Kiểm toán nhà nước sơ kết 6 tháng đầu năm 2020: Tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm toán đúng thời hạn, chất lượng và hiệu quả

08/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 7/7/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN)- 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị

Cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn cách ly xã hội

Theo Báo cáo tại Hội nghị, nhờ sự nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên hầu hết các mặt công tác 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) được đổi mới đảm bảo đúng pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội; chi tiết các đầu mối kiểm toán đã giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Đặc biệt, trong xây dựng KHKT năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm số cuộc kiểm toán, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán so với năm 2019 (cắt giảm 30% về cả số cuộc kiểm toán và số lượng đầu mối, đơn vị hoặc chủ đề kiểm toán) để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán. Bên cạnh việc giảm đầu mối kiểm toán, số cuộc kiểm toán, nhiều giải pháp mới, có tính đột phá đã được KTNN tổ chức triển khai đồng bộ, như: Đẩy mạnh việc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tiếp tục xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán; không đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN của các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh sau thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19. Đây là điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước, góp phần hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán; cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn cách ly xã hội.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán. Trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 với kết quả xử lý tài chính là 81.095 tỷ đồng; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản (01 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 13 Nghị định, 34 Thông tư và 149 văn bản khác) không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Tính đến 30/6/2020, toàn Ngành đã triển khai 93/176 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 54/176 Đoàn kiểm toán (đạt 30% so với kế hoạch), phát hành 08 BCKT. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, các cuộc kiểm toán phát hành BCKT theo đúng quy định của Luật KTNN. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/6/2020 là 8.191 tỷ đồng, trong đó: Thu về NSNN 2.599 tỷ đồng; giảm chi NSNN 2.247 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 3.345 tỷ đồng; cung cấp 13 bộ hồ sơ cung cấp (gồm 49 BCKT và các tài liệu có liên quan) cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan; triển khai xây dựng và xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, cả nước phải thực hiện cách ly trong thời gian dài, song KTNN đã có những giải pháp đồng bộ, kịp thời trong triển khai nhiệm vụ. Trong đó, Ban Cán sự đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành điều chỉnh KHKT để vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện KHKT năm 2020, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng, chống dịch của đơn vị được kiểm toán và không thực hiện đối chiếu thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh hoạt động kiểm toán, công tác xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.  Dự thảo Chiến lược đã được gửi lấy ý kiến của 16 Bộ, ngành. Đến nay, KTNN đã tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 40 để hoàn thiện Chiến lược theo đúng kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, KTNN sẽ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội lần 2 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) vào trung tuần tháng 7/2020 trước khi trình ban hành.

Công tác tổ chức cán bộ và đào tạo; xây dựng và phổ biến pháp luật; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học; công tác văn phòng, công nghệ thông tin; thi đua-khen thưởng; báo chí, truyền thông… tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo và vượt tiến độ đề ra.
 
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch 177/KH-KTNN ngày 18/02/2020 thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước- Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ của Tổng Kiểm toán nhà nước và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc trong việc giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã triển khai đầy đủ theo quy định các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập và trong công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái, giải quyết thôi việc cũng như bổ nhiệm, bổ nhiệm lại... Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán; hoạt động kiểm toán phải tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng, góp ý sửa đổi các văn bản pháp luật, tăng cường công tác kiểm toán chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm toán viên không đủ phẩm chất đạo đức, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán. Lợi dụng nhiệm vụ để trục lợi, phục vụ động cơ cá nhân hoặc bỏ sót, cố tình làm sai lệch, giảm bớt kết quả kiểm toán...; nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
 

Quang cảnh Hội nghị

Ngoài ra, việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của Luật KTNN, Luật Báo chí và các văn bản liên quan. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 sau khi báo cáo Quốc hội đã được KTNN tổ chức họp báo công khai và đăng tải kịp thời trên các phương tiện truyền thông của KTNN với kết quả nổi bật: Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng; chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí. Trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã cung cấp 13 bộ hồ sơ (gồm 49 BCKT và các tài liệu có liên quan) cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát.

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm toán đúng thời hạn, chất lượng và hiệu quả

Để hoàn thành xuất sắc toàn diện kế hoạch công tác năm 2020, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, toàn Ngành tập trung hoàn thành nhiệm vụ thực hiện KHKT năm 2020, trong đó: Hoàn thiện và phát hành đúng tiến độ các BCKT đã kết thúc theo quy định, đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là kiến nghị về xử lý tài chính và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, đặc biệt cần quan tâm đến việc thu thập đầy đủ, chặt chẽ các bằng chứng kiểm toán phù hợp với kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, trên cơ sở rút kinh nghiệm các cuộc kiểm toán trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tích cực và chủ động đẩy nhanh việc thực hiện các cuộc kiểm toán còn lại theo kế hoạch; lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Đoàn kiểm toán cần nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ CNTT để giảm thời gian kiểm toán, tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán.

Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao; chú trọng chỉ đạo các Đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải mục tiêu, nội dung kiểm toán, xử lý thống nhất các vấn đề phát sinh ngay trong quá trình kiểm toán. Tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 đối với niên độ ngân sách 2018 theo kế hoạch được duyệt; tiếp tục đôn đốc, cập nhật kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán các năm trước; có giải pháp hiệu quả đối với các đơn vị được kiểm toán không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN; đẩy nhanh tiến độ giải quyết, trả lời kiến nghị, khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán.

Trong việc xây dựng KHKT năm 2021 cần chủ động, xác thực, bám sát hướng dẫn của Ngành, trong đó phấn đấu kiểm toán ngân sách năm 2021 của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội.

Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương, đa phương theo kế hoạch; tập trung thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình hành động thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI của KTNN, trong đó, tập trung vào công tác chuẩn bị cho Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI trong tháng 7/2020; tích cực hoạt động trong khuôn khổ INTOSAI, ASEANSAI, ba bên Việt Nam - Lào – Campuchia...

Toàn Ngành đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT năm 2020, trong đó tập trung xây dựng và triển khai các nội dung thuộc Dự án “Xây dựng hệ thống nền tảng dữ liệu lớn và hệ thống quản lý thông tin đơn vị được kiểm toán của KTNN”; đưa vào áp dụng trong toàn Ngành các phần mềm: Quản lý đào tạo; Quản lý khiếu nại kiểm toán; hỗ trợ Quản trị và Hỗ trợ người dùng; hệ thống văn bản quản lý và điều hành (phiên bản nâng cấp) và chữ ký số; hoàn thành kết nối liên thông văn bản với các cơ quan Nhà nước qua trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thành xây dựng và trình ban hành các quy trình quản lý, khai thác, sử dụng CNTT theo kế hoạch…

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu toàn Ngành thực hiện tốt 9 giải pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tính gương mẫu, liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN gắn với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát ở tất cả các cấp quản lý. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, Quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ…; xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán. Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán.Tăng cường tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật KTNN. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với với việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của toàn Ngành và công tác kiểm tra trong nội bộ các đơn vị trực thuộc nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực thi công vụ./.

Lê Quân
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác an sinh xã hội cũng được lãnh đạo KTNN quan tâm, chỉ đạo và toàn Ngành đã tổ chức thực hiện nhiều phong trào thiết thực, có hiệu quả: Xây tặng 08 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn 07 tỉnh, giá trị hơn 400 triệu đồng; trao tặng 150 máy tính đã qua sử dụng cho 05 tỉnh miền Tây Nam Bộ và nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo tại các địa phương, bệnh viện lớn của Trung ương và Hà Nội, giúp đỡ những người già neo đơn, công chức, người lao động KTNN gặp khó khăn, với giá trị gần 2.500 triệu đồng.
 

Xem thêm »