Thông báo nhanh Kết quả Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

12/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 12/5/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 4.097 điểm cầu trên cả nước.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Sỹ Thanh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Tổng Kiểm toán nhà nước. Tại điểm cầu Kiểm toán nhà nước có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Vũ Văn Hoạ, Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; các đồng chí uỷ viên BCH Đảng bộ KTNN; Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh KTNN; Bí thư, Phó Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ KTNN và Lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị trực thuộc KTNN. 

Sau 6 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội nghị đã nghe báo cáo viên thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, từ ngày 4 đến ngày 10/5/2022, Hội nghị thảo luận, cho ý kiến và quyết nghị thông qua nội dung 4 Nghị quyết quan trọng về các vấn đề như: Hoàn thiện thể chế chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; Tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trung ương khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Hoàn thiện các chính sách để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.
 
Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tiếp tục khẳng định Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.

Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thảo luận và thông qua Nghị quyết về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 như đã đề ra, cần phải nâng cao hơn nữa sự thống nhất về nhận thức và đổi mới, hành động quyết liệt hơn nữa…

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án, chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".

Sau Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương, tổ chức, cơ sở đảng nhanh chóng tuyên truyền kết quả của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 bằng nhiều hình thức tới toàn thể đảng viên, người dân để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Hà Linh
 

Xem thêm »