Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng

23/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 23/5/2020, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

Sửa đổi, bổ sung 59 Điều, tăng 7 Điều so với so với dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, các điều, khoản của dự Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến góp ý cụ thể của các đại biểu Quốc hội về: Giải thích từ ngữ; nguyên tắc cơ bản và chính sách khuyến khích của Nhà nước; phân loại, cấp công trình dự án đầu tư xây dựng; xây dựng công trình tạm; vật liệu xây dựng; ban hành định mức và công bố chỉ số giá xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; trách nhiệm quản lý Nhà nước… cũng như chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản. UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo thống nhất rà soát, chỉnh lý nội dung của dự án Luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung 59 Điều tăng 7 Điều so với so với dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, tiếp ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể: Dự luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở...

Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ...

Về quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành đã được UBTVQH chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch; đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng. Do đó, quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng được sửa đổi, bổ sung như trong dự Luật.

Về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Dự án này có một số đặc thù như đa dạng về hình thức và mục tiêu, có yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai, có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội, đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị, thường triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian dài, vừa thi công xây dựng, vừa kinh doanh khai thác... Do vậy, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề nêu trên, dự án Luật chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định nội dung, công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và bàn giao công trình. Các quy định này không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Về xây dựng công trình khẩn cấp, cấp bách, hiện nay theo quy định tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Đầu tư công năm 2019 đều có các quy định liên quan đến xây dựng công trình khẩn cấp. Do đó, dự Luật vẫn giữ quy định về xây dựng công trình khẩn cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng được bao quát hơn.

Dự thảo Luật cũng quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Thống nhất nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung: Phạm vi điều chỉnh; tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; về nguyên tắc cơ bản, chính sách khuyến khích của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng; về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng công trình; về phân loại, cấp công trình dự án đầu tư xây dựng; xây dựng công trình tạm; về vật liệu xây dựng; về thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng; miễn giấy phép xây dựng; về ban hành định mức và công bố chỉ số giá xây dựng; về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng; về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; về quản lý trật tự xây dựng; về trách nhiệm của Ban quản lý dự án...
 

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng cần xác định vai trò, chức năng, nội dung đối với các điều chỉnh Luật theo hướng giới hạn và tập trung vào công tác xây dựng nhằm mục đích xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến việc xây dựng công trình một cách có hiệu quả, bền vững.

Theo đại biểu, các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản. Đối với những nội dung đã được kiểm chứng qua thực tiễn và phù hợp với quy định thì bổ sung vào Luật, những nội dung chưa được áp dụng và còn bất cập trong thực tiễn thì nếu nâng lên thành luật sẽ gây khó khăn và không đảm bảo tính khả thi.

Đề cập tới việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân trong vùng quy hoạch đã được công bố mà chưa thực hiện công trình xây dựng, đại biểu đề nghị Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất của họ khi quá thời hạn quy hoạch.
 
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) thảo luận tại phiên họp

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bả Rịa-Vũng Tàu) đánh giá, về quy mô, giới hạn công trình nhà ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị thì không cần giấy phép theo quy định cũ là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế quản lý, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn để tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn nhằm sử dụng với nhiều mục đích khác. "Điều này có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý" - đại biểu nhấn mạnh.

Với những bất cập đó, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị ban soạn thảo dự án Luật cần có quy định về giới hạn, quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp trên. 

Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo nhưng cần phải quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép xây dựng ở nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân những cũng cần siết chặt việc quản lý xây dựng theo đúng quy định của pháp luật...

Về thực hiện quy hoạch xây dựng, một số đại biểu cho rằng, hiện vẫn còn có sự chồng chéo giữa Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị nên cần có sự xem xét, rà soát kỹ xem những điều nào bất cập để chỉnh sửa.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, Ban soạn thảo Dự án Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp đô thị đối với quy hoạch thành phố và các khu dân cư. Cần phải quy định thống nhất và hạn chế các thủ tục không cần thiết đối với việc thẩm định các dự án để hạn chế nhiều dự án chậm tiến độ xây dựng. Bởi thực tế, có nơi xây dựng xong mới hoàn thiện quy hoạch nên có nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch. Nhằm kịp thời ngăn chặn những bất cập trên, trong dự Luật cần ban hành quy chế xử phạt nghiêm khắc khi địa phương để xảy ra những sai phạm trong quy hoạch xây dựng. 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được UBTVQH sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua./.

M. Thúy

Xem thêm »