Kiểm toán nhà nước đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm toán môi trường của KTNN trong Luật bảo vệ môi trường

11/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 11/9/2020, Tổng Kiểm toán nhà nước, Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc đã có Công văn số 990/KTNN-CNIII gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc “Bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc

Công văn nêu rõ, môi trường được xác định là một trong ba trụ cột để phát triển bền vững đất nước. Tại Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX chỉ ra rằng, bảo vệ môi trường cùng với tăng cường quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Kiểm toán nhà nước (KTNN) với vai trò là cơ quan hiến định độc lập, có trách nhiệm kiểm toán môi trường để phục vụ Quốc hội giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý chức năng, giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), KTNN đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật một điều về kiểm toán môi trường do KTNN thực hiện tại Chương XIV về “Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nai, tố cáo môi trường”.

 Cụ thể, KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan Nhà nước và các đơn vị khác có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường. Nội dung kiểm toán môi trường bao gồm: Kiểm toán tài chính (kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, và các chương trình, hoạt động có liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường); Kiểm toán tuân thủ (Kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện); Kiểm toán hoạt động (Kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lỷ và bảo vệ môi trường, và các chương trình, hoạt động có liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường). Căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán theo Luật Kiểm toán nhà nước.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường của đơn vị mình hoặc thuê đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với KTNN, ban hành các văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục và phương pháp thực hiện kiểm toán môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, kiến nghị trên là căn cứ vào quy định pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đã kiểm toán môi trường do KTNN đã thực hiện.
Về cơ sở pháp lý, công văn nêu: Trước hết, cần khẳng định môi trường là tài sản công. Trong khi đó, Luật Kiểm toán nhà nước xác định “Tài sản công bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn ở vùng biển, vùng tài nguyên thiên nhiên khác...

Về kết quả kiểm toán môi trường, công văn nêu: Trong những năm qua, KTNN đã từng bước thực hiện kiểm toán môi trường như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Kông năm 2012; Các cuộc kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; Các cuộc kiểm toán về công tác quản lý và xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, nhập khẩu phế liệu, quản lý và sử dụng túi ni lông ở thành phố Hồ Chí Minh...

Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều ngàn tỷ đồng, KTNN còn chỉ ra nhiều sai phạm của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường và bịt lỗ hổng nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường. Việc đưa hoạt động kiểm toán vào Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN thực hiện tốt hơn vai trò đã được Hiến định.

Hiện Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) gồm 195 thành viên. Theo khảo sát của Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI, hầu hết các cơ quan KTNN thuộc INTOSAI đều có chức năng pháp lý về thực hiện kiểm toán môi trường. Trong đó, kiểm toán hoạt động chiếm 93%, kiểm toán tuân thủ chiếm 88% và kiểm toán tài chính chiếm 87%. Điều này cho thấy, kiểm toán môi trường là một hoạt động kiểm toán không thể thiếu của các cơ quan KTNN trên thế giới./.

Thanh Trang
 

Xem thêm »