Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước

22/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 22/9/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước dự hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBDN tỉnh Nghệ An; Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng; Trần Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Bùi Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, Trường đại học, Viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, các Tập đoàn, Tổng công ty, đại diện các công ty kiểm toán độc lập, các tổ chức, hội nghề nghiệp kiểm toán, kế toán...; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN cũng tham dự hội thảo.

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, ở Việt Nam, đầu tư công chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng mức đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế. Do đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nên bất kỳ sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng đầu tư công đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư.

Từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn đầu tư công giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm 2020 vẫn thấp so với yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.
 

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu đề dẫn Hội thảo

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó công tác kiểm toán các dự án đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của KTNN. Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp NSNN, giảm thanh toán và xử lý khác, đồng thời, có rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban QLDA để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án, kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.

Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán như: Quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng; Công tác kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư dự án. Việc sử dụng chuyên gia và trưng cầu giám định những hạng mục chính trong quá trình kiểm toán còn hạn chế. Công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư dự án chưa được tốt...

Phát biểu tại Hội thảo, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ cho biết, qua kết quả kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại hạn chế trong: Việc phê duyệt chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư; công tác phân bổ kế hoạch vốn; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác lựa chọn nhà thầu dẫn đễn chậm tiến độ thực hiện; việc tổ chức thực hiện dự án đầu tư… làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Để giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng Phú Thọ đề xuất, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, cụ thể: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về thực trạng, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh... Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và vai trò của KTNN...

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đánh giá, hoạt động của KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý và sử dụng ngân sách nói chung và vốn đầu tư công nói riêng. Để phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, giúp các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị KTNN tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị được kiểm toán trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, thu thập thông tin để xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu, từ đó áp dụng các phương pháp kiểm toán và bố trí lực lượng kiểm toán thích hợp; nghiên cứu cách thức, giải pháp phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT để rút ngắn quy trình và thời gian kiểm toán tại các địa phương. Nghiên cứu cơ chế phối hợp để KTNN tham gia cùng với các địa phương trong công tác xây dựng hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương; Tăng cường mở các lớp tập huấn về công tác quản lý ngân sách địa phương, giúp các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý vốn, ngân sách Nhà nước cũng như giải ngân vốn đầu tư công…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thể chế, chính sách, pháp luật. Trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, song nhiều văn bản vẫn còn có sự mâu thuẫn, làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư công.

Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, KTNN không chỉ có vai trò là một trong những công cụ hưu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, làm minh bạch nền tài chính công, tài sản công, mà còn có vai trò là cơ quan tư vấn. “KTNN luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc kiểm toán ngay từ trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án. Bởi, nhiều vi phạm có thể nảy sinh ngay từ quá trình chuẩn bị dự án, việc phát hiện sớm vi phạm sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện dự án sau này được thuận lợi, theo đúng quy định của pháp luật hơn” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Phát biểu bế mạc, thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cảm ơn, đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến của các đại biểu tham dự đồng thời khẳng định: Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để xây dựng các giải pháp khoa học, hữu hiệu, sáng tạo trong hoạt động kiểm toán, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân/.

M. Thúy

Xem thêm »