Quốc hội bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026

26/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

sav.gov.vn) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 26/7/2021, với 483/483 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức

Tại Phiên làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN.
 
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Theo kết quả biểu quyết, có 484/484 đại biểu Quốc hội, chiếm 96,99% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
 
Tiếp sau đó, Quốc hội bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
 
Kết quả biểu quyết, có 483/483 đại biểu Quốc hội, chiếm 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN.
 
Như vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCNVN nhiệm kỳ 2016-2021(từ tháng 04/2021) chính thức được bầu làm Chủ tịch nước CHXHCNVN nhiệm kỳ 2021-2026.
 

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCNVN

 Phát biểu tại Lễ Tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thượng tôn pháp luật, tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp thực hiện trọn vẹn, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
 
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quảng Nam, trình độ lý luận chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn cử nhân kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV, XV.
 
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã giữ các chức vụ như Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
 
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCNVN nhiệm kỳ 2016 - 2021.
 
Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCNVN về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »