Đổi mới mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán

27/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030) xác định “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học làm cơ sở để xây dựng chiến lược, chính sách phát triển Kiểm toán nhà nước và dự báo, định hướng những vấn đề mới phát sinh; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước; ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nhằm tham gia vào chính sách kinh tế vĩ mô cũng như bất cập của chính sách, chế độ để kiến nghị giải pháp hoàn thiện”. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học đòi hỏi luôn phải đổi mới và đầu tư thích đáng về mọi mặt để cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu chỉ đạo Hội Nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 và thực hiện Quy chế dân chủ năm 2021 của Trường

Những thành tựu khoa học nổi bật giai đoạn 2016 - 2021 của Kiểm toán nhà nước

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Kiểm toán nhà nước từ năm 2016 đến năm 2021 chủ yếu tập trung nghiên cứu các vấn đề lớn, vấn đề với tổng cộng 224 đề tài các cấp trong đó có 73 đề tài cấp bộ và 151 đề tài cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2020, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện đăng ký và triển khai thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia với chủ đề: Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu khoa học của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức, hoạt động, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển của Ngành, hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, xây dựng hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể đánh giá khái quát hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số khía cạnh chính sau:

Về kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học

Kết quả nghiên cứu của các đề tài trong thời gian qua về cơ bản đều đạt được mục tiêu đề ra và có giá trị sử dụng trong hoạt động thực tiễn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các đơn vị trực thuộc. Đến nay, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu 54/73 đề tài cấp bộ (trong đó 11 đề tài Xuất sắc, 37 đề tài Khá và 6 đề tài Đạt yêu cầu) và 127/151 đề tài cấp cơ sở (trong đó 12 đề tài Xuất sắc, 100 đề tài Khá và 15 đề tài Đạt yêu cầu).

Kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhất là phần đúc rút kinh nghiệm từ các cơ quan Kiểm toán nhà nước của các nước trên thế giới, đã giúp các đoàn kiểm toán có một số cách tiếp cận mới trong hoạt động kiểm toán, từ đó được áp dụng phù hợp với thực tiễn của Kiểm toán nhà nước Việt Nam... Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của các đề tài cũng đã tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực kiểm toán mới, nghiên cứu những vấn đề phát sinh trong thực tiễn của nền kinh tế và hoạt động kiểm toán, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và xã hội như: Kiểm toán các chuyên đề về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kiểm toán nợ công, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán thuế,\...

Từ kết quả nghiên cứu của các đề tài và các hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức trong những năm vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã phát hành 9 đầu sách với nội dung chọn lọc từ các cuộc hội thảo và các đề tài nghiên cứu khoa học về các chủ đề cấp thiết đang được xã hội quan tâm. Các tài liệu trên được gửi tới các đại biểu Quốc hội và được đánh giá cao về giá trị tham khảo, tính tin cậy và thiết thực phục vụ công tác giám sát, quản lý và điều hành.

Về ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học

Công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài trong thời gian qua luôn được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước quan tâm ngay từ khâu định hướng, xét chọn các nhiệm vụ nghiên cứu đến khâu đánh giá, nghiệm thu đề tài. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được ứng dụng vào các hoạt động của Kiểm toán nhà nước được thể hiện ở 2 khía cạnh, gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình, chuẩn mực của Kiểm toán nhà nước; và hoàn thiện kỹ năng, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.

Đối với hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình, chuẩn mực, kết quả của các đề tài là căn cứ, cơ sở để hoàn thiện địa vị pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật về Kiểm toán nhà nước và các luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý thuế; Luật đầu tư đối tác công tư; Luật Bảo vệ môi trường... Đồng thời, là căn cứ để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Đối với hoàn thiện kỹ năng, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ, kết quả của các đề tài là căn cứ để xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm toán như: hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các lĩnh vực; xây dựng đề cương kiểm toán theo từng chuyên đề kiểm toán...; xây dựng và ban hành các chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên, tài liệu bồi dưỡng các kỹ năng, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chúc mừng Trường và đội ngũ giảng viên của Kiểm toán nhà nước nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày nhà giáo Việt Nam

Có thể nói, hoạt động khoa học của Kiểm toán nhà nước trong những năm qua đã phát huy vai trò định hướng thông qua kết quả các hội thảo, tọa đàm, các đề tài nghiên cứu; là kênh hữu ích giúp cho kiểm toán viên tìm tòi, nghiên cứu không chỉ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý mà đặc biệt còn là những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua việc nghiên cứu, đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước tìm ra được cách thức tiếp cận phù hợp để hoàn thiện trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng kiểm toán và qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Kết quả kiểm toán đã thể hiện rõ trên các lĩnh vực như: Kiến nghị xử lý tài chính; đưa ra các đánh giá, kiến nghị điều hành, quản lý kinh tế; kiến nghị sửa đổi hoàn thiện các chính sách không hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí; cung cấp thông tin liên quan cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển các vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Qua kết quả kiểm toán năm 2020 - 2021, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 133.000 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 335 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; cung cấp 396 hồ sơ, báo cáo kiểm toàn và tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên Kiểm toán nhà nước có ý kiến với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ của Kiểm toán nhà nước gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu. Hoạt động thông tin khoa học đã khai thác và thu thập thông tin khoa học và công nghệ từ các nguồn trong và ngoài nước, trong nội bộ Ngành; xử lý, lưu trữ và quản lý nguồn thông tin khoa học và công nghệ; phát hành các ấn phẩm khoa học làm diễn đàn nghiên cứu, trao đổi của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài Ngành; cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động khoa học và công nghệ khác.

