Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Công

30/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 30/11/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, KTNN Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Công. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Mông Cổ, Bhutan, Pakistan, Nhật Bản và Oman.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ chủ trì Hội thảo

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ điều hành Hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN Việt Nam.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Ông Prajuck Boonyoung, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 khẳng định: Hội thảo là cơ hội để các nước thành viên các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) cùng nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến dự án hợp tác kiểm toán. “Hiện nay các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên, tôi tin rằng các thành viên ASOSAI có thể nâng cao khả năng phục hồi và phản ứng nhanh chóng với những thách thức mới” - Chủ tịch ASOSAI nói.

Chủ tịch ASOSAI cảm ơn KTNN Việt Nam với tư cách là Trưởng dự án đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy dự án kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Công thành công, với sự hợp tác và hỗ trợ của các SAI Myanmar, Indonesia, Malaysia, trong điều kiện còn hạn chế và có nhiều thách thức trong nước khi đối mặt với đại dịch COVID–19. Cuộc kiểm toán cũng học hỏi các kỹ thuật mới của Mô hình kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững (ISAM) do Cơ quan Sáng kiến Phát triển của INTOSAI (IDI) xây dựng và các khóa đào tạo về kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường liên quan đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các vấn đề về nước cho các đoàn kiểm toán các SAI tham gia do Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình từ Canada (CCAF) tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ cho biết, năm 2018, Đại hội ASOSAI lần thứ 14 đã chính thức thông qua Tuyên bố Hà Nội về Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững với hai trụ cột chính: Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI; phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu. Tuyên bố Hà Nội đã trở thành văn kiện quan trọng về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASOSAI trong việc theo đuổi và hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về SDGs của Liên hợp quốc.

Quyết tâm theo đuổi việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Tuyên bố Hà Nội, KTNN Việt Nam đã chủ trì, phối hợp cùng với SAI Myanmar và Thái Lan triển khai thực hiện cuộc kiểm toán cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia đến từ SAI Malaysia, Indonesia, CAAF và WB. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song đến nay, với những nỗ lực to lớn của tất cả các SAI tham gia và đồng nghiệp quốc tế, cuộc kiểm toán đã thành công tốt đẹp.

Thực hiện SDGs tiếp tục được kế thừa và khẳng định trong Tuyên bố Băng Cốc tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15: “Thông qua Tuyên bố Hà Nội, có thể nhận ra được tầm quan trọng của việc các SAI nỗ lực theo đuổi khái niệm “Xây dựng lại tốt hơn” – “Building Back Better” để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới”. Vì vậy, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mê Công một cách bền vững, công bằng và hài hòa giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công nói riêng và đóng góp cho nỗ lực chung của ASOSAI nhằm kiến tạo một thế giới ngày càng xanh tươi và bền vững.
 

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng trao đổi tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đánh giá về kết quả cuộc kiểm toán hợp tác việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững do KTNN Việt Nam, Myanmar và Thái Lan thực hiện năm 2021, ông Đinh Văn Dũng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, Trưởng Đoàn Cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững phát triển bền vững của KTNN Việt Nam cho biết: Cuộc kiểm toán có sự tham gia của 3/6 quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công  gồm Việt Nam, Thái Lan, Mianma bối cảnh toàn lưu vực đã và đang phải đối mặt với các thách thức to lớn cùng những tác động tiêu cực không thể lường trước bắt nguồn từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân. “Cuộc kiểm toán được kỳ vọng đưa ra các kiến nghị và đóng góp tiếng nói với cộng đồng quốc tế nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mê Công một cách công bằng và hài hòa giữa các quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững chung của toàn lưu vực” – ông Đinh Văn Dũng nói.

Về kết quả kiểm toán, trên cơ sở tổng hợp báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán của 3 Cơ quan KTNN của 3 nước Việt Nam, Myanmar và Thái Lan cho thấy, trên cơ sở tổng hợp báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán, Chính phủ 3 nước đã có sự quan tâm, chú trọng và đưa ra nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý nguồn nước sông Mê Công gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững như: Hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 phù hợp với tình hình của mỗi quốc gia; ban hành các quy định, văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ sở pháp lý về quản lý tài nguyên nước; đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn lực cần thiết và tổ chức thực hiện giám sát, cảnh báo về số lượng, chất lượng nguồn nước; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế các cấp về nguồn nước lưu vực sông Mê Công nhằm chia sẻ, trao đổi và thống nhất với nhau cùng có lợi...

Tuy nhiên, các Báo cáo kiểm toán cũng phản ánh tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mê Công kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân đã và đang diễn ra tại 3 quốc gia. Qua kiểm toán, 3 cơ quan KTNN đã đưa các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước sông Mê Công; kiến nghị nhiều giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao trực tiếp đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
 
Các đại biểu 12 SAI tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các SAI cũng tập trung chia sẻ, làm rõ hơn về các vấn đề được quan tâm như việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quá trình tổ chức triển khai kiểm toán; công tác truyền thông về các kết quả nổi bật của cuộc kiểm toán; việc giải quyết các vấn đề xuyên biên giới liên quan đến nguồn nước lưu vực sông Mê Công; nguồn kinh phí để giải quyết các vấn đề còn tồn tại theo kiến nghị của cuộc kiểm toán…

Trao đổi với CCAF về vấn đề quan trọng mà các quốc gia cần quan tâm giải quyết sau cuộc kiểm toán hợp tác về nguồn nước lưu vực sông Mê Công, đại diện KTNN Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề ngập mặn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cũng như tiếp tục chung tay với các nước trên lưu vực sông Mê Công để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước sông Mê Công.

Nói về giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán đã tạo ra, đại diện KTNN Việt Nam cho biết, cuộc kiểm toán đã chỉ ra những rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước sông Mê Công; những kiến nghị và giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao trực tiếp đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan. “Chúng tôi tin rằng những kết quả và kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của từng quốc gia nói riêng và toàn thể cộng đồng lưu vực sông Mê Công nói chung” – ông Đinh Văn Dũng khẳng định.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ đánh giá cao và khẳng định những ý kiến được chia sẻ trong Hội thảo sẽ là những kinh nghiệm quý báu để các SAI cùng nghiên cứu từ đó tiếp tục hoàn thiện quy trình, phương pháp thực hiện kiểm toán lĩnh vực tài nguyên nước “Sau Hội thảo, KTNN Việt Nam sẽ tổng hợp những kinh nghiệm, ý kiến, đề xuất và khuyến nghị chuyên môn để chia sẻ với các thành viên ASOSAI với mong muốn đóng góp và lan tỏa kho tri thức chung của ASOSAI về kiểm toán hợp tác trong quản lý nguồn nước gắn với mục tiêu phát triển bền vững” – ông Doãn Anh Thơ cho biết.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ, trong bối cảnh các nước và thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với đại dịch COVID-19 để duy trì trạng thái bình thường mới, nỗ lực của các SAI trong việc tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt nhằm chung tay giải quyết các thách thức khu vực càng được ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt phù hợp với phương châm của INTOSAI - Chia sẻ kiến thức có lợi cho tất cả. Việc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Công góp phần thúc đẩy vai trò của ASOSAI nói chung và các thành viên nói riêng trong lĩnh vực kiểm toán hợp tác việc quản lý nguồn nước, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện Chương trình nghị sự của ASOSAI về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong Tuyên bố Băng Cốc và Kế hoạch chiến lược 2022-2027./.

M. Thúy
 

Xem thêm »