với kiểm toán ĐVCĐVCL

Hiện nay, KTNN chưa có Hướng dẫn về phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu riêng đối với kiểm toán các ĐVSNCL. Vì vậy, khi kiểm toán, các kiểm toán viên (KTV) đã vận dụng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lĩnh vực ngân sách Bộ, ngành và ngân sách địa phương.
 
Nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống song vẫn còn hạn chế

Theo nghiên cứu “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các ĐVSNCL” của ThS. Tăng Nguyễn Mai Trang và ThS. Ngô Thị Hoa (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN), thực tiễn các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, ngân sách Bộ, ngành cho thấy, việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro đã khắc phục được những hạn chế của phương pháp kiểm toán truyền thống, tập trung nguồn lực nhiều hơn vào những nội dung trọng yếu để từ đó xác định phạm vi và khối lượng công việc phù hợp. Nhận thức của các đơn vị và các KTV đối với việc áp dụng phương pháp kiểm toán này đã có chuyển biến tích cực, hướng tới tính chuyên nghiệp cao, từng bước phù hợp với chuẩn mực và thông lệ kiểm toán quốc tế.

Cùng với đó, hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán và hướng dẫn ghi chép đã cụ thể hóa tối đa các hướng dẫn Chuẩn mực KTNN nói chung và Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách Bộ, ngành nói riêng. Nhiều đơn vị chủ động tổ chức các lớp tập huấn; nâng cao chất lượng công tác khảo sát thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán tổng quát; áp dụng đầy đủ các thủ tục kiểm toán, phương pháp chọn mẫu khoa học nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán và đưa ra ý kiến xác nhận BCTC, BCQT theo yêu cầu của Chuẩn mực KTNN.

Ngoài ra, phương pháp này giúp các KTV hiểu biết toàn diện, sâu hơn về đơn vị được kiểm toán trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá Hệ thống kiểm soát nội bộ; xác định các nội dung trọng yếu, từ đó xác định phạm vi và khối lượng kiểm toán để dự kiến thời gian, phân bổ nguồn lực phù hợp; tuân thủ đầy đủ chính sách, pháp luật và chuẩn mực kiểm toán…

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, do chưa có hướng dẫn riêng nên việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC, BCQT tại các ĐVSNCL còn trùng lặp với quy trình kiểm toán ngân sách địa phương, ngân sách Bộ, ngành nói chung. Quá trình khảo sát thường chỉ tập trung vào việc chuẩn xác lại số liệu, thông tin tài chính trên cơ sở báo cáo của đơn vị, chưa đi sâu tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ, các thông tin phi tài chính khác. Một số thông tin khác thu thập được chủ yếu qua báo cáo của đơn vị mà chưa đủ căn cứ, điều kiện để kiểm chứng.

Việc đánh giá rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát mới chỉ thực hiện chủ yếu với đối tượng kiểm toán tổng thể và phản ánh trên kế hoạch kiểm toán tổng quát mà chưa đánh giá đối với các nội dung, khoản mục kiểm toán chủ yếu. Hơn nữa, việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị còn phụ thuộc nhiều vào xét đoán của KTV. Các xét đoán này còn nặng về định tính, thiếu tính định lượng.

Bên cạnh đó, việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo chuẩn mực và dựa trên trọng yếu còn chung chung, làm giảm tính hiệu lực của ý kiến kiểm toán. Nhiều cuộc kiểm toán chủ yếu là phát hiện sai sót, tăng thu NSNN, chưa chú trọng xác nhận BCTC, BCQT. Kết quả kiểm toán trên cơ sở mẫu chọn, việc đánh giá các sai sót mang tính cá biệt và mang tính hệ thống để tính toán suy rộng cho tổng thể chưa được áp dụng triệt để nên ý kiến xác nhận cơ bản đều là ý kiến ngoại trừ…
 
Hướng dẫn kiểm toán theo 2 bước

Từ thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng Hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các ĐVSNCL theo 2 bước.

Bước 1: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu theo Chuẩn mực KTNN số 1315 (Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính). Trong đó, Hướng dẫn lưu ý: KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCQT và cấp độ cơ sở dẫn liệu. Khi thực hiện quy trình đánh giá rủi ro, KTV phải dựa vào xét đoán chuyên môn để cân nhắc rủi ro đã xác định là rủi ro đáng kể hay không đáng kể, rủi ro đáng kể thường liên quan đến các giao dịch bất thường. Khi xét đoán rủi ro được coi là đáng kể, KTV lưu ý xem xét rủi ro đó là rủi ro do gian lận, có liên quan tới những thay đổi lớn. Đối với mỗi rủi ro ở cấp độ BCTC, BCQT ĐVSNCL và cấp độ cơ sở dẫn liệu, KTV cần đánh giá tác động của chúng đến các khoản mục trên báo cáo ngân sách địa phương.

Bước 2: Xác định trọng yếu kiểm toán theo Chuẩn mực KTNN số 1320 (Xác định và vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tài chính). Trong đó, cần xác định mức trọng yếu tổng thể, mức trọng yếu đối với các khoản mục cần lưu ý, các khoản mục trọng yếu, mức trọng yếu thực hiện, ngưỡng sai sót không đáng kể, mức trọng yếu trong quá trình kiểm toán (mức trọng yếu tổng thể đối với BCTC và mức trọng yếu thực hiện có thể được điều chỉnh khi KTV có các phát hiện mới).

Để việc tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán các ĐVSNCL mang lại hiệu quả cao, KTV cần chú trọng: Đánh giá trọng yếu, rủi ro trong phân cấp quản lý tài sản công, phương án xử lý, sắp xếp xử lý tài sản công ở một số đơn vị, địa phương; đánh giá một số quy định trong các văn bản hướng dẫn, điều hành chủ yếu ở các cấp ngân sách.
Đánh giá xác định trọng yếu, rủi ro trong việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, kinh phí ngân sách cấp, việc giám sát công tác quản lý tài sản công, sử dụng kinh phí nhằm đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Tập trung kiểm toán các đơn vị ban hành Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, tài sản công; đánh giá xem Quy chế này có phù hợp, khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc phân quyền, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận hay không.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá hoạt động quản lý, khai thác phần mềm TABMIS của Kho bạc Nhà nước và xây dựng các tiêu chí bảng biểu nhập dữ liệu, khai thác các dữ liệu quản lý tài sản công tại đơn vị và tình hình sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; tình hình chi kinh phí theo mục lục ngân sách…/.

Hồng Anh
(Báo Kiểm toán số 20/2022)

 
 

Xem thêm »