KTNN chuyên ngành III đào tạo kiểm toán môi trường “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”

20/01/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 20/01/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN chuyên ngành III đã tổ chức đào tạo kiểm toán môi trường “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” cho các công chức, Kiểm toán viên của đơn vị.

Quang cảnh lớp tập huấn

Bà Lê Thị Hồng Hạnh – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, lớp học được tổ chức trong khuôn khổ chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của KTNN chuyên ngành III cho các công chức, Kiểm toán viên KTNN của đơn vị, kéo dài từ ngày 20-27/01/2021.
 
Nhấn mạnh những nội dung của các lớp học là những vấn đề khó, bà Lê Thị Hồng Hạnh đề nghị mỗi công chức, Kiểm toán viên của KTNN chuyên ngành III cần chấp hành nghiêm túc quy chế lớp học, tập trung lắng nghe và nhiệt tình trao đổi với các giảng viên về nội dung bài giảng để có thể ứng dụng tốt vào thực tế công việc chuyên môn.
 
Trao đổi tại lớp học, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng cho biết, với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN là cơ quan hiến định, hoạt động độc lập, có trách nhiệm kiểm toán môi trường để phục vụ Quốc hội giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường; giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý; góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
 

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng trao đổi tại lớp học

KTNN chuẩn bị thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác giai đoạn 2020-2021 với chủ đề “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)”, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công mang tính bền vững, cải thiện môi trường sống và sự phát triển hài hòa của các quốc gia thuộc LVS Mê Công, trong đó có Việt Nam.

Cuộc kiểm toán hợp tác theo loại hình kiểm toán song song do KTNN Việt Nam chủ trì, cùng với sự tham gia của các SAI Thái Lan và Myanmar trong khuôn khổ Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2020-2021. Mục tiêu của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn nước lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam, gắn với việc thực hiện các SDG quốc gia. Đồng thời đánh giá việc tuân thủ các cam kết quốc tế trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Công của các quốc gia trên lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các SDG quốc tế.
 
Tại lớp học, ông Đinh Văn Dũng đã trao đổi, nêu rõ những tác động tiềm ẩn đến Việt Nam cũng như các khu vực thuộc lưu vực sông Mê Công. Nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường… do biến đổi khí hậu, lượng mưa ít, dòng chảy bị sụt giảm. Việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Kông cũng là nguyên nhân chính làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu.

Đồng thời, ông Đinh Văn Dũng cũng làm rõ những mục tiêu, nội dung, tiêu chí cụ thể của cuộc kiểm toán, trách nhiệm quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, trọng yếu kiểm toán dự kiến tại các đơn vị được kiểm toán…
 
Trong khuôn khổ lớp học, Trưởng phòng Kiểm toán môi trường KTNN chuyên ngành III Lê Doãn Hoài đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các học viên liên quan đến cuộc kiểm toán môi trường “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”./.
 
Được biết, để bồi dưỡng, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngoài lớp đào tạo kiểm toán môi trường “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, KTNN chuyên ngành III sẽ tổ chức các lớp tập huấn với các nội dung: Quán triệt mục tiêu kiểm toán, các vấn đề cần lưu ý khi triển khai kiểm toán năm 2021; Cập nhật các chính sách, chế độ mới của Nhà nước liên quan đến hoạt động kiểm toán của đơn vị; Bồi dưỡng về nội dung, phương pháp xác định trọng yếu, rủi ro kiểm toán gắn với nội dung chuẩn mực kiểm toán; Bồi dưỡng chuyên sâu các kỹ năng kiểm toán chi tiết, tổng hợp đối với từng lĩnh vực, chuyên đề kiểm toán. Đồng thời, KTNN chuyên ngành III sẽ tổ chức tọa đàm, trao đổi các kinh nghiệm từ hoạt động thực tế của đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; Tập huấn theo từng đoàn kiểm toán và các nội dung đào tạo bồi dưỡng khác do đơn vị đề xuất theo nhu cầu đào tạo bồi dưỡng...

M. Thúy

Xem thêm »