Những đổi mới trong hoạt động khoa học của Kiểm toán nhà nước

Để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua, hoạt động khoa học đã từng bước đổi mới và hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khoa học nói chung và công tác nghiên cứu khoa học nói riêng. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh nghiên cứu theo đơn đặt hàng và đa dạng hình thức nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng tự chủ.

Thực hiện định hướng nghiên cứu theo đơn đặt hàng, ngoài việc triển khai nghiên cứu các đề tài theo đăng ký, đề xuất của các cá nhân và đơn vị, Kiểm toán nhà nước đã đẩy mạnh nghiên cứu các nhiệm vụ theo đơn đặt hàng của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động của Ngành và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.

Các nhiệm vụ nghiên cứu theo đặt hàng thường được tổ chức dưới 2 hình thức: Giao trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện; hoặc theo phương thức tuyển chọn đơn vị và các cá nhân đáp ứng yêu cầu để giao nhiệm vụ. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo phương thức tuyển chọn cũng là một trong những đổi mới hoạt động khoa học nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học.

Nhằm đa dạng hình thức nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng tự chủ nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của các cán bộ trẻ trong điều kiện kinh phí ngân sách dành cho hoạt động khoa học còn eo hẹp, từ năm 2017 Kiểm toán nhà nước đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp cơ sở theo hình thức tự chủ về kinh phí nghiên cứu. Việc triển khai nghiên cứu các đề tài theo hướng tự chủ đã tạo ra các đơn vị có phong trào nghiên cứu khoa học tốt, tạo động lực nghiên cứu cho các cán bộ, kiểm toán viên trẻ và nâng cao khả năng nghiên cứu cho đội ngũ kiểm toán viên.

Tiếp tục đổi mới hoạt động khoa học trong giai đoạn mới

Giai đoạn 2020 - 2025, Kiểm toán nhà nước định hướng đổi mới mạnh mẽ hoạt động kiểm toán; mở rộng phạm vi và các loại hình kiểm toán; đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và tăng cường, nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên; xây dựng Học viện Kiểm toán theo Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. Do đó, hoạt động khoa học nói chung và công tác nghiên cứu khoa học nói riêng cần đi trước nghiên cứu đón đầu những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Chính vì vậy, mục tiêu hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới được xác định: “Nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra một bước phát triển vượt bậc về hoạt động chuyên môn kiểm toán dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới. Nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng chiến lược, chính sách phát triển Kiểm toán nhà nước và dự báo, định hướng những vấn đề phát sinh; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn hoạt động kiểm toán; nghiên cứu hoàn thiện các mô hình, phương pháp quản lý, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán”.

Định hướng trọng tâm nghiên cứu của khoa học kiểm toán thời gian tới là hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động kiểm toán; nghiên cứu xây dựng, phát triển phần mềm ứng dụng phục vụ các hoạt động của Kiểm toán nhà nước; xây dựng các hệ thống, công cụ báo cáo thống kê, phân tích và dự báo dựa trên các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, làm tiền đề cho sự chuyển dịch và hình thành kiểm toán số.

Đổi mới hoạt động khoa học cần bắt đầu từ khâu lập kế hoạch, định hướng nghiên cứu để nâng cao chất lượng nghiên cứu. Công nghệ 4.0, chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, các đơn vị được kiểm toán hầu hết đi trước chúng ta về công nghệ. Do đó, khoa học kiểm toán cần phải đi trước mở đường cho thực tiễn, phải bắt kịp và dẫn đầu xu thế. Hội đồng Khoa học cần phát huy tối đa vai trò định hướng, tham mưu để chắt lọc được những đề tài nghiên cứu có giá trị cả lý luận và thực tiễn. Mỗi đề tài có thể chỉ giải quyết một vấn đề ở một lĩnh vực cụ thể nhưng phải là những đề tài thực sự có giá trị ứng dụng trong hoạt động kiểm toán. Áp dụng cơ chế tuyển chọn, đấu thầu chuyên môn đối với những đề tài đòi hỏi chuyên môn sâu, lĩnh vực mới, đảm bảo lựa chọn ra được nhóm nghiên cứu thực sự có năng lực và tâm huyết.

Nhằm nâng cao hơn nữa việc phổ biến kết quả nghiên cứu và tăng cường ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tới, từ năm 2022, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, trong quá trình triển khai nghiên cứu ngoài việc phải tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, ban đề tài cần phải biên tập kết quả nghiên cứu của đề tài thành bài báo và đăng trên tạp chí chuyên ngành có uy tín.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học. Đổi mới phương thức tổ chức quản lý hoạt động khoa học, đổi mới cách thức tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để thích ứng linh hoạt với trạng thái “bình thường mới”./.

Ts. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
(Theo Tạp chí nghiên cứu khoa học kiểm toán số 01/2022)

Xem thêm »