Thẩm định đề cương, thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021

25/11/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 25/11/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, dưới sự chủ trì của GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổ thẩm định đề cương, thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ thực hiện năm 2021 của KTNN (Tổ thẩm định) tổ chức họp, thẩm định đề cương đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021.

Vụ Pháp chế báo cáo về Đề tài 1

Tại buổi thẩm định, Ban chủ nhiệm các đề tài báo cáo về ý tưởng, kết cấu và phương pháp triển khai 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ thực hiện năm 2021, bao gồm:
 
Đề tài 1- Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động KTNN thực hiện theo Luật KTNN sửa đổi năm 2019, do Vụ Pháp chế chủ trì thực hiện.

Đề tài 2 – Giải pháp tăng cường và nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, do KTNN khu vực V chủ trì thực hiện.

Đề tài 3 – Định hướng và giải pháp kiểm toán Báo cáo tài chính Nhà nước, do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và Vụ Tổng hợp chủ trì thực hiện.

Đề tài 4 – Giải pháp kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình dựa trên công cụ công nghệ cao, do KTNN khu vực IV chủ trì.

Tại buổi thẩm định, các thành viên Tổ thẩm định thảo luận. góp ý về: Đối tượng nghiên cứu; Mục tiêu nghiên cứu; Bố cục, kết cấu và đầu ra của từng đề tài.
 
Đối với Đề tài 1, các ý kiến thống nhất với ý tưởng nghiên cứu của đề tài; kết cấu 3 phần của đề tài. Các ý kiến cho rằng, kết quả, đầu ra của đề tài cần hướng dẫn rõ phần trách nhiệm bồi thường của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước. Việc hướng dẫn trách nhiệm bồi thường Nhà nước của KTNN cần xác định rõ các nội dung: Căn cứ pháp lý; Phạm vi, đối tượng, nội dung; Quy định, trình tự, thủ tục và mẫu biểu hướng dẫn việc thực hiện trách nhiệm bồi thường.
 
Đối với Đề tài 2, các ý kiến cho rằng: Đề tài cần làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng so với các quan kiểm tra, thanh tra khác. Các giải pháp đưa ra nhằm tăng cường và nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong phòng, chống tham nhũng cần cụ thể hơn trong lĩnh vực hoạt động của KTNN, đặc biệt các lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng.
 
Đối tượng nghiên cứu của Đề tài 3 được đánh giá là rất mới mẻ đối với KTNN, vì vậy tên Đề tài cần bổ sung thành “Định hướng và giải pháp kiểm toán Báo cáo tài chính nhà nước của KTNN” để làm rõ phạm vi nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu. Các đề xuất của Đề tài nên tập trung vào 02 nội dung: Các nội dung của hướng dẫn kiểm toán Báo cáo tài chính nhà nước; Tổ chức, thực hiện kiểm toán.
 
Đối với Đề tài 4, việc nghiên cứu cần bám sát quy trình và các giai đoạn thực hiện công trình. Các đề xuất giải pháp để ứng dụng công nghệ cao nên chú trọng các nội dung: Lựa chọn công nghệ phù hợp; Xác định các cuộc kiểm toán cần ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng quy trình kiểm toán, đào tạo KTV ứng dụng các công nghệ cao; Thuê chuyên gia và thiết bị. Đề tài cũng cần bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ cao để kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình.
 
GS. TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, các đề tài được thẩm định là những vấn đề rất cần thiết cho hoạt động của KTNN, nhưng là những nội dung mới, phạm vi nghiên cứu khá rộng, vì vậy, Ban Chủ nhiệm các đề tài cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của Tổ thẩm định, hoàn thiện đề cương; sản phẩm đầu ra của các đề tài để việc nghiên cứ được hiệu quả và khả thi./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »