Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

21/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 21/5/2020, tại nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
 
Báo cáo tập trung giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các nội dung: Về mối quan hệ của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với các luật có liên quan; Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp; Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); Về thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp; Về quyền của cổ đông phổ thông…
 
Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của UBTVQH. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này gồm 10 Chương với 219 Điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.
 
Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc
 
Trong phiên thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu tập trung vào một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về: Hộ kinh doanh, con dấu của doanh nghiệp, số vốn điều lệ của DNNN.
 
Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một Luật riêng về hộ kinh doanh. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý Nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Mặt khác, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
 
Thảo luận nội dung liên quan đến mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động cụ thể về quy định này, nếu triển khai quy định này trong thực tế liệu có đảm bảo được cơ chế kiểm soát và đủ cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra hay không?
 
Thảo luận về ý kiến xung quanh quy định DNNN là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối của Nhà nước, một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tỉ lệ vốn Nhà nước chiếm giữ trên 50% là DNNN. Quy định này chưa thể hiện được vai trò chi phối và quyết định của Nhà nước với các vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền hài hòa, đóng góp của các cổ đông khác. Một số ý kiến lại cho rằng, Nhà nước nắm giữ 50% vốn là có quyền chi phối nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đảm bảo lợi thế quyết định, đặc biệt là hợp đồng kinh doanh nên tỉ lệ trên 50% là phù hợp. Một số ý kiến đề nghị, để xác định căn cứ, đề nghị rà soát số lượng DNNN mà Nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên, đánh giá rõ tác động, tiến trình cổ phần hóa, thu hút vốn từ tư nhân...

Giải trình về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ lựa chọn phương án đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là định danh cho loại hình hộ kinh doanh, bảo về quyền lợi cho họ và có thể áp dụng các chương trình hỗ trợ cho hộ kinh doanh. Mặt khác, việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự án Luật cũng góp phần gỡ bỏ được một số rào cản đang làm vướng mắc và cản trở hộ kinh doanh để họ hoạt động có hiệu quả hơn, có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế tự nhân. Ngoài ra, việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không làm phát sinh thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và thúc đẩy hộ kinh doanh có đủ điều kiện kinh tế, tiềm năng chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Bởi thực tế có hàng trăm hộ kinh doanh có tiềm lực kinh tế, thuê hàng trăm lao động làm việc và đạt doanh thu đến nghìn tỷ/năm.
 
Về nội dung con dấu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2014, Luật Doanh nghiệp đã bỏ quy định doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu. Tùy quyết định của doanh nghiệp có khắc dấu hay không khắc dấu và khắc như thế nào. Còn Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này chỉ bỏ một thủ tục thông báo mẫu dấu, chứ không phải chúng ta bỏ con dấu. Điều này cũng là giảm thủ tục cho các doanh nghiệp và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Về vấn đề DNNN là thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII. Khi soạn dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều phương án, cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Điều này cũng đảm bảo quyền chi phối của Nhà nước, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều ý kiến về việc cần có cơ chế giám sát hoạt động của DNNN. Những đề xuất này sẽ được Bộ tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện trong các văn bản hướng dẫn chi tiết các hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, Bộ có thể chia loại hình DNNN thành 2 loại. Loại thứ nhất là doanh nghiệp chiếm 100% vốn điều lệ của Nhà nước và loại thứ hai là doanh nghiệp chiếm trên 50% vốn điều lệ của Nhà nước để không ảnh hưởng tới các cổ đông nắm cổ phần không chi phối và đảm bảo tiến trình cổ phần hóa DNNN vẫn diễn ra bình thường.
 
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về UBTVQH sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »