Ban Điều hành ASOSAI hoạt động hiệu quả dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

06/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung, dù trong bối cảnh thế giới và châu Á đối mặt với đại dịch COVID-19, hoạt động của Ban Điều hành Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) vẫn diễn ra hiệu quả, theo đúng kế hoạch, nhất là kể từ cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 tổ chức trực tuyến vào tháng 7/2020.

Quang cảnh cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56 vào chiều 06/9/2021, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung đã báo cáo kết quả hoạt động của Ban Điều hành ASOSAI. Theo báo cáo, số lượng thành viên của ASOSAI hiện nay là 47 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI). Kể từ Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55, đã có 09 thành viên ASOSAI gửi thông báo chính thức đến Ban thư ký ASOSAI về việc thay đổi nhân sự Tổng kiểm toán bao gồm các SAI: Ấn Độ, Bhutan, Azerbaijan, Lào, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Madives, Brunei, Myanmar. Trong đó Ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam vào ngày 07/4/2021.

Về tài chính của ASOSAI, tổng số tiền trong giai đoạn 2018-2020 là 725.614 USD, chủ yếu thu từ phí thường niên của SAI thành viên. Trong đó, tổng chi phí là 267.779 USD. Thu nhập ròng cho các năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 94.265 USD; 160.518 USD và 202.552 USD. Thu nhập ròng tăng do chi phí hoạt động phát triển năng lực giảm trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến. Đáng chú ý, ASOSAI đã dành khoảng 97% tổng chi phí để chi cho các hoạt động phát triển năng lực.
 
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung báo cáo kết quả hoạt động của Ban Điều hành ASOSAI

Trong năm qua, ASOSAI đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động liên quan đến đào tạo và tăng cường năng lực. Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI đã thiết kế và thực hiện khảo sát về nhu cầu nâng cao năng lực của ASOSAI trong giai đoạn 2022-2024 để hỗ trợ các SAI thành viên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán các vấn đề mới như: Công nghệ thông tin, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. 

Ngoài ra, ASOSAI đã tổ chức hội thảo, chương trình phát triển năng lực về chủ đề “Kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” và xây dựng chương trình đánh giá hợp tác 03 bên giữa Cơ quan sáng kiến phát triển của INTOSAI (IDI) - Ủy ban Chia sẻ kiến thức của INTOSAI (KSC) – Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Các hoạt động phát triển năng lực ASOSAI được tổ chức kể từ Cuộc họp lần thứ 55 bao gồm: Chương trình Phát triển Năng lực ASOSAI thí điểm, Hội thảo chia sẻ kiến thức, Hợp tác IDI – ASOSAI...

Về Kế hoạch chiến lược ASOSAI, kể từ cuộc họp trước, Nhóm nòng cốt Quản lý Kế hoạch chiến lược ASOSAI đã xây dựng và hoàn thiện Điều khoản tham chiếu của Nhóm, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021, Đề cương Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027 gồm các nội dung thực hiện Tuyên bố Hà Nội.

Ngoài ra, Kế hoạch chiến lược 2022-2027 cũng sẽ tập trung vào việc xử lý các vấn đề mới nổi như: Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán về công nghệ thông tin, vai trò của các SAI trong quản lý khủng hoảng.

Đối với hợp tác với các Tổ chức khu vực thuộc Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), ASOSAI luôn chú trọng tăng cường hợp tác với INTOSAI và các tổ chức khu vực thuộc INTOSAI nhằm tạo điều kiện giúp nâng cao năng lực chuyên môn của Kiểm toán viên và năng lực hoạt động của SAI thành viên thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thông lệ tốt trong lĩnh vực kiểm toán Chính phủ.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Điều hành ASOSAI đã thống nhất với Báo cáo hoạt động của Ban Điều hành ASOSAI kể từ Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55./.


Hà Linh
 

Xem thêm »