Đề nghị bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường do KTNN thực hiện trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

28/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 28/9/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi).

Quang cảnh Hội thảo

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm đại diện KTNN tham dự Hội thảo.

Nhiều chính sách đột phá trong dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho biết: Dự án Luật BVMT (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6/2020. Theo kế hoạch, sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Hiện nay, Dự thảo Luật đang được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và một số cơ quan, tổ chức liên quan. Trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, nổi lên một số vấn đề lớn, tại Dự thảo Luật còn nêu 02 phương án; có nội dung yêu cầu nghiên cứu thảo luận sâu hơn để quy định của Luật đảm bảo tính khả thi, thống nhất; phải đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, “tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm” nhưng cũng phải đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, tốt hơn cho môi trường….

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự án Luật BVMT (sửa đổi).

Sau Kỳ họp Quốc hội thứ 9, Bộ TN&MT đã phối hợp với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/8/2020, đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, với mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững; thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, dự thảo Luật đã có nhiều chính sách, quy định mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác BVMT, đảm bảo BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Dự thảo Luật gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến gồm 16 Chương, 179 Điều, trong đó có một số chính sách đột phá như: Cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định về đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành vào giấy phép môi trường (GPMT); không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, sau khi có ý kiến bổ sung của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 04/9/2020, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến tại Hội nghị; đồng thời cũng đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH để hoàn thiện hơn Dự thảo Luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu BVMT trong thời kỳ mới, đồng thời thể hiện được đầy đủ ý chí của các vị đại biểu Quốc hội, nguyện vọng của nhân dân.

Cần thiết phải bổ sung vai trò, vị trí của KTNN trong Luật BVMT (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội thảo, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng cho biết: Với tinh thần và mong muốn BVMT, gắn BVMT với phát triển bền vững, KTNN mong muốn Ban soạn thảo xem xét để hoàn chỉnh Dự thảo Luật BVMT, trong đó chú trọng bổ sung nội dung liên quan đến KTMT của KTNN.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm dự Hội thảo

Theo ông Lê Đình Thăng, BVMT là nhiệm vụ của tất cả mọi người dân, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp. Đây là sự nghiệp chung đòi hỏi phải có sự chung tay đồng lòng của toàn xã hội và cũng cần thiết kế chế tài nghiêm khác đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT. Muốn vậy phải quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và người dân để dễ dàng thực hiện, tránh chồng chéo và đảm bảo sự giám sát chặt chẽ. Đồng thời phải phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các tổ chức cá nhân liên quan đến môi trường, BVMT và chế tài xử lý nếu vi phạm pháp luật BVMT.

Ông Lê Đình Thăng cũng cho rằng, việc quy định về kiểm toán môi trường (Điều 78) tại Chương VI. Quản lý chất thải và kiểm soát chất thải ô nhiễm khác là không phù hợp. Bởi kiểm toán môi trường liên quan đến nhiều nội dung về BVMT từ quy hoạch, cấp phép, đánh giá tác động đến các hoạt động khác về quản lý môi trường… Mặt khác các nội dung quy định tại điều này thực chất là quy định về nhiệm vụ kiểm toán môi trường của nội bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, nên bỏ quy định tại điều này. Nếu muốn, có thể đưa về Chương II (mới) để quy định về nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm toán nội bộ về quản lý môi trường hoặc chuyển về Chương XIV. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường. Các nội dung cụ thể nếu có, có thể quy định ở văn bản khác liên quan đến kiểm toán nội bộ.

Đặc biệt, ông Lê Đình Thăng đề nghị cần thiết kế và làm rõ hơn các nội dung đồng thời cần bổ sung một điều quy định về vai trò, chức năng của KTNN đối với môi trường và BVMT trong Chương XIV. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường theo hướng: “1. KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý và BVMT, các hoạt động khác liên quan đến công tác quản lý và BVMT; 2. báo cáo kết quả kiểm toán, công khai kết quả KTMT theo quy định của Luật KTNN”. Theo đó, cần bổ sung vào Chương XIV và đổi tên chương thành: Kiểm tra, thanh tra, Kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường.

Các nội dung kiểm toán môi trường bao gồm: Việc tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ về môi trường, BVMT; việc xây dựng chính sách BVMT; tính kinh tế hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng và BVMT. Thông qua kiểm toán, KTNN sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng và BVMT. "Kết quả kiểm toán sẽ là nguồn thông tin quan trọng cung cấp cho Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Nhà nước biết được về thực trạng việc quản lý, BVMT để nhằm quản lý giám sát BVMT, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả thiết thực. Qua kiểm toán, KTNN cũng đưa ra các khuyến nghị về chính sách quản lý môi trường BVMT, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu của Quốc gia về phát triển bền vững" - ông Lê Đình Thăng nhấn mạnh.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Lê Đình Thăng căn cứ để đưa ra việc bổ sung này xuất phát từ một số cơ sở, cụ thể: KTMT hiện nay đã trở thành một trong những hoạt động chính, thường xuyên tại nhiều cơ quan KTNN trên thế giới. Là thành viên của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm KTMT vì sự phát triển bền vững, KTNN không thể nằm ngoài guồng quay, nhiệm vụ chung của các tổ chức. Do vậy, việc bổ sung quy định về KTMT là phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng luôn gắn với BVMT.

Bên cạnh đó, thời gian qua, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc KTMT như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường; cuộc kiểm toán các vấn đề sông Mê Kông năm 2012 với 5 cơ quan KTNN (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam); gần đây là các cuộc kiểm toán về công tác quản lý và xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và nhập khẩu phế liệu, kiểm toán việc BVMT tại các khu công nghiệp… Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm của các DN, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, BVMT và bịt lỗ hỏng nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường. Các phát hiện kiểm toán là cơ sở để KTNN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ và ban hành mới văn bản, hướng dẫn, quy định về lĩnh vực môi trường, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp, đề xuất phù hợp, mang tính thực tiễn cao nhằm tăng cường công tác quản lý, BVMT của đơn vị được kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù KTNN vẫn đang thực hiện KTMT nhưng các văn bản pháp luật hiện hành, kể cả Luật KTNN chưa quy định rõ về KTMT. Trong khi, Khoản 2, Điều 3, Dự thảo Luật xác định thành phần môi trường gồm đất, nước, không khí, … và Khoản 1, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định tài sản công bao gồm đất đai và các tài nguyên khác. Điều 14, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công. Như vậy, có thể hiểu môi trường là tài sản công, cần được KTNN thực hiện kiểm toán. Cho đến nay, ngoài KTNN, chưa có cơ quan nhà nước nào thực hiện chức năng kiểm toán tài chính công, tài sản công nói chung và KTMT nói riêng.

Ông Lê Đình Thăng cũng cho rằng, trong dự thảo Luật quy định về xử lý vi phạm trong BVMT tại điều 175, tuy nhiên các quy định này rất đơn giản và chưa đủ sức răn đe cũng như không cụ thể hành vi vi phạm. Theo tôi cần quy định rõ hàng vi vi phạm là những hành vi nào, mỗi hành vi đó cần xử lý ra sao, mức vi phạm nào thì xử phạt hành chính, mức vi phạm nào thì phải xử lý hình sự. Thậm chí cần bổ sung thêm quy định về đóng cửa cơ sở, đơn vị vi phạm về BVMT. "Đây là những nội dung cần thiết nhằm BVMT bền vững" - ông Lê Đình Thăng nhấn mạnh./.

M. Thúy
Ảnh: Quang Hiệu

Xem thêm »