Nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ “Nhận diện, đánh giá các sai sót và gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro, trọng yếu trong kiểm toán BCTC doanh nghiệp do KTNN thực hiện”

25/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 24/9/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nhận diện, đánh giá các sai sót và gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro, trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính DN do KTNN thực hiện” do CN. Lăng Trịnh Mai Hương (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) và TS. Nguyễn Thu Giang (KTNN chuyên ngành VI) đồng chủ nhiệm. TS. Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm tóa nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Đại diện Ban đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu

Theo Ban đề tài, yêu cầu minh bạch của mỗi chủ thể trong nền kinh tế ngày càng là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế lành mạnh và tài chính quốc gia bền vững. Các nghiên cứu trong nước và nước ngoài đều đã chỉ ra chính các hành vi gian lận báo cáo tài chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự mất cân xứng trên thị trường tài chính, làm ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia thị trường, suy giảm uy tín của các cơ quan quản lý, giám sát, kiểm tra và tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung.

Một trong những chức năng của KTNN là xác nhận tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính và đưa ra kết luận kiểm toán. Đặc biệt, việc nhận diện các hành vi gian lận từ trong giai đoạn khảo sát, lập kế hoạch sẽ giúp cho kiểm toán viên đánh giá mức độ rủi ro có sai sót trọng yếu sớm để xây dựng được một kế hoạch kiểm toán sát thực và phù hợp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của cả cuộc kiểm toán, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán và uy tín của KTNN.


Đề tài “Nhận diện, đánh giá các sai sót và  gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro, trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính DN do KTNN thực hiện” áp dụng phương pháp tiếp cận kết hợp cả nghiên cứu về mặt định tính và định lượng để có thể nhận diện các hành vi sai sót gian lận và đề xuất các tiêu chí đánh giá mức độ sai sót gian lận từ đó đưa ra các thủ tục kiểm toán thích hợp trong kiểm toán báo cáo tài chính DN do KTNN thực hiện.

Đề tài kết cấu gồm 02 Chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận và thực trạng nhận diện đánh giá gian lận báo cáo tài chính và các DN có vốn nhà nước; Chương 2 - Giải pháp hoàn thiện đánh giá và nhận diện hành vì sai sót, gian lận báo cáo tài chính của DN do KTNN thực hiện.
 
Quang cảnh buổi nghiệm thu

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học đánh giá: Về cơ bản, đề tài đạt được mục tiêu nghiên cứu, tổng hợp được những vấn đề chung về cơ sở lý luận về sai sót, gian lận báo cáo tài chính DN; kinh nhiệm nước ngoài và thực trạng đánh giá sai sót, gian lận báo cáo tài chính để xác định rủi ro trọng yếu của DN; một số giải pháp hoàn thiện đánh giá và nhận diện sai sót, gian lận báo cáo tài chính do KTNN thực hiện.

Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung thêm: Kinh nghiệm của một số DN kiểm toán độc lập tại Việt Nam; Định hướng hoàn thiện các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, trong đó có các quy định về hoàn thiên việc đánh giá sai sót, gian lận, trọng yếu, rủi ro kiểm toán. Ngoài ra, Ban đề tài cần sửa đổi một số nội dung, khái niệm liên quan đến DNNN theo Luật Doanh nghiệp năm 2020; nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức gian lận khác như: đánh giá sai giá trị tài sản góp vốn, cấp vốn.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu. Trong đó, tập trung sâu hơn vào các nội dung: Bổ sung thêm kinh nghiệm thực trạng kiểm toán độc lập; cập nhật lại thông tin về Luật DNNN 2020; Bổ sung thêm các hình thức gian lận chủ yếu; Đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán của KTNN, chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế trong việc đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính DNNN, từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện.

Đề tài được Hội đồng thông qua và xếp loại Khá.

Hà Linh
 
 
 
 
 

Xem thêm »