Cho ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước

15/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 15/5/2020, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự phiên họp.

Tại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tóm tắt về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2020.

Dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xu hướng hiện nay là ưu tiên phát triển quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
 

Quang cảnh phiên họp


Trên cơ sở dự báo tình hình với sự rà soát, tính toán các cân đối lớn, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, cụ thể:

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Trong quá trình phát triển, nước ta đã bị tác động và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới. Để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Do đó, theo Bộ trưởng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, theo đó dự kiến Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%...

Điều hành sử dụng dự phòng ngân sách triệt để tiết kiệm

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, 4 tháng đầu năm 2020, tổng thu NSNN đạt 491,38 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 37% dự toán, tăng 14,9%) do tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh... Tổng chi NSNN đạt 472,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2019. "Các nhiệm vụ chi NSNN trong 4 tháng đầu năm được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách; đồng thời bảo đảm tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống Covid-19, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội'' - Bộ trưởng cho biết.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ về thu, chi NSNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch bệnh, như: Gia hạn thuế và tiền thuê đất, giảm các loại phí, lệ phí, nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ...

Dự báo về tình hình thu, chi NSNN năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tác động của dịch bệnh khiến việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn. Điều này cũng tác động mạnh đến cân đối thu, chi NSNN các quý tiếp theo và cả năm 2020. 

Vì vậy, trong thời gian còn lại của năm 2020, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020; tăng cường công tác quản lý thu NSNN; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, triển khai các giải pháp về tài khóa - tiền tệ để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19. Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, điều hành sử dụng dự phòng NSNN triệt để tiết kiệm; trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh. 

Chính phủ cần hết sức tỉnh táo trong các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ đã có báo cáo sát đúng với tình hình, những kết quả đạt được đều cao hơn số báo cáo Quốc hội trước đây. Những tồn tại, yếu kém cũng được Chính phủ đưa ra trong báo cáo rất rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan tâm đối với vấn đề điều hành ngân sách bởi lập và giao dự toán ngân sách dựa trên kịch bản tăng trưởng 6,8%, nên trong tình hình khó khăn, tăng trưởng không đạt thì điều hành thực hiện ngân sách phải chú ý chặt chẽ, chú ý đến nguồn vốn, điều hành dự toán chi - thu. Cùng với đó là nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu ngân hàng rất cao. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ cũng phải tính tới việc hấp thụ của nền kinh tế để gánh hậu quả về sau. Nhấn mạnh thực tế thu ngân sách 2020 sẽ giảm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải hết sức tỉnh táo trong các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các giải pháp của Chính phủ cần toàn diện, cụ thể hơn. Theo đó, cần phải tiếp tục rà soát lại các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả Covid-19 đúng, trúng, tránh kích thích sai, đầu tư sai dẫn đến những thiệt hại không đáng có.

Phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Quốc hội, nhất là vấn đề đầu tư công, đảm bảo giải ngân theo đúng tiến độ, đúng kế hoạch, bố trí dự án trong kế hoạch đã được bố trí vốn.

Đồng thời, cần phải rà soát lại các chính sách về tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, chính sách chi tiêu mà Chính phủ dự kiến sẽ đề xuất như chính sách giãn thuế, phí, vấn đề giảm, miễn thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng mức giảm trừ gia cảnh…; phải cân nhắc, tính toán thu chi đảm bảo hiệu quả nhất, tránh để tình trạng nợ xấu gia tăng, tránh tình trạng hụt thu quá mức...

Về chi ngân sách, đề nghị bảo đảm nguyên tắc giảm thu thì phải giảm chi tương ứng từ Trung ương đến địa phương. Nếu những khoản không thể giảm chi thì phải dùng dự phòng ngân sách, quỹ dự phòng tài chính để chi, dùng tăng thu, tiết kiệm chi để chi, sau đó mới tính đến vấn đề điều chỉnh bội chi nợ công, tránh để chi tràn lan mà không kiểm soát được.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tổng hợp tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hồ sơ, các báo cáo nhất là các kịch bản, các vấn đề đánh giá tác động để Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 sắp diễn ra tới đây./.

M. Thúy

Xem thêm »