Quốc hội thảo luận việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng

23/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 23/5/2020, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của Thành phố. Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính - ngân sách. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 4 Chương, gồm 15 điều, trong đó đối với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Chính quyền Thành phố sẽ được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích không lớn (1.285,4 km²), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, gồm 08 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 06 quận) và 56 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 45 phường) nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng 


Thành phố Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 6 quận, huyện Hòa Vang và 45 phường trong thời gian 07 năm, từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt, có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. “Việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa - lịch sử, đặc điểm địa lý tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này. Mặt khác, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã cho phép Quốc hội quyết định ở các đơn vị hành chính là quận và phường có thể tổ chức mô hình chính quyền đô thị không phải là cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND)” – Chủ nhiệm UBPL nêu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.

Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đối với điều chỉnh quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết giao Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, giao UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Về vấn đề này, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch thì việc điều chỉnh quy hoạch thành phố thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Việc Luật Quy hoạch quy định chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua, “tránh tình trạng điều chỉnh bổ sung quy hoạch tùy tiện, hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ”. Do đó, việc dự thảo Nghị quyết đề nghị thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.

Với những lý do nêu trên, UBPL đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung trong hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng - động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến, 03 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UBPL của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung như: Về mô hình chính quyền đô thị, phạm vi, thời gian thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường khi không tổ chức HĐND quận, phương; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng...

Các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề như cơ chế để bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ và bảo đảm hoạt động giám sát trong điều kiện chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở thành phố và không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, ở phường. Có ý kiến cho rằng trong 5 thành phố trực thuộc trung ương hiện nay đã có Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, đến Đà Nẵng có cơ chế đặc thù vậy đến khi nào có cơ chế đối với Hải Phòng và Cần Thơ và có trở thành đại diện để thí điểm cho 5 thành phố và liệu có tiến tới xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh khác, khu vực khác như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Các đại biểu lo ngại nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm có thể dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng xin cơ chế đặc thù.

Theo đó, các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố. Nhất trí với việc tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần làm, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù. Điều này có thể sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành trong hệ thống bộ máy chính quyền. Vì vậy, cần đặt nghị quyết cho Đà Nẵng trong mối quan hệ với các Nghị quyết dành cho Thành phố Chí Minh và thành phố Hà Nội để từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật và sau tổng kết có thể nhân rộng ra các thành phố khác.

Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội thảo luận và đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khi xây dựng cơ chế, chính sách sẽ tính đến những đặc thù, tính chất, đặc điểm riêng của từng vùng, từng địa phương và từng đối tượng. Trong quá trình phát triển, sẽ phát hiện ra những vấn đề đang cản trở một số địa phương, một số vùng miền nên không tránh khỏi cần phải bổ sung những cơ chế, chính sách khác hơn, đặc thù hơn, vượt trội hơn để tạo cho các địa phương, các vùng, miền có điều kiện phát triển, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của mình, giải phóng được các nguồn lực, phát triển nhanh hơn và trở thành một nơi đóng góp cho ngân sách hơn, tạo động lực lan tỏa và lôi kéo được các địa phương xung quanh. “Đó là mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng cơ chế, chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội và bây giờ là Đà Nẵng” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ để nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản hơn, đặc biệt là bám sát vào chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới. Trong chiến lược này xác định các vùng động lực và các cực tăng trưởng cũng như các thành phố lớn sẽ là động lực cho phát triển đất nước, trên cơ sở đó sẽ có báo cáo Quốc hội có nên xây dựng một luật riêng cho các thành phố lớn hay các vùng kinh tế trọng điểm không?

Về mô hình tổ chức chính quyền của Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc thống nhất chọn mô hình là một cấp chính quyền địa phương và hai cấp hành chính, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo các nghị quyết của Trung ương, phù hợp với các luật, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của Đà Nẵng là thành phố có diện tích không lớn, với tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao. “Chính phủ sẽ rà soát lại các nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng nhân dân quận, phường để khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận phường và chuyển nhiệm vụ lên cho Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận không bị bỏ sót” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Về nội dung quy hoạch, Chính phủ trình ra Quốc hội thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho chính quyền thành phố. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường đều nhất trí quy hoạch của thành phố là quy hoạch rất quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ, không để phá vỡ quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Do đó không phân cấp.

Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là một quy hoạch cấp dưới của quy hoạch thành phố và chịu sự điều chỉnh bởi quy hoạch thành phố, thường xuyên thay đổi, thường xuyên phát sinh trong quá trình hoạt động. Vì vậy để chủ động và rút ngắn thời gian thực hiện có thể phân cấp được cho thành phố với một quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ và phải có ý kiến của Bộ Xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và không được phá vỡ quy hoạch của cấp trên.

UBTVQH sẽ chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên thảo luận


Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đà Nẵng là thành phố năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, là trung tâm của khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển. Tại phiên thảo luận hôm nay, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời, tán thành với mô hình, phạm vi, thời gian thực hiện thí điểm và một số cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết. Cụ thể:

Về mô hình thí điểm, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp: tại thành phố Đà Nẵng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND, UBND; tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Theo đó, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của chính quyền đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, cân nhắc việc bố trí cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách của thành phố và tăng cường năng lực các ban của HĐND thành phố để đảm nhiệm quyền hạn, nhiệm vụ mới.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận và UBND phường, các ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình.

Về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có 03 nhóm chính sách như sau: Một là, về điều chỉnh quy hoạch, tán thành với giải trình trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, theo đó, chỉ cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị của thành phố; không đồng ý việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để đảm bảo tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch. Hai là, về nhóm chính sách về tài chính - ngân sách, tán thành việc cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương và sử dụng nguồn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố Đà Nẵng. Ba là, về việc giao cho HĐND thành phố quyết định bổ sung khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí, đồng ý với Tờ trình của Chính phủ.

- Ngoài ra, hiện nay có một số cơ chế, chính sách được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị như: Vấn đề đất đai, môi trường, chính quyền cảng, cải cách chính sách tiền lương… đang được triển khai nghiên cứu, nên Chính phủ đề nghị chưa đưa những vấn đề này vào dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua./.

Khánh Vy

Xem thêm »