Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của Kiểm toán nhà nước

24/11/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 24/112020, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) phối hợp với Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của KTNN”.

Quang cảnh Hội thảo

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; ông Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; ông Vũ Đức Nguyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học; các Tập đoàn, Tổng công ty; công ty kiểm toán độc lập, các tổ chức, hội nghề nghiệp kiểm toán, kế toán… Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo các đơn vị và công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.Ts Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: Những năm qua, việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn Nhà nước triển khai còn chậm; quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước; có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là: “Xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn Nhà nước trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DNNN”, KTNN đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 DNNN. Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất... KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn Nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng; ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn Nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản là 15.684,31 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 DNNN. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác. UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến, chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất; một số đơn vị chậm phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu cổ phần hóa; kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576,96 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán tại các DNNN cho thấy, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán... Ngoài ra, KTNN cũng đã có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đối với công tác cơ cấu, đổi mới, sắp xếp DNNN. 
 
Tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho biết, quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN gần 500 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước so với hơn 12.000 doanh nghiệp năm 1986. Hầu hết các DNNN sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần thông qua hoạt động cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán, củng cố lòng tin của nhân dân về phát triển kinh tế thị trường. 
 
Theo ông Nguyễn Hồng Long, kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp do KTNN tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá doanh nghiệp, các tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình cổ phần hóa để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành. Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là số các doanh nghiệp còn lại ở giai đoạn này đa phần là các doanh nghiệp có quy mô về tài sản rất lớn, rủi ro thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp càng trở nên hiện hữu. Do đó, KTNN cần tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, đề xuất sửa đổi, khắc phục một số hạn chế tồn tại trong quá trình xác định giá trị DNNN nói riêng, cổ phần hóa nói chung. 
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam Vũ Đức Nguyên nhận định, cổ phần hoá DNNN là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp, huy động vốn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện để người lao động được làm chủ, thay đổi phương thức quản lý, ngăn chặn tiêu cực, hướng đến kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cổ phần hóa không nên được xem như là “giải pháp vàng” hoặc giải pháp chữa trị thần kỳ cho các hoạt động công, vốn dĩ đã không hiệu quả. Việc đa dạng hóa sở hữu giúp cải thiện việc ra quyết định của doanh nghiệp, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và đảm bảo nguồn vốn đa dạng hơn. Tuy nhiên cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả hỗ trợ. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Hội viên Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) Việt Nam Vũ Đức Nguyên khẳng định, kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa do KTNN thực hiện sẽ góp phần tăng cường và tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp, giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, giúp Nhà nước nhanh chóng thu được các nguồn thu từ cổ phần hóa để kịp thời sử dụng cho những mục đích cấp thiết của quốc gia. Việc minh bạch thông tin sẽ giúp các DNNN đang trong tiến trình cổ phần hóa niêm yết, tiếp cận thị trường vốn một cách hiệu quả, tăng sức hút với các nhà đầu tư tiềm năng...

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề về thực trạng công tác cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp DNNN và những ảnh hưởng của tình trạng cổ phần hóa chậm, xác định không đúng đắn giá trị DNNN dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm”, suy giảm lòng tin, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển DN, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia; chỉ ra các điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý hiện nay liên quan đến quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, đặc biệt là các phương pháp xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa liên quan đến quyền sử dụng đất, các ước tính kế toán, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu…

Đặc biệt, Hội thảo còn tập trung làm rõ vai trò của KTNN trong công tác kiểm toán về xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia. Đồng thời chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về công tác đổi mới, cơ cấu lại DNNN và vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực này, cũng như tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước./.

Hà Linh

Xem thêm »