Nghiệm thu đề tài NCKH cấp cơ sở "Kiểm toán chuyên đề kinh phí người có công với cách mạng do KTNN thực hiện”

26/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 25/6/2020, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ths. Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài, Hội đồng đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở "Kiểm toán chuyên đề kinh phí người có công với cách mạng do KTNN thực hiện”. Ths. Đỗ Khánh Hiền và Ths. Nguyễn Thị Thu Hương – KTNN chuyên ngành III đồng chủ nhiệm đề tài.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong suốt 70 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách đã không ngừng được hoàn thiện và được thực hiện đồng bộ, góp phần to lớn vào những thành tựu trong lĩnh vực NCC nói riêng, của ngành LĐTBXH nói chung. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC trong quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những vướng mắc, hạn chế. Việc kiểm tra, đánh giá về chính sách này được xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc kiểm toán kinh phí NCC chưa được KTNN tổ chức riêng biệt, mà chỉ được thực hiện lồng ghép trong kiểm toán BCTC tại Bộ LĐTBXH. Vì vậy, việc đánh giá về kinh phí NCC và hiệu quả của chính sách chưa sâu sắc và cụ thể.
 
Đề tài “Kiểm toán chuyên đề kinh phí người có công với cách mạng do KTNN thực hiện” được tổ chức với mục tiêu: Hệ thống hóa những lý luận cơ bản về kinh phí người có công và kiểm toán kinh phí NCC; Tổng hợp và đánh giá thực trạng về kiểm toán kinh phí người có công nhằm tìm ra những mặt còn tồn tại từ đó đưa và giải pháp, cách thức hoàn thiện.
 
Về kết cấu, ngoài mục lục, danh mục bảng biểu, đề tài gồm 02 chương: Tổng quan chung về kiểm toán kinh phí NCC; Giải pháp hoàn thiện kiểm toán chuyên đề kinh phí người có công do KTNN thực hiện.
 
Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo

Nhấn mạnh vào nội dung giải pháp hoàn thiện kiểm toán chuyên đề kinh phí NCC do KTNN thực hiện, Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài tập trung vào các giải pháp: Hoàn thiện phương pháp kiểm toán kinh phí NCC; Hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề kinh phí NCC; Phân tích những điều kiện để đảm bảo thực hiện các giải pháp như: Phối hợp đồng bộ giữa KTNN, các cơ quan có liên quan và đơn vị được kiểm toán nhằm tạo ra môi trường kiểm toán phù hợp; Tăng cường năng lực cho Kiểm toán viên của KTNN; Công tác tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề kinh phí NCC với cách mạng tại Đoàn kiểm toán và Tổ kiểm toán.
 
Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đối với công tác kiểm toán của KTNN hiện nay là cần phải thực hiện các chuyên đề kiểm toán chuyên sâu theo từng lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Nhân dân.
 
Để hoàn thiện đề tài, Ban Chủ nhiệm đề tài nên: Xem xét phần phạm vi nghiên cứu cho phù hợp với với kết quả và đề xuất nghiên cứu; Làm rõ về khoảng trống nghiên cứu để làm rõ vấn đề cần nghiên cứu- tác động – cải thiện; Đề tài nên tập trung nghiên cứu đề xuất mục “hoàn thiện phương pháp kiểm toán kinh phí NCC” và “Hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề kinh phí NCC” và coi đó như là sản phẩm nghiên cứu chính-  Đề cương kiểm toán chuyên đề sẽ hiệu quả trong áp dụng….
 
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Minh Nam cho rằng, đề tài mang tính cấp thiết; có ý nghĩa trong việc nghiên cứu để cải thiện chất lượng công tác kiểm toán trong phạm vi chuyên ngành. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng, xác định rõ mục tiêu nghiên cứu của đề tài gắn với phạm vi nghiên cứu; Biên soạn lại phần đánh giá thực trạng, giải pháp đảm bảo tính đồng bộ, logic và mang tính ứng dụng cao…
 
Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá./.

Ngọc Bích

Xem thêm »