Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2020

01/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn)- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (Luật) được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020. Theo đó, Luật  sửa đổi, bổ sung 15 nội dung của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 (Luật KTNN 2015) và 7 nội dung của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2020

Luật gồm 03 điều:  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN số 81/2015/QH13, trong đó quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung. Các khoản được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của Luật KTNN số 81/2015/QH13; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH 13, trong đó quy định về các nội dung sửa đổi mang tính thủ tục tố tụng hành chính các nội dung liên quan đến lĩnh vực KTNN mà Luật Tố tụng hành chính chưa quy định; Hiệu lực thi hành.

Luật đã giải thích rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán tại khoản 2a Điều 3 Luật KTNN 2015 (quy định tại khoản 1 Điều 1 của  Luật). Ngoài ra, Luật còn bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN... của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc sửa đổi này nhằm khắc phục việc Luật KTNN năm 2015 chưa quy định rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến quá trình thực hiện Luật có khó khăn, vướng mắc.

Luật bổ sung quy định việc truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại khoản 2 Điều 11 và điểm h, khoản 2, Điều 39 (tại điểm a khoản 3 và điểm b khoản 6 Điều 1), Luật KTNN 2015. Đồng thời, Luật cũng quy định khi khai thác, truy cập thông tin, dữ liệu điện tử thì KTNN phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật, bảo mật thông tin.

Luật bổ sung quy định KTNN xử phạt vi phạm hành chính do Luật xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, tạo ra khoảng trống pháp lý. Việc trao cho KTNN thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, bảo đảm hiệu quả cho hoạt động của KTNN. Luật đã quy định mang tính nguyên tắc về việc xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 6a Điều 11 như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Luật bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo. Theo đó, Luật đã bổ sung Điều 64a về cơ quan thanh tra và KTNN (tại khoản 10 Điều 1), trong đó quy định về trách nhiệm phối hợp của KTNN (với vai trò là cơ quan chủ trì) với cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm, trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của minh và khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Luật đã sửa đổi, bổ sung điều 69, Luật KTNN 2015, quy định rõ về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Luật cũng quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định trong thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.
 
Đồng thời, Luật quy định rõ trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại (Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước bao gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán; Quyết định giải quyết khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước) tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
 
Để đảm bảo trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện theo Luật Tố tụng Hành chính và để thực hiện được việc khởi kiện thì Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của pháp luật hiện hành có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.
 
Ngoài ra, Luật bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và bổ sung Quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán./.
 
Ngọc Bích
 
 
 
 

Xem thêm »